Người dành trọn đời mình để kể chuyện biên cương

Trong phòng làm việc của mình, những hòn đá, bức tượng mộc mạc, thô nhám được nhà văn Trần Hữu Tòng coi là những tài sản quý, bởi chúng là kỷ vật do bạn bè, đồng đội tặng được ông mang về từ biên giới. Ở cái tuổi xưa nay hiếm của đời người, ông vẫn miệt mài sáng tác. Nếu biên giới thăm thẳm xa là nguồn cảm hứng cho văn ông thì gia đình chính là dòng suối êm đềm nuôi dưỡng cho nguồn cảm hứng ấy trở thành tác phẩm.

Nhà văn Trần Hữu Tòng trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam và Công an Lào tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ảnh: Tuệ Lâm

Với gần 40 đầu sách ở các thể loại, ông đã thực sự khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm cho bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Không chỉ là một nhà báo xuất sắc, một nhà quản lý văn hóa cơ sở tâm huyết, nhiều dấu ấn, nhà văn Trần Hữu Tòng đã dành trọn cuộc đời mình để kể chuyện biên cương.

Nhà văn Trần Hữu Tòng đã được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cùng nhiều hình thức khen thưởng khác. Nhà văn Trần Hữu Tòng đã từ trần hồi 17 giờ 15 phút, ngày 17/6/2023, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng từ 7 giờ 15 phút, Lễ truy điệu vào hồi 8 giờ 30 phút ngày 21/6/2023, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Thành phố Hà Nội).

Từ một người lính trẻ của Đồn Công an nhân dân vũ trang Cầu Treo – Nước Sốt (Hà Tĩnh), nhà văn Trần Hữu Tòng đã có một chặng đường công tác đáng tự hào. Với hơn 15 năm làm phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng), 20 năm là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, 5 năm đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở bất cứ vai trò nào, nhà văn Trần Hữu Tòng cũng đều dành hết tâm huyết và trí tuệ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ông chia sẻ rằng, mình xuất thân từ một người lính Biên phòng trong những năm đầu tiên thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, tác phẩm khởi đầu cho nghiệp cầm bút của ông được ra đời nơi biên viễn, để từ đó, các tác phẩm viết về biên giới và hình tượng người lính Biên phòng cứ bền bỉ gắn với những trang viết của ông trong suốt khoảng thời gian dài bằng cả đời người.

Năm 1961, khi đang làm phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang, ông nhận nhiệm vụ lên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ (nay thuộc tỉnh Điện Biên) để viết về tấm gương của liệt sĩ Trần Văn Thọ. Chuyến đi thực tế gian khó đó, cơn sốt rét ác tính đã suýt cướp đi sinh mạng của ông.

Trong suốt 3 tháng ở cùng đồng bào, vừa chống chọi với bệnh tật, ông vừa thu thập tài liệu để viết thành công tác phẩm "Trung với Đảng, hiếu với dân", được in khổ nhỏ để có thể dễ dàng bỏ trong ba lô của những người lính trên đường ra mặt trận. Từ tác phẩm đầu tay này, ông đã dày công viết thành tập truyện “Bên dòng Păng Pơi”. Người Anh hùng đầu tiên của lực lượng Biên phòng đã hy sinh tuổi xuân cho biên giới, nhưng những gì mà anh đã tạo dựng cho quê hương Hà Nhì nơi cuối trời Tây Bắc đã được ghi lại thật xúc động để các thế hệ tiếp nối thêm hiểu và yêu quý một tấm gương hết lòng tận tụy với nhân dân.

Khiêm tốn một cách chân thành, Trần Hữu Tòng tự nhận mình không phải là người có năng khiếu văn chương bẩm sinh. Ông trở thành nhà văn của vùng biên ải vì ông yêu văn chương và muốn viết về cuộc sống với những hy sinh thầm lặng của đồng đội mình và sự kiên gan giữ đất, giữ bản làng của cộng đồng các dân tộc nơi biên giới - điều mà không phải ai cũng biết, cũng nhìn thấy.

Những năm sau này, dù tuổi đã trên 80, nhưng mỗi khi sức khỏe cho phép, ông lại lên biên giới để tìm cảm hứng sáng tác và lấy thêm tư liệu để viết. Đường lên biên giới còn quá đỗi gian nan tưởng như sẽ là thử thách đối với nhà văn đã đầy nặng tuổi tác này, ấy vậy mà không có gì có thể nặng hơn tình đồng đội, nghĩa đồng bào.

