Người họa sĩ dành cả đời vẽ Bác Hồ

Triển lãm “Văn Giáo trên những nẻo đường” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội từ 6 - 14/10.

Tác phẩm "Nắm đất Tổ quốc" (tranh sơn dầu của Văn Giáo)

Năm 2016, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Văn Giáo, gia đình ông đã dày công tìm kiếm, sưu tầm như một cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật để xuất bản một tuyển tập tranh hoàn chỉnh - một triển lãm tranh “Văn Giáo trên những nẻo đường” như một nén nhang thơm gửi tới hương hồn người nghệ sĩ.

Họa sĩ Văn Giáo được biết đến là một tác giả hầu như dành trọn cả đời cho đề tài Bác Hồ. Một thể loại tranh chân dung nhân vật lãnh tụ theo tiêu chí thẩm định “Giống cho đời nay và đẹp cho đời sau”, đòi hỏi cao bản lĩnh về hình. Ông cũng trực tiếp đến sống và vẽ ở những nơi Bác sống, làm việc như: quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng. Ông đã để lại cho đời nhiều bức tranh đẹp đi vào lòng người, đi vào lịch sử mỹ thuật Cách mạng Việt Nam về đề tài Bác Hồ.

Họa sỹ Văn Giáo là người đầu tiên vẽ Bác từ những ngày đầu cách mạng 1945. Thời kỳ đó không khí cách mạng ở Hà Nội vô cùng sôi nổi. Các họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng chia nhau đi vẽ tranh cổ động tuyên truyền khắp các đường phố.

Ông ghi trong hồi ký: “... Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị một cuộc mít tinh lớn tuần hành tại Hà Nội, lúc đó chân dung Bác còn hiếm, tôi được anh Như Phong phụ trách Văn nghệ của Đảng đã giới thiệu đến Bắc Bộ phủ vẽ Bác để treo trước trụ sở báo Cứu Quốc (nay là báo Hà Nội Mới) nơi cuộc mít tinh diễu qua (tháng 10/1945).

Lần đầu tiên vẽ chân dung lãnh tụ trên vải lớn 2m50 x 1m80 lại vẽ trực tiếp nên gặp ít nhiều khó khăn. Định vẽ một tuần sau kéo dài đến 10 ngày. Được sống gần Bác 10 ngày trong lúc cách mạng còn non trẻ lại gặp nhiều khó khăn lớn: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt nhưng Bác lúc nào cũng bình tĩnh ung dung lạc quan.

Bác sống hết sức giản dị khiêm tốn chan hòa với mọi người. Nhiều điều dạy bảo của Bác mãi sau này qua nhiều năm tháng kháng chiến dần dần tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu sắc. Năm 1946, tôi Nam tiến, hình tượng Bác đã in sâu vào tâm trí tôi...”.

Chính vì vậy, họa sỹ Văn Giáo muốn dành toàn bộ suy nghĩ sáng tác của mình vào chủ đề Bác Hồ không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào trong cuộc đời Bác, từ bôn ba hải ngoại đến tinh thần vì nước vì dân của Bác trong lòng quần chúng. Từ cảm nhận hình ảnh Bác như vậy, họa sỹ Văn Giáo xây dựng những tác phẩm về Bác hết sức bình dị, gần gũi.

Vào các năm 1963, 1964, 1965, ông đi vẽ ở Pác Bó ghi lại hình ảnh Bác khi Người về nước với những tác phẩm tiêu biểu: Nắm đất Tổ quốc, Bác về Tân Trào, Bác dịch sử Đảng. Văn Giáo đã tập trung sáng tác theo chủ đề “Bác Hồ với quê hương” và hình thành một phòng tranh được công bố vào năm 1980 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ tranh đi vẽ “Đường mang tên Bác” của họa sỹ là chứng nghiệm một cách sáng tạo hình ảnh Bác lan tỏa cùng non sông đất nước được thực hiện vào mùa hè năm 1974. Trên con đường này, họa sỹ đã gắn bó tinh thần gan dạ, bất khuất của chiến sĩ đồng bào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước theo lời kêu gọi của Người: Không có gì quý hơn độc lập tự do - Miền Nam trong trái tim tôi.

Thật khó có thể đo đếm được tần số những chuyến đi sáng tác ở những địa danh lịch sử chỉ biết rằng bộ sưu tập của ông cứ nhiều dần nhiều dần về những chuyến đi vẽ, về hình tượng Bác, về những tình cảm của Bác dành cho nhân dân đã hiện diện trên tranh của họa sỹ Văn Giáo như một tấm lòng tri ân của nghệ sĩ với Bác Hồ, với nhân dân. Với ông đó là niềm hạnh phúc. Một nét đẹp riêng hình tượng nghệ thuật Bác Hồ của Văn Giáo.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-hoa-si-danh-ca-doi-ve-bac-ho-post176741.html