Người hiền kết chữ thành thơ

Rất không lạ khi người làm thơ lại được sinh ra ở quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Càng không lạ khi đó lại là thơ Đường luật. Cũng không lạ khi thấy Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã đặt nhan đề cho tập thơ hơn trăm bài của mình là 'Tập làm thơ Đường luật'.

Bản tính khiêm nhường của một người hiền "dòng dõi Nho gia" mặc áo lính, qua nhiều đạn bom, vượt nhiều thử thách, mấy chục năm gắn bó với công tác chính trị trong quân đội thể hiện rất rõ trong tuyển tập thơ mà có lẽ là ông rất muốn lưu lại cho đời sau như một "Của tin còn một chút này làm ghi" (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Trung tướng Phùng Khắc Đăng.

Tập thơ có thể được coi như những phác họa chân dung bằng các con chữ đời sống tinh thần của cá nhân ông và cả thời đại mà ông là người chứng kiến bằng những câu thơ luôn cố gắng ép mình vào niêm luật nhưng vẫn luôn luôn dồn sức cựa quậy để ý tứ và cảm xúc vượt được qua những giới hạn của thể loại. Và của cả hoàn cảnh sống dường như khá đầy đủ về vật chất và viên mãn về mong ước của một ông tướng đã hạ cánh công vụ một cách an lành. Ở thời điểm mà:

Bao đoạn thăng trầm đà tới đích
Tâm hồn thanh thản đậm tình quê

Trung tướng Phùng Khắc Đăng dường như muốn gửi tới mọi người - sống đồng thời và cả ở những mai sau - những câu chữ tâm huyết nhất về thế thái nhân tình mà ông đã đúc kết được trong cuộc sống tận tụy và dài lâu của mình trên cõi thế…

Xưa nay, làm thơ luôn thích sự phóng khoáng. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, dẫu bẩm sinh là một người hào hoa và lãng mạn, nhưng đã luôn được tôi luyện và công thành danh toại trong những "niêm luật" chặt chẽ của đời sống quân nhân. Theo lẽ thường, người trong đời sống hàng ngày phải gò mình theo quy chế thì khi bước sang thế giới thi ca, dễ trở nên bay bổng quá đà, như một sự cân bằng lại nhịp điệu sinh học. Thế nhưng, trong tập thơ này, Trung tướng Phùng Khắc Đăng vẫn tuân thủ theo cách tự làm khó mình bằng những thử nghiệm thơ Đường luật.

Ai cũng biết, mặc dù khá phổ cập từ nhiều thế kỷ nay ở nước ta, nhưng thơ Đường luật không bao giờ là cuộc chơi dễ dãi, người theo đuổi nó phải rất lao tâm khổ tứ và rèn luyện kỹ thuật cao độ để đáp ứng được các quy tắc xa xưa rất bó buộc. Chọn thể loại thơ Đường luật, người làm thơ mặc nhiên còn gây thêm cho mình khó khăn khi ở thời hiện đại vẫn "diện" y phục gợi ra cảm giác cổ kính, thậm chí trong nhiều trường hợp, đã có vẻ như lỗi thời với ngày hôm nay…

Những điều này, hiển nhiên Trung tướng Phùng Khắc Đăng đều biết cả. Biết khó khăn, nhưng vẫn dấn thân làm. Đó có lẽ cũng là bản lĩnh của một vị tướng muốn tạo thêm một cầu nối cái nhất thời đương đại với những bất biến muôn đời từ quá khứ… Và cũng tự lượng sức mình, ông đã không nói những tuyên ngôn to tát về nghệ thuật mà chỉ nhỏ nhẹ "Viết chơi":

Dù bôn ba mãi cùng trời đất
Ta cứ vui đi để đẹp đời.

