Người dân nô nức du Xuân đền Chúa Thác Bờ

Từ nhiều năm nay, đền Chúa Thác Bờ (Hòa Bình) luôn được xem là một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng tại khu vực Tây Bắc. Cũng như mọi năm, ngày mùng 2 Tết, người dân từ khắp mọi miền gần xa đã nô nức về đây chiêm bái, cầu mong một năm mới Giáp Thìn 2024 bình an, mọi sự hanh thông…

Người dân nô nức du xuân ở đền Chúa Thác Bờ ngày đầu năm mới.

Lòng hồ Hòa Bình được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn giữa đại ngàn Tây Bắc. Đầu năm mới, người dân từ khắp mọi miền đổ về đây du Xuân và chiêm bái đều có chung cảm nhận về sự thư thái, bình yên, hòa mình vào với thiên nhiên và thưởng thức vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đầy thơ mộng cùng với nét đẹp văn hóa mộc mạc, chân chất của những bản làng người dân tộc Mường, Dao.

Nằm trên lòng hồ sông Đà, đền Chúa Thác Bờ gắn liền với truyền thuyết về hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân người dân tộc Mường ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc và một bà người dân tộc Dao (không rõ tên). Tương truyền rằng, thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn.

Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng. Sau, tưởng nhớ công lao vì nước của hai Bà, vua Lê Lợi đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ phụng, hàng năm hương khói cẩn thận.

Bắt đầu từ mùng 2 Tết, người dân khắp nơi đổ về đền Chúa Thác Bờ để du lịch, chiêm bái.

Đền Chúa Thác Bờ được xây theo thế tựa núi, nhìn sông với phong cảnh hữu tình. Kể từ khi được xây dựng đến nay, đền Chúa Thác Bờ được chia làm 2 khu vực. Đền bà Chúa Thác Bờ và đền Chúa Thác Bờ. Đền bà Chúa Thác Bờ được xây dựng nằm ở phía tả ngạn (nhìn theo dòng nước chảy xuôi về phía thủy điện Hòa Bình) và nằm trên đỉnh đồi thuộc địa phận xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc); đền phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu.

Đền Chúa Thác Bờ còn lại nằm ở khu vực hữu ngạn (thuộc địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong), ngay cạnh bờ sông Đà. Trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại, đền vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng. Đền phía hữu ngạn gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Tầng 1 làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hương, tầng 2 là nơi thờ tự các vị thần linh. Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà…

Thuyền bè xếp hàng dài chờ khách tại chân đền bà Chúa Thác Bờ.

Bởi thế, theo tập tục, khi đi lễ đền Bờ du khách sẽ phải ghé qua đền hữu ngạn trước, sau đó mới lên đền Chúa. Mỗi ngôi đền nằm cách nhau khoảng 10 đến 15 phút đi thuyền.

Đền Chúa Thác Bờ tuy không được quy mô như nhiều ngôi đền khác, nhưng nó vẫn mang dáng vẻ uy nghi cùng địa thế phong thủy hài hòa, sau lưng là núi, trước mặt là sông. Ngoài ra, nơi đây còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Cũng theo người dân nơi đây chia sẻ, từ trước đến nay ngôi đền “rất linh thiêng”, vì thế, năm nào du khách thập phương cũng kéo về đây cầu tài lộc, bình an và thực hiện nhiều nghi lễ văn hóa tín ngưỡng hầu đồng tâm linh.

Một số hình ảnh người dân du Xuân đền Chúa Thác Bờ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024:

Du khách vừa du Xuân, vừa đến đền Chúa Thác Bờ chiêm bái cầu mong một năm làm ăn thuận hòa, tài lộc.

Người dân nô nức du xuân đền Chúa Thác Bờ.

Tôm, cá nướng là đặc sản không thể thiếu tại quanh khu vực đền Chúa Thác Bờ phục vụ nhu cầu du khách thưởng thức ẩm thực.

Người dân nô nức du xuân đền Chúa Thác Bờ.

Thuyền bè luôn được các nhà đò đảm bảo an toàn phục vụ du khách vãn cảnh, chiêm bái.

Người dân nô nức du xuân đền Chúa Thác Bờ.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-no-nuc-du-xuan-den-chua-thac-bo-166190.html