'Người dưng' không xa lạ

Ðằng sau vẻ đìu hiu với những hàng quán cửa đóng then cài, dòng người thưa thớt là hàng trăm, hàng ngàn người lao động nghèo đang phải vật lộn mưu sinh. Công việc không có, buôn bán chẳng ai mua, nguồn thu nhập mất đi khiến họ điêu đứng.

Cơm di động miễn phí trao tận tay người cần

Món quà bất ngờ…

“Xin lỗi đã làm phiền! Tôi gửi chị phần quà nhỏ. Chúc chị nhiều sức khỏe!”. Người nhận quà còn chưa hết ngơ ngác, đã xúc động khi thấy phần cơm canh nóng hôi hổi, kèm phần tráng miệng trái cây, lại thêm mấy gói mì, vỉ trứng… đặt vào tay.

Hơn một tháng qua, hình ảnh những anh “shipper” (người giao hàng) chở chiếc thùng màu xanh lá sau xe, bên trong có bao nhiêu là phần cơm hộp và quà để tặng người khó khăn, cơ nhỡ… trở nên quá đỗi quen thuộc với nhiều người dân nghèo ở Sài Gòn. Đây chính là đội cơm di động miễn phí tại TPHCM nhằm tránh việc người dân tập trung quá đông một chỗ, không đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Thấm giọt mồ hôi lăn dài trên má, anh Trang Thanh Hải (ngụ Q.5, TPHCM) nhanh tay xếp 50 phần cơm vào thùng chuẩn bị lên đường kể, anh vốn làm giám đốc một doanh nghiệp nhưng dịch bệnh, anh chuyển sang kinh doanh tự do. Đọc thông tin trên mạng xã hội, biết một nhóm thiện nguyện tại TPHCM tuyển tình nguyện viên tặng cơm người nghèo. Thế là anh xin tham gia góp sức.

Mỗi ngày, bếp cơm yêu thương trên đường số 2 (P.Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) lại tất bật hoàn thành khoảng 1.500 phần cơm để đội cơm di động chở đi phát. Cứ đúng 10 giờ, anh Hải và các tình nguyện viên sau khi chất đầy cơm vào thùng, chia nhau tỏa đi các tuyến đường có bệnh viện, hẻm trọ…, nơi có nhiều người lao động, bệnh nhân nghèo. “Theo kế hoạch, tôi sẽ đi theo các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi… thuộc quận Gò Vấp; len vào các hẻm nhỏ, tuyến đường thường có nhiều người bán vé số, ve chai, xe ôm… để trao quà. Tuy cực nhưng rất vui khi thấy bà con nghèo sẽ đỡ phần lo lắng về cái ăn trong lúc dịch dã” - anh Hải bộc bạch.

“Ai cần có thể đến lấy, ai dư thì mang đến ủng hộ, hãy cùng dìu nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch” - dòng chữ đặt cạnh chiếc tủ lạnh cộng đồng “Thạch Sanh” chẳng lúc nào vơi trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TPHCM) như tiếp thêm động lực cho không ít người khó khăn.

Chiếc tủ lạnh đặc biệt này chứa đầy rau củ, trứng, trái cây… là địa chỉ quen thuộc, hàng ngày cung cấp hoàn toàn miễn phí nhiều loại thực phẩm cho người lao động nghèo trên địa bàn Thành phố. Thay vì người dân đi nhận các suất ăn đã nấu sẵn vào nhiều buổi trong ngày tại các điểm phát cơm từ thiện, thì với chiếc tủ lạnh cộng đồng sẽ giúp người dân có được một lượng thực phẩm vừa đủ để sử dụng trong bữa ăn của gia đình mình.

Mừng vui khi được nhận túi rau xanh, 10 quả trứng, ít trái cây, chị Hiền (lao động tự do) cho biết, từ ngày Thành phố ngừng vé số, chị không có nguồn thu nhập nào khác để có tiền đi chợ hàng ngày. “Cũng may, mình biết ở đây phát thực phẩm miễn phí nên hàng ngày tới nhận đem về nấu cho các con ăn. Nếu không chẳng biết xoay xở thế nào trong những ngày sắp tới” - chị Hiền nghẹn ngào nói.

…Ðến khách sạn miễn phí

Trong khi nhiều nơi lo sợ có người lạ đến nhà sẽ mang theo nguy cơ dịch bệnh, thì một nhóm người trẻ ở Sài Gòn lại sẵn sàng dùng khách sạn của mình làm chỗ ngả lưng qua đêm cho mọi người.