Ừ, đã tự nhủ rồi, "cứ vui đi để đẹp đời". Trong tập thơ này có nhiều bài được viết ra những lúc "trà dư, tửu hậu". Thí dụ như những câu viết về chuyện nhuộm tóc:

Tháng ra thăm tiệm cho người gội
Ngày tới soi gương để tớ xem
Lúc nhuộm xong rồi khoe hết cỡ
Vẫn còn trẻ lắm - khối anh thèm….
Hay, bài thơ viết về Hải Phòng:
Đà Nẵng em về - mây bảng lảng
Đằng Giang anh đến - sóng tuôn trào
Câu thơ Tam Bạc ru hồn khách
Thấp thoáng thiên nga vẫy cánh chào….

Bìa “Tập làm thơ Đường luật” của Trung tướng Phùng Khắc Đăng.

Và nhiều nhiều nữa, rất thanh thản, vui tươi, nhẹ nhõm… Thế nhưng, cũng trong tập thơ này của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, người ở lứa tuổi "cổ lai hy", có thể coi mình cũng đã hiểu gần hết các lẽ đời, những niềm vui trong thơ luôn phập phồng những đồng cảm với nỗi đau của những người khác và những ưu tư về những thứ chưa hoàn thiện của cõi nhân sinh. Rất biết tự bằng lòng với những gì mình đã đạt được và đang có, ông - qua những câu thơ Đường luật nhiều khi mộc mạc nhưng luôn rất đỗi tha thiết và chân thành của mình - lại thường đau đớn và đau đáu trước những cảnh đời bất hạnh. Ông thương nỗi đau khổ, đoạn trường của những người là nạn nhân của thiên tai:

Kẻ chết chôn vùi nơi suối vắng
Người còn vạ vật chốn tha hương
Thiên tai đổ xuống ai ngờ tới
Thảm khốc dân lành thật đáng thương.

Và với trách nhiệm công dân cao độ, ông đã từng lo lắng cho cả việc:

Mong sao luật pháp chẳng vô thần…
Ông còn làm thơ để "chống tiêu cực".

Ông đả phá thói xu nịnh:

Ngày nay lắm kẻ nịnh trên đời
Trên sổ mũi thì dưới hắt hơi
Năm tháng tìm bè lo kiếm chác
Tối ngày chọn hội để rong chơi
Đôi điều thành tích khen vang nước
Một chút công lao tấu vọng trời
Làm tốt không bằng luồn lách khéo
Đến khi lật mặt - thế gian cười.

Nghe đâu đó có khẩu khí của các bậc tiền nhân khi đả phá những hiện tượng tiêu cực thời thực dân phong kiến… Rồi ông viết về những "trí thức không trọng danh", về thói hư tật xấu lẩn quất quanh ta.

Cũng phải nói rằng, với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, thơ không chỉ là sự giãi bày mà còn là điểm tựa cho tâm hồn để lấy thêm năng lượng và nghị lực vượt qua những cú đánh nghiêm trọng của số phận. Thơ đã góp phần giúp ông thoát hiểm. Khi lâm bệnh nặng, ông hạ quyết tâm:

Có thấu lòng ta những lúc này
Bao nhiêu dự tính phải dừng tay
Hăng say lúc trẻ - nhiều mơ mộng
Uể oải về già - lắm đổi thay
Gắng sức cho qua điều chẳng muốn
Dằn lòng bỏ mặc chuyện không hay
Cho dù vất vả còn đằng trước
Bấm bụng bền gan thắng trận này.

Ở trong bất luận hoàn cảnh nào của cuộc sống, dù bất trắc đến mấy, ông vẫn giữ nguyên trong mình phong độ đáng tin đáng kính của một người cán bộ chính trị, một vị chỉ huy cao cấp, chỗ dựa vững chãi cho tất cả những ai yếu lòng hơn…

Đọc những bài thơ "Tập làm thơ Đường luật" của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, đừng nên soi xét bằng con mắt thẩm thấu nhà nghề, mà nên bằng một cái nhìn tìm kiếm tri âm. Và ta sẽ có thể thấy nhiều sự an ủi và sẽ trân trọng những bài thơ như những khoảnh khắc thăng hoa của sự tử tế và lương thiện trong tâm hồn của một vị tướng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-hien-ket-chu-thanh-tho-i677829/