Người Nga mua tài sản của các công ty phương Tây rời đi với giá rẻ bèo

Các công ty phương Tây đã ồ ạt rời khỏi Nga kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Nhiều công ty đã giảm giá trị tài sản và có hai tập đoàn tiêu dùng lớn đã bị Điện Kremlin tịch thu gần đây.

Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh thay thế thương hiệu McDonald's ở Nga bắt đầu hoạt động với tên gọi "Vkusno i tochka" (tạm dịch: Ngon, thế thôi!). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Business Insider ngày 18/7, có một báo cáo mới cho thấy người Nga đã mua tài sản phương Tây trị giá hàng tỷ USD với cái giá rất rẻ.

Cụ thể, tờ báo Nga Novaya Gazeta ngày 13/7 đưa tin rằng các doanh nhân Nga đã mua tài sản của 110 công ty phương Tây đã rời khỏi Nga hoàn toàn hoặc một phần với giá hời. Theo bài báo, những tài sản này được định giá chung là gần 40 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Novaya Gazeta đưa ra kết luận này sau khi phân tích nhóm 100 chủ sở hữu mới lớn nhất theo giá trị tài sản ròng. Dữ liệu được Trường Kinh tế Kiev tổng hợp từ sổ đăng ký công khai của cơ quan thuế liên bang Nga.

Novaya Gazeta không nói rõ từng doanh nghiệp được bán với giá bao nhiêu, nhưng cho biết các doanh nghiệp này thường được mua với giá gần như bằng 0.

Gần một nửa số tài sản mà Novaya Gazeta phân tích (18 tỷ USD) do ông Vladimir Potanin, một nhà tài phiệt và là người giàu nhất Nga, mua lại. Ông Potanin đã bị Mỹ và Anh trừng phạt vào năm 2022. Ông Potanin là chủ tịch của Norilsk Nickel, công ty sản xuất niken cao cấp lớn nhất thế giới.

Một lý do giúp các doanh nhân Nga mua tài sản phương Tây với giá rất rẻ là một số doanh nghiệp nước ngoài đã được các đối tác Nga mua với điều kiện là chủ sở hữu phương Tây có thể quay lại thị trường Nga trong tương lai.

Các công ty nước ngoài cũng phải giảm giá bán vì vào tháng 12/2022, Nga bắt đầu yêu cầu những người bán tài sản phải thanh lý với mức giảm 50%. Nga cũng yêu cầu các công ty trả ít nhất là 10% giá trị giao dịch khi rời đi.

Từ tháng 3/2023 trở đi, chính phủ Nga cũng yêu cầu người bán từ các quốc gia không thân thiện phải đóng góp ít nhất 10% số tiền bán hàng cho ngân sách Nga.

Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, hơn một năm sau khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, mới có 529 công ty nước ngoài dứt khoát cắt đứt quan hệ với Nga. 1.000 công ty tuyên bố tự nguyện cắt giảm hoạt động chỉ hai tháng sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu.

Hơn 2.000 công ty đang xin rời khỏi thị trường Nga, nhưng tiến độ đã bị chậm do vấn đề hậu cần.

Trường hợp được nhiều người biết nhất là công ty McDonald's. Công ty này đã bán bớt các hoạt động của mình tại Nga vào năm 2022 sau hơn ba thập kỷ ở nước này. Thay thế McDonald's là một chuỗi cửa hàng na ná và tên món Big Mac được đổi thành Big Hit.

Những công ty khác có mức độ hoạt động khác nhau ở Nga không thể đơn giản chỉ đóng gói và rời đi vì nhiều lý do liên quan kinh doanh và không liên quan kinh doanh, như các thách thức về hoạt động, đạo đức và chính sách.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-nga-mua-tai-san-cua-cac-cong-ty-phuong-tay-roi-di-voi-gia-re-beo-20230719104843089.htm