Người của cõi thần tiên

Bao giờ những ngày cuối năm cũng mang đến cho tôi một cảm xúc thật đặc biệt. Càng nhiều tuổi, cảm xúc ấy càng khó phân định. Nó nhập nhằng giữa sự chờ đợi và chối bỏ. Nó đan xen giữa tiếc nuối và chấp nhận. Nó mấp mé giữa lằn ranh sân si và buông bỏ...

Có khi đưa tay gỡ tờ lịch cuối, nhìn cái bloc lịch trống quơ, tôi bâng khuâng buồn bã nghĩ về một cuộc chia ly. Có những cuộc chia ly làm tôi đau đớn nhưng cũng có những cuộc chia ly cần thiết để biết cuộc sống này còn có rất nhiều niềm vui và sự ấm áp.

Có khi tháng chạp Sài Gòn, mãi không thấy chướng về, tôi lại thẩn thờ ngồi nhớ gió. Nhớ quê tôi mùa này cá linh theo gió lũ lượt kéo về từng bầy lấp lánh cả một khúc sông.

Lại có bận, ký ức cứ tràn về hình ảnh một buổi chợ Tết quê. Ngôi chợ mặt trước ngó ra dòng sông quanh năm đỏ đục phù sa, lưng sau tựa vào con lộ đất lầy lội đêm mưa, gồ ghề ngày nắng. Ngôi chợ nhỏ như lòng bàn tay với những gian hàng bày trí dọc ngang tựa như những đường chỉ tay ngoằn ngoèo trên cái hình vẽ trong sách của ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Nhưng ở đấy, tuổi thơ tôi đã trôi qua cùng với âm thanh tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng trả giá… và một mối tình đơn phương thơ mộng với anh thợ nặn tò he có đôi mắt liếc đưa tình nơi góc chợ.

Cũng có lúc tôi thèm đứt ruột bữa cơm chiều ba mươi tết - bữa cơm đoàn viên, một “sự kiện” trọng đại trong “chuỗi sự kiện” ăn Tết của tứ đại đồng đường nhà tôi.

Cũng có khi nỗi nhớ không biết gọi tên gì, những nỗi nhớ tủn mủn vụn vặt. Nỗi nhớ về những chuyến phà từ lâu đã đi vào quá vãng, nhớ tiếng con chìa vôi ríu ra ríu rít buổi sớm mai, nhớ tiếng gà xao xác buồn hiu giữa trưa thanh vắng, nhớ tiếng chim nhạn gọi bạn tình xa trong mỗi buổi chiều về, nhớ tiếng con bìm bịp kêu nước lớn vào lúc nửa đêm. Nhớ khung cửa sổ ngó ra một góc vườn. Và… nhớ tiếng một người: Thôi về đi/đường trần đâu có gì/tóc xanh mấy mùa/có nhiều khi/từ vườn khuya bước về/bàn chân ai rất nhẹ/tựa hồn những năm xưa… (Lời bài hát Phôi pha của TCS)

Thật ra, những cảm xúc khó phân định trong tôi rốt cuộc cũng chỉ là nỗi nhớ. Để thoát ra những nỗi nhớ cứ tràn trề ngập ngụa làm chật chội con tim vốn mỏng manh yếu đuối của mình, tôi nghĩ ra mình còn bao nhiêu thứ cần phải “biên tập” lại cho nhẹ nhàng, sạch sẽ, tinh tươm để đón chào năm mới.

Bắt đầu bằng cái danh ba điện thoại, hình như mấy năm rồi tôi không để ý đến nó. Đưa tay miết màn hình lên, trước mắt tôi hiện ra vô số những cái tên. Có những cái tên tôi cố nhớ nhưng mãi không nhớ ra. Có những cái tên chỉ để gọi đúng có một lần vào cái năm nào đó xa lắc lơ, vì một việc gì đó cũng không còn nhớ. Rất nhiều cái tên lưu vào, không có dịp nào gọi, để rồi đi vào quên lãng. Nhiều cái tên trùng nhau, ngẫm ngợi hồi lâu vẫn không phân biệt được. Có cái tên nghĩ chỉ sơ giao nay biến thành tri kỷ. Có cái tên tưởng gần nhau gang tấc hóa ra là ảo mộng xa xôi.

Những cái tên cùng với những gương mặt người. Có mặt người trôi tuột qua, có mặt người day dắt lại, có mặt người làm lòng tôi chao nghiêng, có mặt người làm trái tim tôi hờn dỗi…

Lại cũng có những cái tên cùng gương mặt người trong khoảnh khắc hiện ra làm tôi đau đớn. Đó là những cái tên mang đến cho tôi hình ảnh về những cuộc tiễn đưa, những ngẫm ngợi về hợp tan, về sự hữu hạn của một kiếp người trong cái vĩnh hằng của vũ trụ. “… Ôi phù du từng tuổi xuân đã già. Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua…”(Lời bài hát Phôi pha của TCS).