Lúc nào người ta cũng thấy ông tỉ mẩn ghi chép, chụp ảnh từng cột mốc, từng phiến đá, hàng cây và đặc biệt là gương mặt của những người lính trẻ. Từ những ghi chép điền dã ấy, người lính Biên phòng đã bước vào các tác phẩm của ông và trở thành những hình tượng đẹp của lòng quả cảm, đức hy sinh.

Nhà văn Trần Hữu Tòng trong một lần về thăm Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ảnh: Tuệ Lâm

Đến nay, ông đã xuất bản gần 40 tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn mà không có tác phẩm nào vắng bóng người chiến sĩ Biên phòng. Với hàng chục tác phẩm về đề tài biên giới và người chiến sĩ Biên phòng như: "Ngôi sao biên cương", "Dấu vết để lại", "Tín hiệu bình yên", "Bên dòng Păng Pơi", "Cơn lốc rừng thông", "Bầy cọp núi", "Cánh rừng và hai vầng trăng", "Bếp lửa đêm rừng", "Phiên gác trăng tà", “Sau màn sương lạnh”, “Bóng núi”, “Chuyện thần kỳ chốn non xanh”, “Non thiêng biên ải”... cùng nhiều giải thưởng văn học có giá trị trong hành trình sáng tác của mình, có thể nói rằng, với nhà văn Trần Hữu Tòng, ký ức của một thời trai trẻ, về những miền đất xa xôi nơi biên ải, nơi những người lính trẻ như ông thuở nào đang làm nhiệm vụ canh giữ biên cương cho Tổ quốc, chắc hẳn vẫn luôn tươi mới và là nguồn cảm hứng dồi dào cho ngòi bút của ông.

Trong các tác phẩm văn học ở nhiều thể tài, thể loại của nhà văn Trần Hữu Tòng, giá trị tư tưởng của tác phẩm và phương pháp xây dựng các chi tiết cụ thể được đánh giá là thế mạnh của ông.

Tất nhiên, để có được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có những trải nghiệm thực tế và sự tâm huyết với nghề văn. Khá nhiều trang viết xuất phát từ thực tiễn chiến đấu của người lính được tái hiện qua trang văn đẹp, chân thực và giọng kể hồn hậu, cho thấy ông đã dụng tâm tìm hiểu, quan sát kỹ lưỡng, tinh tế về thế giới loài vật. Qua ngòi bút của ông, các loài vật dường như cũng có tiếng nói, có tâm hồn, có trí tuệ và cảm xúc.

Những truyện ngắn của ông đều gây sự tò mò cho độc giả ngay từ nhan đề, như: “Chuyện con đom đóm rừng đêm”, “Chào voi xa ma khi”, “Chàng báo hoa chào thua ba bà sư tử”, “Chuyện con chim “hiếu nghĩa” với cha mẹ”, “Chuyện rừng Phù Luông có đàn ong vò vẽ”, “Con rắn đeo vòng vàng”, “Rùa vàng đất núi vùng biên”, “Thân thương con nhím Chiềng Nam”... Nhờ có dấu vết của con thú, chiếc lông rơi của con chim, hay tiếng kêu thảng thốt của bầy hoẵng mà những người lính Biên phòng đã tìm ra biệt kích, phỉ và tội phạm ma túy. Nói về loài vật nhưng không chỉ là chuyện giải trí, cao hơn cả, đó là tầm tư tưởng của người viết, tính nhân văn của tác phẩm.

Chỉ mấy tuần trước đây, ông còn điện thoại nói với tôi rằng, hiện ông còn một cuốn sách nữa, do Nhà xuất bản Công an nhân dân chuẩn bị ấn hành, đó là “Sao sáng biên cương”. Khi chính thức có sách, ông muốn được gửi tặng các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới cuốn sách này. Ông tâm sự: “Đại dịch Covid-19 đấy nhưng bác không muốn đầu óc mình ngưng trệ. Nguồn tư liệu về đồng đội và biên cương còn rất phong phú nên bác phải viết”.

Nhà văn của miền biên ải ấy đã viết xong trang sách cuối cùng của đời mình. Và đúng như ông tâm niệm, những trang viết cuối cùng của ông cũng dành cho biên cương. Có lẽ lúc này, ông đã gặp những người lính Biên phòng của thế hệ ông, gặp lại Anh hùng Trần Văn Thọ mà ông luôn tưởng nhớ.

Thượng tá, Nhà văn Trần Hữu Tòng sinh năm 1938 tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1959 đến năm 1975, ông là phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang. Từ năm 1975 đến năm 1990, ông là phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1990 đến năm 2000, ông đảm nhận chức vụ Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-danh-tron-doi-minh-de-ke-chuyen-bien-cuong-post462560.html