Người dân xếp hàng gióng chuông cầu bình an trong ngày đầu năm

Ngày đầu năm mới đi lễ chùa, nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người dân Việt. Dịp này, người dân, du khách gần xa đến viếng chùa, thành tâm khấn vái, cầu mong sức khỏe, năm mới an khang – cát tường, vạn sự hanh thông, như ý.

Từ chân cầu Công Lý, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Q.3, tiếng chuông chùa vang vọng, thôi thúc bá tánh gần xa rộn ràng bước chân.

Trước cổng chùa Vĩnh Nghiệm - Q.3, cảnh tấp nập “Người xe như nước – áo quần như nêm” chen chân đến lễ chùa ngày Mùng 1 Tết Giáp Thìn.

Bà con đến viếng cửa phật cầu tài lộc, bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Viếng chùa ngày Xuân còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.

Chị Thu Tâm đến viếng chùa từ sớm

Chị Thu Tâm, nhà ở Huỳnh Văn Bánh - Q. Phú Nhuận chia sẻ, nhà ở bên kia cầu Công Lý, sát bên chùa, nên mỗi dịp năm mới, chị cùng gia đình đến chùa Vĩnh Nghiêm thắp nhang, khấn Phật, cầu cho năm mới bình an, may mắn, tài lộc và nhiều sức khỏe.

Đến đây, sau khi làm phật sự, thắp hương lễ phật xong mình cũng có thể tham quan, vãn cảnh, chụp ảnh; các sư năm nào cũng trang trí cờ phướn, kết bông, trưng bày hoa trái rất đẹp.

Với người Việt mình, đi lễ chùa đầu năm mới là nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc, chị Tâm nhìn nhận.

Khi đến cửa Phật, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của vạn vật, đất trời

Cùng quan điểm, anh Trần Trung Hiếu, ở Bình Thạnh cho rằng, dù cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, nhưng tập tục đi lễ chùa đầu năm, nét đẹp truyền thống luôn được người dân lưu truyền, gìn giữ.

Nhất là thời khắc sau Giao Thừa, đến viếng cửa Phật, cảm nhận sự bình an, tâm hồn lắng đọng, thanh tịnh; để lòng mình hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại bao lo toan ưu phiền năm cũ.

Các gia đình chụp hình bên nhau tại các tiểu cảnh trang trí rực rỡ sắc Xuân.

Số lượng khách đến viếng chùa trong ngày Mùng 1 Tết khá đông, mọi người kiên nhẫn xếp hàng đợi tới lượt.

Đến chùa trời đã gần trưa, Trà My hớn hở khoe, sáng giờ em đã viếng được 5 ngôi chùa. Thường lệ vào ngày đầu năm mới, em cùng vài chị bạn thân làm một vòng các quận huyện nội ngoại thành, “hành hương” đi đủ 9 chùa, vừa thành tâm khấn nguyện, cầu mong cho một năm mới bình an, vừa vãn cảnh chụp hình, lưu lại kỷ niệm.

Dần lên chánh điện, bá tánh thành tâm khấn vái, khói nhang nghi ngút.

Ngoài sân trên, nhà chùa giăng đèn, kết hoa, trang hoàng rực rỡ.

Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng hòa cùng trong tiếng chuông chùa ngân xa.

Dòng người nối đuôi nhau chờ đến lượt gióng chuông, cầu an lành – phúc lạc dịp Xuân sang – Tết đến.

Sau khi thắp nhang trong chánh điện xong, mình trở ra đây gióng lên 3 hồi chuông thì việc cầu khấn ắt sẽ toại nguyện, Lan Chi tin tưởng nói.

Trời đã quá trưa, dòng người vẫn tấp nập đến viếng chùa, vãng cảnh.

Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ.

Không gian thanh tịnh của chốn thiền môn làm cho lòng người trở nên thanh thản và cảm nhận sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, lắng nghe mùa xuân đang về.

Đến viếng chùa ngày Xuân dịp đón chào năm mới, các gia đình không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp, mà còn giáo dục cho con cháu về lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc. Cũng như để tìm thấy lại chính bản thân mình, tìm thấy giây phút thảnh thơi, an lành tự tại nơi tâm hồn mỗi người.

Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//du-khao/nguoi-dan-xep-hang-giong-chuong-cau-binh-an-trong-ngay-dau-nam-c14a68502.html