Người lớn vô tình dạy trẻ ích kỷ

(GĐVN) Anh Mẫn, chị Trang kết hôn khá muộn. Chị lại bị huyết áp cao nên chuyện sinh nở rất khó khăn. Đứa con trai đầu lòng do yếu quá nên đã bỏ lại anh chị mà đi. Mãi lâu sau đó, chị mới có thai và sinh được con bé Thảo, thằng cu Nam. Vừa vặn, đủ nếp, đủ tẻ. Bà nội quý cháu lắm nên hết sức chiều công chúa, hoàng tử nhỏ. Có cái gì bà cũng dành cho chúng ăn.

Từ khi chúng còn bé, bà đã tiêm nhiễm vào đầu cháu mình suy nghĩ ích kỷ, chỉ biết bản thân mình. Rồi mỗi khi đưa cháu đi đến đâu, bà nội cũng nhăm nhe vơ hết quà cho cháu. Ví dụ như hôm bà dẫn bé Thảo với cu Nam lên nhà bà Lý hàng xóm chơi. Bà Lý đem ít bánh ra mời khách. Thế mà thoắt cái bà nội đã với lấy, không ngừng bóc cho hai đứa nhỏ ăn, còn không quên cất đi vài cái đem về, ăn dần. Nhà ở miền núi nên hải sản nói chung là rất hiếm và đắt đỏ. Hôm ấy, mới lĩnh lương nên anh Mẫn mua ít tôm về để cải thiện bữa ăn, dù sao cũng là món cu Nam thích ăn nhất. Thế là vào bữa, thằng bé chỉ chăm chăm đĩa tôm, đòi ăn hết, không chịu cho ai. Mẹ quát thí thằng bé gào khóc, giãy giụa, nằng nặc không nhường ai. Bà nội lại dỗ dành: “Ô, ô, tôm là của Nam, của Nam”, rồi kéo cái đĩa về trước mặt thằng bé thì cu cậu mới chịu nín.

Bé Hoàng được mẹ mua cho hộp đựng bút mới đẹp lắm, bên trong có rất nhiều các loại bút, thước, tẩy, gọt bút chì… Trước khi con trai đi học chị Ngọc dặn dò: “Hộp bút này đắt tiền lắm đấy, dùng bút nào thì lấy ra, đừng có để khoe tất cả trên mặt bàn, cũng không cho đứa nào mượn, nghe chưa?”. Dù rất khá giả nhưng vốn tính tiết kiệm, nên mỗi khi mua đồ gì cho con, chị Ngọc lại cứ dặn đi dặn lại con trai phải giữ gìn cẩn thận, nhất là không được cho hay để bạn mượn. Không biết có phải vì vậy không mà ngay từ nhỏ cu Hoàng đã biết giữ rịt đồ của mình, từ đồ chơi, đồ ăn, đến dụng cụ học tập. Bên cạnh đó, không chỉ với bạn bè cùng lứa mà ngay cả với mọi người trong gia đình, Hoàng cũng không bao giờ san sẻ những thứ của mình: Cái bánh đã là của Hoàng thì không được ai đụng tới, cái đùi gà dành riêng cho Hoàng thì đừng ai được ăn, dù có em bé nhà chú đến chơi... Vì thế mà các bạn, cả ở lớp cũng như trong xóm tẩy chay vì tính này.

Như vậy có thể thấy, những em bé được chiều chuộng, cung phụng quá thường cũng sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên, không quan tâm đến người khác. khi trẻ đã phân biệt được cái tôi, đã nhận biết được “quyền sở hữu”, đã muốn có những “tài sản riêng” và nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn, trẻ có thể trở thành ích kỷ, chỉ biết đến những điều tốt, điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người xung quanh. Điều nguy hiểm là đôi khi chính phụ huynh cũng có thái độ ích kỷ trong cuộc sống, và cho đó là sự “khôn ngoan”, tập cho trẻ thói quen biết và thích lợi dụng người khác, luôn tìm cách chơi “trên cơ”, chỉ biết bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình mình, bất chấp điều đó có thể gây thiệt hại cho người khác. Thói ích kỷ sẽ làm cho đứa trẻ bị coi thường và bị tập thể bạn bè xa lánh. Đó là một nguy cơ lớn có thể dẫn đến những tổn thương về tâm lý cho trẻ. Vì một trong những điều làm cho cả trẻ lẫn người lớn lo lắng nhất, chính là sự tẩy chay hay bị cô lập với tập thể, với những người xung quanh.

Tiểu Bối

Nguồn Gia Đình VN: http://giadinhvn.vn/vn/tintuc/chamevacon/10776-nguoi-lon-vo-tinh-day-tre-ich-ky.aspx