Người đi xe máy tử vong khi đi vào đường cao tốc: Ai phải bồi thường sau tai nạn?

Chuyện người dân đi xe máy vào đường cao tốc dành riêng cho ô tô rồi bị tai nạn tử vong bấy lâu nay không hiếm. Mặc dù việc vi phạm giao thông dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đã bị lên án rất nhiều, thế nhưng những tình huống này vẫn không hề giảm đi trong thực tế.

Hiện trường vụ tai nạn ô tô đâm xe máy trên đường cao tốc ngày 5/5.

Những vụ việc đáng tiếc

Mới đây, vào khoảng 7h20 ngày 5/5, anh T.V.L (SN 1994, ở Hải Phòng) điều khiển ô tô khách mang BKS Hải Phòng, lưu thông trên đường Đại lộ Thăng Long hướng Hòa Lạc - Trần Duy Hưng. Khi đi đến Km4 +00 đường Đại lộ Thăng Long, xảy ra va chạm với xe máy mang BKS Vĩnh Phúc do chị N.T.T.V (SN 2000, ở Vĩnh Phúc) điều khiển. Vụ va chạm khiến chị V tử vong tại chỗ. Địa điểm xảy ra tai nạn là đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long. Tại đây, xe máy, xe thô sơ và gia súc bị cấm đi vào.

Vụ việc tương tự như trên không hiếm. Trước đó, chiều 1/2, tại Km14+850 trên Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng - Hòa Lạc) thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội đã xảy ra va chạm giữa một xe máy với ô tô tải. Thời điểm trên, người đàn ông điều khiển xe máy đang lưu thông vào Đại lộ Thăng Long theo hướng đi trung tâm TP Hà Nội thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe tải có BKS Bắc Giang do tài xế N.V.M (SN 1994, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang) cầm lái. Vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy là ông Đ.T.T (SN 1977, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) tử vong tại chỗ, xe cũng bị hư hỏng nặng.

Trước đó, tối 16/8/2020, tại Km15+500 đường cao tốc phía Bắc, Đại lộ Thăng Long (Quốc Oai, Hà Nội), xe tải BKS Hà Nội do P.V.X.T (SN 2000, ở tỉnh Hòa Bình) điều khiển đi theo hướng Hà Nội - Hòa Lạc đã xảy ra va chạm với xe máy mang BKS Phú Thọ do H.T.L (SN 2002, ở Phú Thọ) điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả, chị L. tử vong tại chỗ, chiếc xe máy bị văng xa, hư hỏng nặng.

Trách nhiệm bồi thường dân sự thế nào?

Việc người xe máy đi vào đường cao tốc bị tai nạn tử vong, thì trách nhiệm bồi thường thế nào? Theo luật sư Nguyễn Thị Mai - Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới (ô tô con, ô tô tải, xe đầu kéo…), có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác… Những người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy... không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Còn theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Nếu gây tai nạn giao thông, ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.

Trong trường hợp xe ô tô đâm vào xe máy khiến người đi xe máy tử vong trên đường cao tốc, về trách nhiệm bồi thường, theo luật sư Nguyễn Thị Mai, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (chiếc xe ô tô gây tai nạn) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Như vậy, về nguyên tắc, chủ sở hữu, người điều khiển xe ô tô phải bồi thường thiệt hại cho người điều khiển xe máy ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp việc người lái xe máy tử vong hoàn toàn do lỗi cố ý của họ (cố tình đi vào đường cao tốc, đi ngược chiều). Song, khi xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xét yếu tố lỗi của người đi xe máy - luật sư Mai cho biết.

Trường hợp kết luận điều tra xác định có lỗi của lái xe ô tô và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi.

Còn nếu nguyên nhân dẫn đến tai nạn giữa xe tô tô và xe máy trên đường cao tốc do lỗi cố ý của người điều khiển xe máy khiến việc va chạm là điều bất khả kháng, người lái ô tô không thể lường trước được mặc dù vẫn tuân thủ đúng các quy tắc giao thông đường bộ thì lái xe ô tô không phải bồi thường thiệt hại.

Ngược lại, người điều khiển xe máy còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ của chiếc xe ô tô nếu có thiệt hại xảy ra và người này yêu cầu bồi thường. Trường hợp người gây ra tai nạn đã chết, nếu họ có tài sản để lại thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-di-xe-may-tu-vong-khi-di-vao-duong-cao-toc-ai-phai-boi-thuong-sau-tai-nan-335648.html