Người Mường sinh sống chủ yếu ở tỉnh nào nước ta?

Người Mường có dân số gần 1,5 triệu người, đông thứ 4 tại Việt Nam, sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái.

1. Người Mường sinh sống chủ yếu ở tỉnh nào nước ta?

Phú Thọ
Sơn La
Hòa Bình
Thanh Hóa

Chính xác

Theo kết quả điều tra dân số, người Mường tại Việt Nam tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình, chiếm gần 38%. Ngoài ra, người Mường cũng tập trung ở một số tỉnh khác như Thanh Hóa (26%), Phú Thọ (15%), Sơn La (6%), Hà Nội (4%). Các vùng còn lại chiếm khoảng 11%.

2. Người Mường chiếm bao nhiêu % dân số tỉnh này?

Hơn 40%
Hơn 50%
Hơn 60%
Hơn 70%

Chính xác

Toàn tỉnh Hòa Bình có hơn 630.000 người thuộc dân tộc thiểu số, chiếm 74% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông… Trong số đó, đông nhất là dân tộc Mường, chiếm khoảng 63%. Tại Hòa Bình, Đà Bắc là huyện khó khăn nhất của tỉnh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 90%.

3. Chiếc váy truyền thống của dân tộc Mường có hình dạng thế nào?

Dạng xòe, có những quả len đỏ nổi bật
Dạng hình ống, dài từ nách đến gót chân
Dạng xòe, xếp ly rực rỡ sắc màu
Áo dài may theo kiểu xẻ tà, chiết eo

Chính xác

Chiếc váy truyền thống của phụ nữ Mường có thiết kế khá dài, được mặc từ nách xuống gần gót chân và may bó sát vào cơ thể. Chất liệu may váy là vải thâm hay vải nhuộm màu đen, lấy từ nhựa tự nhiên của các cây, quả, lá trên rừng.

Chiếc váy được chia ra làm hai phần chính là cạp váy và thân váy. Tuy chiếc váy truyền thống của phụ nữ Mường khiêm tốn, nền nã, kín đáo và không có màu sắc chói lọi rực rỡ như các dân tộc khác nhưng vẫn có những nét đặc trưng.

4. Món ăn nào là đặc sản của Hòa Bình?

Cá thính
Gỏi cá mè
Thịt lợn muối chua
Thịt chua ống nứa

Chính xác

Thịt lợn muối chua là món ăn không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Thịt chua Hòa Bình được làm từ thịt ba chỉ của những con lợn choai, thả rông dài ngày. Sau khi thái miếng, thịt được ướp với muối, thính gạo, riềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái, men lá rừng sao cho thật ngấm.

Thịt được để trong chiếc bồ lót lá chuối để ủ thịt chua. Cứ một lớp gạo rang giã dập trộn muối, lại đến một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên cho đến khi đầy bồ, rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun ủ 1-2 tuần.

Ngoài thịt lợn muối chua, măng đắng, cơm lam, rau rừng đồ... cũng là những món ăn đặc trưng của Hòa Bình nói chung và người Mường nói riêng.

5. Người Mường có phong tục nào vào ngày Tết?

Bắt chồng
Thờ bát nước lã
Gọi trâu về ăn Tết
Ăn trộm lấy may

Chính xác

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hòa Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.

Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-muong-sinh-song-chu-yeu-o-tinh-nao-nuoc-ta-2230988.html