Người nghèo trước áp lực tăng viện phí

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 1/6/2017 tới đây, gần 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế và các BV hạng 1 thuộc các bộ, ngành sẽ chính thức áp dụng giá dịch vụ y tế mới (ban hành theo Thông tư 02/2017/TT-BYT) đối với bệnh nhân không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, danh mục tăng giá có 1.900 dịch vụ, mức tăng chủ yếu khoảng 50% nhưng một số dịch vụ có giá tăng 2 lần so với mức đang áp dụng với các bệnh nhân tự chi trả. Đây thực sự trở thành nỗi lo về gánh nặng viện phí của người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nặng và không có thẻ BHYT.

Bán nhà… để chữa bệnh

Tại khoa Điều trị tích cực (BV Bạch Mai), bệnh nhân N.T.M (43 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu dài ngày, chi phí lên đến 500 triệu đồng. Để có tiền chữa bệnh, gia đình bệnh nhân M đã phải bán nhà được hơn 500 triệu đồng để nộp viện phí, do không tham gia BHYT, phải tự trả.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Điều trị tích cực (BV Bạch Mai) chia sẻ, hoàn cảnh của bệnh nhân M không phải cá biệt. Ở khoa Điều trị tích cực, đã có nhiều trường hợp bệnh nặng, chi phí lớn khiến gia đình trung lưu cũng trở nên khó khăn, thậm chí nghèo khó, do không có BHYT, phải chi trả toàn bộ tiền thuốc men, dịch vụ...

Việc bệnh nhân mắc bệnh nặng với chi phí lớn, chỉ định kỹ thuật cao, nếu có BHYT chi trả bệnh nhân sẽ thoát được “bẫy nghèo” do chi phí y tế. Bởi thuốc điều trị, vật tư y tế có thể lên đến cả trăm triệu đồng/đợt điều trị; một số bệnh tiền thuốc có thể lên đến 200 - 300 triệu đồng/năm và phải dùng lâu dài, nếu không có BHYT hỗ trợ phần lớn thì nhiều người khó có thể theo đuổi điều trị. Thậm chí, đã từng có bệnh nhân bỏ dở quá trình điều trị, xin về chờ chết vì không có tiền… đóng viện phí.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K T.Ư, chỉ rõ phần lớn người bệnh khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn (khoảng 80%) nên chi phí điều trị lớn. Điều đáng nói, người bệnh mắc bất kỳ loại ung thư: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày… cũng khiến họ trở nên kiệt quệ chỉ sau một thời gian ngắn. Kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước như BV Bạch Mai, BV K, BV Ung bướu TPHCM cho thấy, sau 1 năm phát hiện bệnh, có đến 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình, 22% phải bán nhà và tài sản trong gia đình như xe máy, tivi…

Đối mặt với nỗi lo viện phí tăng cao

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), phân tích, giá khám bệnh với người không có thẻ BHYT áp dụng từ ngày 1/6 ngang bằng với giá khám bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo đó, BV hạng đặc biệt, hạng 1: 39.000 đồng; BV hạng 2: 35.000 đồng; BV hạng 4: 31.000 đồng; BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực: 29.000 đồng/lần khám.

Thông tư 02 còn quy định thêm giá khám bệnh tại trạm y tế xã là 19.000 đồng/lần khám. Người bệnh đến cơ sở y tế khám, có thể khám chuyên khoa thứ 2 hoặc trong ngày chưa khám xong phải chuyển sang khám hôm sau thì giá khám lần 2 được tính bằng 30% so với giá ban đầu. Người bệnh nằm ghép 2 người trở lên BV chỉ được thu 50%, nằm 3 người/giường thì chỉ được thu 30%. Ngoài ra, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (thực hiện từ các trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay) do giám đốc BV quyết định.

Đa số bệnh nhân mắc bệnh nặng và không có thẻ BHYT phải tự chi trả, đều cho rằng, việc một loạt các BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, K… có sự điều chỉnh giá viện phí đối với người bệnh không có thẻ BHYT mà không may lâm bệnh nặng, chi phí chữa trị cao, nguy cơ bỏ điều trị hoặc phải bán nhà, tài sản... là rất lớn.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã từng chia sẻ: “Lâu nay, Nhà nước bao cấp ngược, tức cho người có điều kiện kinh tế nhưng không có thẻ BHYT. Đúng ra là việc giá tính đúng, tính đủ cho đối tượng này phải đi trước” - PGS.TS Tuấn nói và cho biết thêm hiện còn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nhưng việc bao phủ là không dễ. Do vậy việc thực hiện Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT đông đủ hơn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đảm bảo an sinh xã hội. Cũng theo PGS.TS Tuấn, nếu không tham gia BHYT khi gặp rủi ro sẽ khó khăn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nguoi-ngheo-truoc-ap-luc-tang-vien-phi-3341264-b.html