'Người của một thời' – giá trị về thái độ sống tích cực

Nhà thơ, nhà báo Hải Đường vừa ra mắt cuốn tự truyện 'Người của một thời' do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 11/2022 này.

Bìa cuốn "Người của một thời" của tác giả Hải Đường.

Trong "Lời thưa", tác giả tự bạch: Khi viết những dòng này, tôi không nghĩ đến những gì quá lớn lao, chỉ nhớ và kể lại một chặng dường dài mà cho đến lúc này vẫn đang "đi" tiếp.

Tác giả chọn thể loại tự truyện, để kể một cách trung thực với một thái độ sống tích cực về "những điểm rơi của số phận" trong một chặng đường đời.

Ba chương, 180 trang in kể lại cuộc đời của một cậu bé sinh ra ở làng Vọc, xã Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một ngôi làng cổ vùng châu thổ Sông Hồng. Ở đó có những mối quan hệ họ hàng thân tộc, những tập quán, những con người, có danh như Cô Tư Hồng và vô danh như những người nông dân cần cù, chất phác.

Cậu bé ấy sau này là lính lái máy xúc của Binh chủng Công binh, trở thành sĩ quan Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành nhà văn, nhà báo, Ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân.

Cái "thời" trong cuốn tự truyện này là "một thời chiến tranh lửa khói ngút trời, rồi sang cái gạch nối chiến tranh - hòa bình - đổi mới". Trong khoảng thời gian ấy, nhiều người với số phận, cương vị khác nhau đã được tác giả kể lại một cách chân thật, sinh động - từ anh "binh bét" thông minh, láu lỉnh đến các Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, các sĩ quan cấp tướng, cấp tá, các nhà báo gạo cội như Hoàng Tùng, Thép Mới ở Báo Nhân Dân. Từ nhà báo lúc mới vào nghề, nhà văn khi đang chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường văn chương đam mê khổ ải…

Cái hay, cái hấp dẫn của cuốn tự truyện này chính là sự chân thật, là cái tôi hòa chung trong cái chúng ta, trong thời thế, trong cuộc đời. Làm sao để ai đọc cũng thấy thấp thoáng hình bóng của "một lứa bên trời" nhiều gian nan, lận đận mà đơn giản, trong sáng biết nhường nào.

Điều thú vị trong cuốn sách này là người đọc có thể tìm thấy lời giải cho một số câu hỏi rất đời thường. Bây giờ người ta vẫn bảo nhau, thôi, cứ "quy ra thóc" cho gọn. Vậy "quy ra thóc" là thế nào?

"Người của một thời" ngày ấy là nông dân ra đồng quần quật làm việc suốt ngày để lấy công. Công lại đổi ra điềm; điểm quy ra thóc. Cả một quy trình để đi đến giá trị sử dụng gọn nhẹ, thiết thực. Từ đó tác giả liên tưởng đến chuyện phong bì. "Nhà báo nhận phong bì khi đi cơ sở từ bao giờ? Người bảo là năm 1991, người bảo là năm 1994, cuối cùng tác giả cho rằng từ khi Liên Xô tan vỡ, khi lá cờ Xô viết bị hạ xuống trên điện Kremlin.

Cái phong bì gọn nhẹ ấy, nhiều khi ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, nhân cách của con người, không phải ai và lúc nào người trong cuộc cũng nhận ra được.

Ngoài giá trị tư liệu về "một thời", giá trị văn chương bởi sự chân thật, quyển sách này đem lại nhiều bài học cho lớp thanh niên giàu hoài bão, ước mơ trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Từ khi còn trẻ, "người của một thời" - Hải Đường đã luôn nhìn nhận, đánh giá cuộc sống theo góc nhìn tích cực, phù hợp với xu thế thời đại. Khi thủ trưởng đơn vị hỏi tân binh, ăn uống, sinh hoạt thế nào? Có chú lính tò te trả lời: Đói lắm ạ. Nhưng chàng tân binh sau này là nhà báo có uy tín, khi được chỉ định trả lời, đã "dập gót giày, ngực ưỡn ra: Báo cáo thủ trưởng, đồng chí ấy nói đúng. Nhưng… nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta đang dốc sức cho miền Nam chiến đấu. Đất nước còn nhiều khó khăn. Được như thế này là ổn rồi ạ". Rất "vững lập trường!".

Sau này, cả quá trình phấn đấu, thử thách kết nạp Đảng, thử thách trong công tác ở bất cứ lĩnh vực nào, tác giả cũng giữ được cái nhìn tích cực, phản ứng thông minh, có hiệu quả công việc. Những điều ấy được kể lại bằng giọng hóm hỉnh, trẻ trung, rất "lính".

Khép lại trang sách cuối, điều đọng lại trong lòng người đọc là: Ở vào "thời" gạch nối giữa đạn bom khói lửa và xây dựng hòa bình, đổi mới với bộn bề sự kiện, bộn bề lo toan, bộn bề mối quan hệ, cái "điểm rơi số phận" sẽ ra sao, số phận sẽ ra sao, tốt hay xấu, thành công hay thất bại… tùy thuộc vào thái độ của mỗi "người của một thời" ấy với chính mình, với thời đại mình đang sống.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//nguoi-cua-mot-thoi-gia-tri-ve-thai-do-song-tich-cuc-179221115111222226.htm