Người dân hoang mang sau sự cố ngạt khí hầm biogas

Sau sự cố ngạt khí biogas xảy ra tại ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vào ngày 23.4 (khiến 3 người chết, 6 nạn nhân phải nhập viện cấp cứu), khiến cho người dân sử dụng túi biogas tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trở nên hoang mang, lo sợ hơn bao giờ hết.

Hiểm nguy rình rập

Hàng chục năm qua, người dân ở các vùng nông thôn ở khu vực miền Tây áp dụng khá rộng rãi mô hình xây hầm biogas để lấy chất đốt. Đây được xem là một bước “đột phá” để cải thiện được kinh tế gia đình và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Song, việc thiếu hiểu biết về quy trình kỹ thuật khi xây dựng hầm biogas đã dẫn đến nhiều vụ ngạt khí chết người thương tâm.

“Nhiều năm qua, nhờ sử dụng khí đốt từ hầm biogas giúp cho gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí tiêu dùng, mới đây qua thông tin báo đài có vụ ngạt khí biogas khiến 3 người chết khiến gia đình tôi tỏ ra dè dặt, lo sợ” – chị Tuyết Hồng ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang bộc bạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thăm hỏi các nạn nhân (ảnh Hoàng Hạnh).

Ông Lê Phước Thiện - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Bạc Liêu, cho biết: “Sau sự cố ngạt khí hầm biogas làm 3 người chết ở Cà Mau thì các cơ quan chức năng mới giật mình trước một thực tế là đa số người dân nông thôn không hiểu hết tác hại chết người khi hít phải khí này”.

“Người dân đã làm biogas hàng chục năm nay với nhiều kiểu hầm bể phổ biến như: Dùng bạt chống thấm HDPE, nhựa composite, gạch. Trong đó, trung tâm chúng tôi chỉ khuyến khích và hướng dẫn người dân xây dựng hầm biogas bằng chất liệu composite vì có độ bền cao và an toàn”. “Vụ rò rỉ khí gas xảy ra ở Cà Mau mới đây là do người dân dùng chất liệu bạt chống thấm để làm hầm chứa khí và không lắp đặt đầu ra đúng tiêu chuẩn” – ông Thiện cho biết thêm.

Ông Kim Huỳnh Khiêm – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 hầm biogas. Số lượng hầm này đã giúp người dân địa phương xử lý tốt nguồn phân thải từ chăn nuôi.

Cũng theo ông Khiêm, phần lớn số hầm biogas trên là do cán bộ kỹ thuật của trung tâm, các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng người dân thiết kế, xây dựng đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nếu người dân tự ý làm, không thông báo chính quyền địa phương thì rất nguy hiểm cho người dân, có thể xảy ra cháy nổ.

Còn ông Bành Đức Tín – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang thông tin thêm: Toàn tỉnh có trên 500 hầm biogas do Dự án khí sinh học của Việt Nam hỗ trợ xây dựng. Tuy nhiên, số hầm tự người dân lắp đặt cũng tương đương con số trên. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, không riêng gì địa bàn Hưng Mỹ mà nhiều địa phương khác vẫn còn không ít hầm biogas tương tự được xây dựng không đúng quy trình, nguy hiểm luôn rình rập người dân.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Châu Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết: Sự cố xảy ra tại hầm biogas của gia đình ông Nguyễn Văn Tặng và bà Phạm Thị Giếng được lắp đặt không đúng quy trình kỹ thuật như quy định. “Hầm biogas này được ông Tặng xây dựng khoảng 4 tháng trước, và chưa sử dụng trong một thời gian dài trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, nên tạo ra luồng khí rất độc hại. Hiện ngành chức năng đã thu thập các mẫu bọt khí để phân tích chuyên sâu thành phần khí độc, nguyên nhân và cơ chế gây thương vong để thông báo rộng rãi ngay khi có kết quả” – ông Thọ nhấn mạnh.

Hiện trường vụ ngát khí biogas khiến 3 người chết tại gia đình ông Tặng (ảnh Hoàng Hạnh).

Sau sự cố đau lòng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương những việc cần làm ngay. Cụ thể, khẩn trương khuyến cáo người dân sử dụng biogas một cách an toàn. Các địa phương nhanh chóng rà soát, kiểm tra những nơi sử dụng biogas, từ đó hướng dẫn để người dân có ý thức cảnh giác, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo ông Thiện, việc tuyên truyền, khảo sát độ an toàn của các hầm biogas thuộc các trung tâm khuyến nông địa phương. “Hầu như ngành khuyến nông ở nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, tập huấn cho người dân sử dụng biogas đúng cách và ứng phó khi có sự cố xảy ra. Vụ việc đáng tiếc ở Cà Mau là một bài học cảnh tỉnh. Qua đó cho thấy, rất nhiều người dân ở nông thôn đang sử dụng biogas và cả những người không sử dụng không biết hết sự nguy hiểm của khí gas khi hít phải. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân nắm rõ tác hại và khuyến cáo không được tự ý sửa chữa khi hầm biogas bị sự cố rò rỉ khí mà phải liên hệ với cơ quan chức năng khắc phục” - ông Thiện khuyến cáo.

“Người làm hầm biogas phải qua trường lớp, được đào tạo bài bản nếu không sẽ rất nguy hiểm. Không khéo, hầm chứa biogas sẽ bị hỏng, khí mê tan – lượng khí có nhiều nhất sẽ bay lên không khí gây cháy khi gặp điều kiện thuận lợi” – ông Khiêm lưu ý.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/nguoi-dan-hoang-mang-sau-su-co-ngat-khi-ham-biogas-677245.html