Người đi đầu trên mặt trận phòng, chống 'H'

Suốt 15 năm 'chiến đấu' trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS, anh Hà gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ cho hàng trăm bệnh nhân có 'H'. Chưa dừng lại ở đó, anh còn là 'bà đỡ' cho các mô hình, tổ chức dựa vào cồng đồng, đồng đẳng viên...

"Nhờ có anh Hà làm cầu nối, tôi biết đến các chương trình, quỹ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS để thành lập nhóm giúp đỡ những người nhiễm HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Thanh Hóa", anh N.X.T., trưởng nhóm CBO Thanh Hóa (các tổ chức dựa vào cộng đồng) khi nói về anh Phạm Hữu Hà - Cán bộ Khoa phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa.

Quá trình hoạt động của nhóm, anh Hà không chỉ hỗ trợ là cầu nối giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa với các thành viên nhóm CBO mà còn "ra tay" trực tiếp các hoạt động của nhóm khi gặp ca khó như truy vết, tư vấn ổn định tâm lý, tuân thủ điều trị. Nhiều năm nay, anh Phạm Hữu Hà được lãnh đạo đơn tin tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV do nhóm CBO cung cấp tại tỉnh Thanh Hóa.

Anh Phạm Hữu Hà, cán bộ Khoa phòng chống HIV/AIDS thuộc CDC Thanh Hóa trao đổi công việc hàng ngày với anh T., Trưởng nhóm CBO Thanh Hóa.

Hơn 15 năm về trước, toàn xã hội có cái nhìn tiêu cực về những người bị nhiễm HIV/AIDS, họ bị bài xích, ghét bỏ và luôn sống trong lo âu, tâm lý bị kỳ thị bao trùm cuộc sống. Năm 2008, khi mới "chân ướt chân ráo" bước vào ngành y, cán bộ trẻ tuổi Phạm Hữu Hà lại có cách nhìn rất khác về những người có "H". Ban đầu nhiều người cứ nghĩ rằng anh Hà "làm màu" lấy lòng lãnh đạo, tuổi trẻ thích thể hiện...

Đến năm 2009, anh Hà may mắn được tham gia Dự án phòng, chống HIV/AIDS do World Bank hỗ trợ, là đầu mối để điều tra, vẽ bản đồ nhóm MSM - nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV. Từ 2011 – 2012, anh là điều phối viên truyền thông dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người dân bị ảnh hưởng bởi việc việc xây dựng QL 217 kết nối với QL 6A - 6B thuộc tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).

Đến giai đoạn 2016 – 2018, anh tiếp tục được tham gia các hoạt động do Dự án VAAC-US.CDC hỗ trợ, tổ chức hoạt động nhóm hoạt động xã hội CBO can thiệp cho nhóm MSM đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu tăng cường tiếp cận, xét nghiệm, điều trị hướng tới mục tiêu 90-90-90 tại tỉnh. Từ 2019 đến nay, ngoài các công việc chuyên môn, anh Phạm Hữu Hà được giao quản lý hoạt động do các nhóm CBO cung cấp. Đến năm 2020, anh được giao phụ trách hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) do dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ trên địa bàn Thanh Hóa rộng lớn.

Suốt 15 năm "chiến đấu" trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS, anh Hà đã gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ cho hàng trăm bệnh nhân có "H" và có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đến bây giờ, dù không nhớ rõ từng người mà mình đã hỗ trợ điều trị, dự phòng nhưng trong tiềm thức, anh vẫn biết mỗi bệnh nhân nhiễm "H" đều là những hoàn cảnh đặc biệt.

"Ngày đó, khi mới được giao nhiệm vụ, tôi rất ngỡ ngàng và lo lắng vì bản thân không có kinh nghiệm làm việc với các nhóm CBO. Nhưng rồi, được lãnh đạo, đồng nghiệp động viên và nhận thấy đây là hoạt động có ý nghĩa, giúp được nhiều người dự phòng được lây nhiễm HIV/AIDS hay với người đã có "H" tự tin, khỏe mạnh hơn khi điều trị ARV nên tôi tham gia với một tâm lý thoải mái", anh Phạm Hữu Hà chia sẻ.

Theo anh Hà, khi tư vấn, tiếp xúc, hỗ trợ những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ dự phòng nhận thấy các thông tin, kiến thức về các chương trình can thiệp dự phòng đến với họ còn rất hạn chế. Là một người làm trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, anh Hà cảm thấy bản thân cần đóng góp và làm gì đó có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng.

Anh Phạm Hữu Hà, cán bộ Khoa phòng chống HIV/AIDS thuộc CDC Thanh Hóa chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống.

Hiểu rằng địa bàn của Thanh Hóa rất rộng, người đông, anh Hà xác định nỗ lực từ vài cá nhân không thể tạo ra sức lan tỏa trong việc dự phòng sự lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Thế nên từ năm 2017, anh Phạm Hữu Hà kết nối, tập hợp, hỗ trợ các nhóm CBO như LGPT IQ Plus, Búp sen xanh…, từ đó tạo ra cánh tay nối dài để giúp sức cho mặt trận dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Thanh Hóa.

"Khi bắt đầu triển khai khó khăn bủa vây, cán bộ ít kinh nghiệm làm việc với các nhóm có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ đồng giới… Cùng với đó, kinh phí hỗ trợ từ các quỹ lại khá ít ỏi, công tác truyền thông chưa có sức lan tỏa khiến việc tuyên truyền, phòng chống HIV hiệu quả khá kém", anh Phạm Hữu Hà kể.

Sau này, từ những bài học kinh nghiệm khi cùng các nhóm CBO tiếp xúc với các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, mọi người mới hiểu hơn về nhu cầu, mong muốn của họ để từ đấy đưa ra phương án tư vấn, điều trị hiệu quả. Nhờ đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS của đơn vị được ngành Y tế, các dự án Quốc tế đánh giá cao, đó là động lực tinh thần để anh Hà và mọi người trong nhóm tự tin với công việc của mình.

Từ năm 2018 đến tháng 10/2023, Thanh Hóa ghi nhận 219 ca nhiễm mới ở nhóm MSM trên tổng số 886 ca nhiễm HIV mới trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại, địa phương đang có 3 nhóm CBO tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong đó, 170 đồng đẳng viên (ĐĐV) can thiệp cho nhóm tiêm chích ma túy; 26 ĐĐV can thiệp cho nhóm bán dâm; 30 ĐĐV can thiệp cho nhóm MSM.

Hàng năm các nhóm CBO đã tổ chức cấp phát hàng triệu bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho hàng nghìn người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. Qua đó phát hiện chuyển tiếp điều trị cho hơn 140 người nhiễm HIV đến dịch vụ điều trị ARV; giới thiệu chuyển gửi gần hai nghìn người tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 7 cơ sở điều trị trong tỉnh.

"Với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, cộng đồng cùng chung tay, nỗ lực sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức và thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã đặt ra", anh Phạm Hữu Hà tin tưởng.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-di-dau-tren-mat-tran-phong-chong-h-169231118082638429.htm