Khách sạn cộng đồng đầu tiên ở Sài Gòn đi vào hoạt động là khách sạn Ambassador (84A Bùi Thị Xuân, Q.1, TPHCM). Nơi đây đang hỗ trợ miễn phí những người đang gặp khó khăn về chỗ ở: những y bác sĩ, chiến sĩ công an, phóng viên, dân quân, tình nguyện viên... đi làm việc ở các điểm cách ly, xét nghiệm tại các tổ COVID-19 cộng đồng nhưng khi đêm về lại gặp khó khăn trong việc lưu trú.

Anh Đinh Quốc Huy (35 tuổi)- chủ khách sạn Ambassador cho rằng, việc làm của mình chỉ như một thanh củi, góp thêm ngọn lửa sưởi ấm Sài Gòn. Anh Huy mong khi ý tưởng này chạy suôn sẻ sẽ có nhiều mô hình được nhân rộng ở nhiều nơi, trước mắt là TPHCM. “Bản thân là người kinh doanh, ai cũng mong muốn có lợi nhuận. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình cũng là một phần của thành phố. Nếu Thành phố không trụ được thì mình cũng không thể kiếm tiền hay làm được gì cả” - anh Huy bày tỏ.

Khách sạn cộng đồng miễn phí giúp khách yên tâm mùa dịch

Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả, đó là các mô hình độc đáo trên đều xuất phát điểm từ ý tưởng của anh Nguyễn Tuấn Khởi (38 tuổi) - sáng lập tổ chức phi lợi nhuận FoodBank Việt Nam (Foodbank). Mỉm cười thân thiện, anh Khởi bảo, thời gian trong ngày hầu hết đều dành chăm lo những “đứa con tinh thần”. Là người nhiều năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện, anh luôn trăn trở làm sao để có thể giúp được nhiều người hơn và bằng những cách tốt nhất. “Khi thấy nhiều người không có thức ăn, không đến được nơi để nhận thực phẩm, hay tuyến đầu chống dịch không dám về nhà do sợ lây nhiễm... Chúng tôi cứ suy nghĩ, tâm tư mãi…” - anh Khởi bộc bạch.

Hiện, tủ lạnh “Thạch Sanh” đang tạm dừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhóm anh Khởi quyết định đưa thực phẩm đến tận nơi, tận tay người cần. Người sáng lập FoodBank Nguyễn Tuấn Khởi cho rằng: “Không phải ai cũng có điều kiện đến siêu thị mua thực phẩm. Chúng tôi sẽ đưa thực phẩm đến các khu nhà trọ đông công nhân, người lao động khó khăn. Thực phẩm cũng sẽ tiếp tế đến các mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ xã hội… với mong muốn “không ai là không có thực phẩm, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo anh Khởi, thật ra các mô hình tủ lạnh miễn phí hay khách sạn cộng đồng đều không mới, các quốc gia trên thế giới đã triển khai rất nhiều. Anh chỉ là người đem những điều học được khi ra nước ngoài về Việt Nam, giúp người dân khó khăn trong dịch bệnh.

“Dịch bệnh thì ai cũng sợ, cũng lo. Nhưng thấy người dân mình không có cái ăn, nơi ngủ an toàn… chúng tôi cầm lòng không được, lại lên ý tưởng và kêu gọi mọi người chung tay thực hiện. Tôi thấy nhiều nơi thực phẩm dư thừa bỏ đi rất lãng phí, cũng như nhiều khách sạn trống khách mùa dịch, tại sao chúng ta không góp một phần công sức để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, giúp đỡ người dân... Thành phố còn nhiều khách sạn trống, sao lại để lãng phí đến vậy”- anh Khởi bày tỏ quan điểm.

Khi chúng tôi hoàn thành bài này, được biết, các phòng của khách sạn cộng đồng đều có các đoàn y bác sĩ đến lưu trú. Mọi người thấy ấm lòng khi được lo ăn ngủ miễn phí, để hôm sau họ lại tiếp tục nhiệm vụ. “Chúng tôi gặp khó khăn trong khâu vệ sinh giặt là vì ngay tại khách sạn không có công năng này. Chúng tôi đang cố gắng tìm giải pháp, và mong được kết nối với đơn vị chuyên giặt là công nghiệp thì tuyệt quá!” - anh Khởi chia sẻ.

(Còn nữa)

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-dung-khong-xa-la-post1355838.tpo