Người Hà Nội ám ảnh cảnh ô tô 'bò' trên đường bắt khách

Vì sao xe khách không vào bến, người đi xe chỉ thích bắt ô tô dọc đường là vấn đề đang tồn tại ngay giữa thủ đô...

Cách bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm... không xa nhưng nhiều hành khách đi các tỉnh vẫn không vào bến xe mà đứng chờ xe ở phía đường đối diện hoặc gần đó. Để rõ hơn về tình trạng người dân đứng bắt xe khách ngoài đường, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã trực tiếp tìm hiểu từ những vị khách đứng đợi bắt xe ở khu vực xung quanh bến.

Anh Bùi Văn Tuân (34 tuổi, quê Ninh Bình, hành khách bắt xe tại tuyến đường Giải Phóng, gần khu vực Bến xe Giáp Bát) cho hay: "Tôi không thích vào bến xe vì đứng ở đây tiện hơn, đi khám bệnh về nên tôi chỉ muốn đứng ở điểm nào đó gần bệnh viện. Khi vào bến có nhiều xe ôm, các hãng xe chèo kéo nên tâm lý tôi không muốn vào bến. Chỉ cần gọi đến nhà xe mà tôi hay đi và hẹn điểm đón là được".

Anh Bùi Văn Tuân cùng con trai đứng tại vỉa hè đợi bắt xe về Ninh Bình.

Tương tự, anh Huy Tài (hành khách bắt xe tại tuyến đường Phạm Hùng, gần khu vực Bến xe Mỹ Đình) chia sẻ: "Khi vào bến xe Mỹ Đình, sau khi mua vé phải mất 15 - 30 phút mới có chuyến xe đi về Bắc Giang, do vậy tôi thà chở ở ngoài đường, gặp xe nào bắt xe đó để về nhanh hơn".

Nhiều người dân không muốn vào bến vì bắt xe ngoài đường tiệ̉n hơn.

Trước tình trạng xe khách "rùa bò", người dân bắt xe dọc đường... ông H. (là xe ôm tại Bến xe Mỹ Đình) chia sẻ: "Theo tôi, để xảy ra tình trạng như vậy thì đầu tiên phải nói đến vấn đề các xe khách chưa chấp hành đúng quy định, khi xuất bến thì đi vòng vèo các cung đường gần bến xe để bắt khách. Thứ hai là do các bến xe làm việc chưa nghiêm túc, chưa quản lý chặt chẽ để cò mồi các hãng xe khách hoạt động nhiều, khiến cho người dân cảm thấy bị phiền toái không muốn vào bến. Đặc biệt nạn móc túi xảy ra thường xuyên khiến tâm lý của người dân sợ hãi khi ra vào bến xe".

Xe chở khách biến thành xe chở hàng vì không có người đi

Đại diện một số bến xe thông tin, không ít nhà xe khách rơi vào tình trạng hoạt động cầm cự một phần là do tình trạng xe dù bến cóc và các xe ghép trá hình hoạt động.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, điều mong muốn của doanh nghiệp vận tải là hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do đó, bài toán đặt ra ở đây không phải doanh nghiệp vận tải có vào bến hay không mà là khách có vào bến hay không?

Tương tự, ông Phạm Tú Nghị (lái xe khách tuyến Nam Định – Hà Nội) than thở, xe chở khách bây giờ thành xe chở hàng vì không có khách. Chỉ có chở hàng thôi chứ hành khách ít lắm, đến giờ xuất bến cả xe cũng chỉ được 2 khách.

Xe chở khách bây giờ thành xe chở hàng vì không có khách. (ảnh ghi nhận ngày 27/11/2023)

Ông Nghị cho rằng do khách không vào bến, nên nhiều nhà xe vì "miếng cơm manh áo" phải bắt khách dọc đường. Tình trạng xe dù bến cóc trên địa bàn Hà Nội nhiều, người dân với tâm lý "tiện lợi" nên đã chọn di chuyển bằng các phương tiện khác như xe limousine, xe ghép… dẫn đến tình trạng bến xe vắng khách.

Ông Phạm Tú Nghị (lái xe khách tuyến Nam Định – Hà Nội) chia sẻ về thực trạng bến xe vắng khách. (ảnh ghi nhận ngày 27/11/2023)

"Hiện nay các xe hoạt động tại bến xe nhưng rất vắng khách. Vì vậy khi các xe từ bến ra các tuyến đường thường đi chậm để bắt khách và chở các kiện hàng dọc đường để lấy thêm tiền xăng, dầu. Đây cũng là một lý do dẫn tới việc xe khách bất chấp dừng đỗ đón khách không đúng quy định.

Đối với doanh nghiệp, hành khách không vào bến mà chỉ đứng ở đường đón xe cũng rất khó khăn. Bởi xe không thể không có khách được. Còn thiếu vắng những điểm đón trả khách an toàn được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép", ông Phạm Tú Nghị nêu quan điểm.

Trước tình trạng bến xe vắng khách, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho rằng đây cũng là vấn đề mà đơn vị trăn trở bấy lâu nay.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc bến xe Giáp Bát chia sẻ về nguyên nhân bến xe vắng khách.

"Nhằm kích cầu người dân vào bến đi xe, đơn vị quản lý Bến xe Giáp Bát đã nâng cao chất lượng phục vụ, tuyên truyền cho người dân vào bến mua vé để tránh rủi ro. Ngoài ra thực hiện kí bản cam kết với các nhà xe không được bắt khách dọc đường, nếu vi phạm và được người dân phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý triệt để", ông Tùng bày tỏ quan điểm.

Chế tài chưa đủ sức răn đe...

Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Đội trưởng đội CSGT số 14 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội), xe bắt khách dọc đường đã tồn tại rất lâu, đã có rất nhiều nhà xe bị xử phạt. Tuy nhiên hiện nay tình trạng này vẫn xảy ra bởi chế tài chưa đủ sức răn đe.

Đầu tiên, chế tài xử phạt các hành vi dừng đỗ, chạy dưới tốc độ tối thiểu, đón trả khách không đúng nơi quy định còn thấp. Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung theo nghị định 123/2021 có mức phạt từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm, nhiều nhà xe chấp nhận đóng phạt khi gặp cán bộ CSGT xử lý.

Tiếp đó, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách, nòng cốt là Sở GTVT (Phòng vận tải các địa phương) còn nhiều hạn chế. Cụ thể tại điều 12 Nghị định số 10/2020, điều 9 thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về thiết bị giám sát hành trình của phương tiện được kết nối về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng Cục đường bộ và thông tin dữ liệu từ camera lắp đặt trên phương tiện cung cấp cho phía cơ quan chức năng để quản lý, kiểm tra, xử lý... Tuy nhiên những công tác nêu trên vẫn còn hạn chế, không thực hiện hiệu quả.

Hiện nay, theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND TP Hà Nội quy định về hoạt động của phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố, cấm các xe ô tô hợp đồng từ 10 chỗ trở lên hoạt động trong giờ cao điểm sáng chiều. Tuy nhiên, tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP không có quy định xử lý vi phạm lỗi chạy sai giờ đối với xe khách, từ đó xe hợp đồng vi phạm nhưng không xử phạt được.

"Qua đó, phía đơn vị cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải sắp xếp lại số lượng phương tiện chạy tuyến cố định, đảm bảo tần suất hợp lý để khai thác hiệu quả" Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-ha-noi-am-anh-canh-o-to-bo-tren-duong-bat-khach-169231220185244147.htm