Người dân Việt Nam chưa hiểu đúng về viêm gan

Bệnh viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C rất nguy hiểm, là tác nhân chính gây ra ung thư gan nhưng người dân lại rất thờ ơ, chưa hiểu biết và quan tâm đến căn bệnh này. Điều này đang dẫn đến số người mắc viêm gan B, C tại Việt Nam ngày càng cao cũng như bệnh ung thư gan tăng lên chóng mặt.

Các chuyên gia tư vấn về viêm gan C tại ngày hội

Viêm gan siêu vi B, C không lây qua đường ăn uống

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 2 năm gần đây, Việt Nam có khoảng 3 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C, trong số đó có đến 40% người bị ung thư gan và tử vong.

Chia sẻ tại ngày hội tư vấn sức khỏe “Yêu lá gan của bạn” do Hội gan mật Việt Nam tổ chức hôm 29.7, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Phó Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại khoa này có đến 40% bị các bệnh về gan, xơ gan, trong đó đó có đến 15% là do viêm gan siêu vi C.

Bác sĩ Phương cho hay một trong những sai lầm lớn nhất hiện nay của nhiều người dân về căn bệnh viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C là cho rằng bệnh này lây truyền qua đường ăn uống. Viêm gan siêu vi B, C không hề lây lây qua đường ăn uống, căn bệnh này chỉ lây qua 3 đường: máu, mẹ truyền sang con, quan hệ tình dục. Trong đó, đường lây truyền chủ yếu là đường máu, còn lây mẹ sang con chỉ chiếm 5%, còn đường quan hệ tình dục chiếm 10%.

Theo bác sĩ Phương viêm gan siêu vi C được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì không có dấu hiệu rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Thường bệnh viêm gan siêu vi C giai đoạn đầu có đến 90% không có triệu chứng; còn có triệu chứng thì cũng không rõ ràng chỉ mệt mỏi chút ít, người bệnh vẫn có thể làm việc bình thường, khi có triệu chứng như vàng da, nổi mụn thì người bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan.

Tuy nhiên điều đáng lo lắng là thời gian qua người dân vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về căn bệnh việm gan siêu vi C, đa số người dân vẫn ngộ nhận, hiểu lầm về căn bệnh trầm kha này, khiến cho số người mắc mới mỗi năm vẫn tăng cao.

Bên cạnh đó, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh viêm gan C vẫn chưa có đủ thông tin để tiếp nhận đầy đủ các liệu trình điều trị tốt nhất cho bản thân, lơ là trong điều trị căn bệnh này.

Việc lơ là này theo bác sĩ Phương xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do chính là do điều trị viêm gan siêu vi C rất tốn kém, nhưng tỷ lệ khỏi bệnh không cao, gây nhiều tác dụng phụ.

Phần lớn các bệnh nhân bị xơ gan mới phát hiện mình nhiễm viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C

“Ở giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, muốn điều trị viêm gan siêu vi C phải trải qua một liệu trình gồm uống thuốc và tiêm kéo dài 12 tháng, chi phí cho mỗi tháng gần 20 chục triệu. Như vậy, với thời gian kéo dài đến 1 năm mất trên 200 triệu đồng. Trong khi đó, tác dụng sau khi ngưng thuốc 6 tháng thì tỷ lệ đạt mức độ lui bệnh chỉ 60%. Trong suốt thời gian điều trị viêm gan siêu vi C người điều trị phải trải quá rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: rụng tóc, ăn không ngon, mệt mỏi, thiếu máu, thiếu bạch cầu… Tốn khá nhiều tiền, nhưng bị tác dụng phụ, lại chưa chắc khỏi bệnh nên nhiều bệnh nhân bỏ mặc”, bác sĩ Phương lý giải.

75% người nhiễm viêm gan C sẽ bị mắc bệnh

Bác sĩ Phương lưu ý với người dân viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C là 2 loại vi rút hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau.

Đối với viêm gan siêu vi B, nếu bị lây từ lúc tuổi vị thành niên, thì có đến 90% cơ thể không thải được sẽ bị nhiễm viêm gan B; còn nếu nhiễm ở tuổi thành niên thì có đến 90% đào thải được, chỉ có khoảng 10% không đào thải bị lây nhiễm.

Riêng với viêm gan C, khi nhiễm ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhỏ hay lớn khi bị lây nhiễm từ người mắc viêm gan C thì có đến 75% không đào thải được bị nhiễm viêm gan C.

Phân tích của bác sĩ Phương cho thấy sở dĩ hiện nay số người nhiễm viêm gan B ở Việt Nam cao là do chúng ta lưu hành vi rút viêm gan siêu vi B nhiều hơn so với vi rút viêm gan siêu vi C. Bên cạnh đó, viêm gan siêu vi B, nếu nhiễm ở tuổi vị thành niên thì có đến 90% không đào thải được. Điều đó có nghĩa những đưa bé bị lây truyền từ mẹ sang con thì gần như sẽ bị viêm gan siêu vi B mạn tính.

Bác sĩ Phương cho rằng, viêm gan siêu vi B có nguy hiểm hơn, có thể chuyển từ viêm gan B sang ung thư gan mà không qua giai đoạn xơ gan; còn với viêm gan C đều phải chuyển qua giai đoạn xơ gan, mới dẫn đến ung thư gan.

Câu hỏi được đặt ra lúc này, vậy người sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá hay thức khuya, béo phì có tác động gì đến viêm gan B và C. Theo bác sĩ Phương, cả 2 loai viêm gan siêu vi B và C đều có 2 thể (thể ngủ yên và thể hoạt động). Đối với thể ngủ yên, dù bệnh nhân đã nhiễm nhưng vi rút này không tấn công gan, hoặc rất yếu; còn với thể hoạt động tấn công nhanh gan dù không có triệu chứng. Do đó, nếu người bệnh đã nhiễm viêm gan siêu vi B, C khi sử dụng rượu, bia, thuốc lá, thức khuya, béo phì sẽ làm cho thể ngủ yên dễ thức dậy hoạt động và làm cho thể hoạt động hoạt động mạnh hơn khiến bệnh nhân mau xơ gan, ung thư gan hơn.

“Người dân nên chủng ngừa vắc xin viêm gan B cho trẻ, tuyệt đối không được anti vắc xin (tẩy chay vắc xin). Đối với những người bình thường, nên đi xét nghiệm để biết mình có bị nhiễm viêm gan B hay C hay không. Hiện nay, đã có liệu trình mới để điều trị viêm gan C với thời gian khoảng 3 tháng, chi phí chỉ 30 triệu đồng nhưng đạt tỷ lệ mức độ lùi bệnh lên đến 90% nên người bệnh phải điều trị đúng liều để đảm bảo điều trị dứt bệnh”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/nguoi-dan-viet-nam-chua-hieu-dung-ve-viem-gan-68329.html