Có một cái tên mà mỗi lần lướt danh bạ, tôi luôn dừng lại một chút để nhìn ngắm, Để thấy đâu đó hiện ra một nụ cười héo hắt trên đôi môi thâm sì của ông trước khi trái tim ông mệt nhọc gõ những nhịp sau cùng rồi… tắt hẳn. Để cảm nhận được cái lạnh lẽo từ đôi bàn tay buông lơi nhẹ nhàng. Để run run đưa tay bấm vào nút gọi, để rồi khi bên kia đầu dây vang lên một âm thanh quen thuộc: “Thuê bao quý khách vừa gọi không có thực…”, nước mắt tôi lại từng giọt, từng giọt lặng lẽ rơi. Đó là một cái tên là danh từ chung được đặt cho rất nhiều người đàn ông trên thế gian này: Ba.

Sắp sửa đến cái Tết lần thứ tư, ngôi nhà lớn của chúng tôi không còn nghe thấy tiếng cười của ba. Đã bốn lần chiều ba mươi, bữa cơm đoàn viên nhà tôi trống một chỗ ngồi. Sẽ còn rất lâu, lâu lắm để chúng tôi có thể quen với việc không còn ba mỗi khi tết đến. Nhất là hình ảnh ba trong đêm giao thừa.

Ngoài sân, mấy cội mai với những cánh hoa vàng vừa kịp bung vỏ lụa, những ngọn đèn được bật lên hết cỡ. Ánh đèn phản chiếu sắc màu của hoa, tạo nên một không gian đèn hoa lung linh rực rỡ.

Trong nhà, ba diện bộ áo quần đẹp nhất, “chải chuốc bảnh bao” ngồi cạnh má trên chiếc ghế sopha đặt giữa phòng khách. Trên tay ba cầm xấp phong bao lì xì, gương mặt hân hoan như thể bao nhiêu hạnh phúc trên thế gian này ba gom hết về mình vậy.

Những lời chúc Tết cũ xưa như trái đất được các con cháu lần lượt kính cẩn dâng lên ba, những lời chúc năm nào cũng được lập đi lập lại nhưng chưa bao giờ mất đi ý nghĩa. Sau đó là những phong bao lì xì được mọi người chuyền tay nhau. Từ lớn tới nhỏ ai cũng có phần, ai cũng tươi tắn rạng rỡ. Chỉ có tôi, mỗi năm tóc thêm nhiều sợi bạc, bao giờ cầm phong bao lì xì từ tay ba, tôi cũng bồi hồi khi nhận ra khoảng cách của ba trên cuộc hành trình và sân ga cuối cùng phải đến, ngày một gần thêm.

Sau giao thừa, chúng tôi lại đưa ba đi lễ chùa. Vẳng trong đêm trừ tịch, tiếng chuông chùa ngân nga trôi trong gió. Giữa nghi ngút khói hương, ba lâm râm cầu nguyện. Tôi chưa bao giờ hỏi ba về những điều nguyện cầu trong cái khoảnh khắc giao mùa đón chào năm mới mỗi năm, nhưng nhìn thấy vẻ mặt hân hoan, ánh mắt rạng ngời và nụ cười thơ thới, tôi biết ba đang rất hạnh phúc.

Tôi là con cả. So với các em, tôi “biết” ba từ lâu hơn, hồi ba còn trẻ hơn, có nhiều năm “làm bạn” cùng nhau hơn, có nhiều kỷ niệm buồn vui, hờn giận với nhau hơn. Đón nhiều cái tết bên nhau hơn.

Vì thế, nỗi đau vĩnh biệt cũng đầy hơn. Ba ơi! Ở chốn thiên hà mênh mông kia, khi ba đã không còn bị bó buộc trong cái hữu hạn của cuộc sống dương trần, khi ba trở thành người của cõi thần tiên, ba sẽ nhìn thấu tâm can con và biết được điều đó mà phải không ba?

Lần đầu tiên, sau gần bốn năm, tôi dừng lại chỗ tên Ba trên cái danh bạ điện thoại thật lâu. Tôi nhận ra, đến một ngày rồi ai cũng phải chấm dứt một kiếp người, sẽ không còn có mặt trong cuộc sống này, không thể khác, không có ngoại lệ. Đằng sau kiếp người là một kiếp khác. Tôi tin như vậy vì tôi vẫn thường nghe người ta hẹn nhau: Kiếp sau. Kiếp sau mình lại làm cha con với nhau nghe ba. Được làm lại có thể mình sẽ làm tốt hơn, sẽ vui vẻ hơn, bớt hục hặc hơn và lâu hơn.

Tôi run run đưa tay lên, chần chừ một lát, nhìn thật lâu vào tên Ba và… bấm vào nút xóa. Ba mệt rồi, ba lên thiên đàng để rong chơi. Cuộc tiễn đưa nào cũng cần diễn ra một cách vui vẻ để người đi được an lòng. Có điều, mỗi Tết ba nhớ về thăm nhà mình nghe ba.

Ngô Thị Thu Vân

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/nguoi-cua-coi-than-tien-34125.html