Người lao động mong được ăn thực phẩm sạch, an toàn

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hùng (CN KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội).

Ăn phải thực phẩm bẩn đang là mối nguy cơ lớn đối với hầu hết mọi người dân trong xã hội. Đối với những CNLĐ như chúng tôi, do thu nhập thấp, nên nguy cơ đó lại càng cao hơn gấp bội. Với mức thu nhập rất thấp của CN (cả hai vợ chồng chúng tôi thu nhập chưa đến 9 triệu đồng), thì để mua hàng ở siêu thị, ở những nơi có vẻ đảm bảo an toàn thực phẩm là một điều xa xỉ, không dám nghĩ đến, hoặc nếu có cũng chỉ một vài lần vào mua để cải thiện. Còn thường xuyên, CNLĐ chúng tôi vẫn phải mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy “khả nghi” tại các chợ chuyên phục vụ cho CN tại các KCN.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không mua thì chẳng biết mua gì, nên nhiều lúc phải nhắm mắt mua, hy vọng nếu có dư lượng thuốc trừ sâu thì cũng chỉ là một lần, mong cơ thể sẽ đào thải được, mình sẽ không bị sao! Vì vậy, có lẽ đây không chỉ là mong muốn của tôi, của CNLĐ mà còn là của toàn dân, đó là cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng thực phẩm để chúng tôi không phải lo lắng trước nguy cơ bị ăn chất độc hằng ngày để rồi bị bệnh tật sau này!

Chị Nguyễn Thị Thu (CN đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội): Công nhân mong có tích lũy để mua nhà

Thu nhập của vợ chồng tôi một tháng chỉ tầm 8 - 9 triệu đồng, trong khi đó có rất nhiều thứ phải chi. Do vậy, ước muốn có một ngôi nhà riêng của mình thực sự quá xa vời, dường như là không thể. Với CN sống độc thân, ở trọ trong căn phòng chật hẹp còn có thể chấp nhận được; nhưng đối với những cặp vợ chồng trẻ, nhất là khi đã có con cái, sẽ rất khó khăn khi phải sống như vậy, không yên tâm để công tác cũng như nuôi dạy con cái. Chính vì vậy, tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ có thêm giải pháp tháo gỡ về vấn đề nhà ở cho CNLĐ, nhất là những CNLĐ trực tiếp, thu nhập thấp, đã có gia đình như chúng tôi.

Điều quan trọng là CNLĐ cần được tăng lương để có thể có tích lũy; đồng thời Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, như: Có các dự án nhà ở xã hội cho CNLĐ; cho CN trả góp mua nhà trong thời gian dài cùng với gói cho vay với lãi suất thấp… Có như thế, CN mới có cơ hội sở hữu mái nhà cho riêng mình để yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái.

Ngày 22.4, Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ gần 3.000 công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và truyền thông điệp của Thủ tướng với người lao động cả nước. Chủ đề “Công nhân lao động đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng năng suất lao động”; “Công đoàn chăm lo “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” cho đoàn viên, người lao động”.

Buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này sẽ được tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng.

Ngay lúc này, hãy chia sẻ câu chuyện của chính bạn, những mối quan tâm trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Những chia sẻ và những câu hỏi của bạn, Báo Lao Động sẽ lựa chọn, tổng hợp để chuyển tới Thủ tướng trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng với công nhân lao động nói trên.

Hãy viết chia sẻ và câu hỏi tới Thủ tướng và gửi cho Lao Động qua email: gapgothutuong@laodong.com.vn

Hoặc thư tay về địa chỉ Báo Lao Động: Số 6 - Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

(Bì thư đề: Gửi chương trình Gặp gỡ Thủ tướng)

Những chia sẻ hay của bạn đọc cũng sẽ được chọn đăng trên báo Lao Động và Lao Động Online (laodong.com.vn). Bài đăng sẽ được trả nhuận bút theo luật định.

B.B.T BÁO LAO ĐỘNG

QUẾ CHI (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-mong-duoc-an-thuc-pham-sach-an-toan-651616.bld