Người cộng sản kiên trung, hết lòng vì Đảng, vì dân

Trong không khí đau thương, mất mát, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xúc động kể lại những kỷ niệm về quãng thời gian cùng làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII, khi đó tôi là Thường trực Bộ Chính trị, đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư. Vào thời điểm ấy, nhiều vấn đề cấp bách Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chỉ đạo giải quyết rất rốt ráo, kịp thời, không để kéo dài. Chúng tôi lúc bấy giờ đề ra khẩu hiệu “Việc hôm nay không để đến ngày mai”. Đồng chí Tổng Bí thư gánh vác những trọng trách rất lớn. Đó là thời điểm nước ta phải vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á 1997, đất nước vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chuẩn bị ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn lắng nghe ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành, để có đủ cơ sở đưa ra chủ trương, đường lối. Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn nước ta đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế. Kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng. Dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thời điểm này là rất lớn và một trong những dấu ấn đậm nét nhất của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là quyết tâm chỉnh đốn Đảng. Tại Đại hội VIII có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương với người đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quyết tâm, đồng lòng thực hiện nghị quyết quan trọng này.

Đó là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), một nghị quyết rất có ý nghĩa, rất có giá trị về nguyên tắc, về vai trò lãnh đạo của Đảng, để giữ vững Đảng. Làm sao phải củng cố lại, không thể để những nguy cơ mà Đại hội VI, Đại hội VII đã chỉ ra. Sở dĩ gọi là Trung ương 6 (lần 2) vì Hội nghị Trung ương 6 chỉ bàn được một việc về kinh tế, nên phải họp tiếp một phiên, bàn riêng về vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, lấy tên là Trung ương 6 (lần 2).

Nghị quyết đã rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề chỉ đạo tổ chức thực hiện. Với quyết tâm rất lớn từ đồng chí Tổng Bí thư, Trung ương đã thành lập Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) để kịp thời lắng nghe, báo cáo thu thập ý kiến phản ánh các nơi tiến hành chỉnh đốn Đảng, các vụ việc lớn mà Trung ương phải xử lý thì việc gì phải đưa ra Bộ Chính trị, ra Thường vụ, ra Trung ương. Đây là thời gian giải quyết được rất nhiều vụ việc trong Đảng, đã tạo sự chuyển biến từ trên xuống dưới. Ngay cả những vụ việc lớn như xử lý kỷ luật các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng diễn ra thời gian này.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao giải cho học sinh đạt giải Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo về trò chơi giáo dục (15-12-2013). Ảnh: TTXVN.

Cũng vào thời điểm đó, với sự lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cuộc kiểm điểm phê và tự phê trong Bộ Chính trị được triển khai rất nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn. Tôi thấy những cuộc kiểm điểm ấy rất là nghiêm túc có lý, có tình, ai cũng tự giác, thấy được vấn đề để mà nhận biết được những khuyết điểm của mình theo tinh thần xây dựng chỉnh đốn đảng. Chính nhờ như vậy, cho nên từng việc đã tạo sự đồng thuận, sự nhất trí cao trong các tướng lĩnh của quân đội, trong các cán bộ lão thành, trong nhân dân, trong Đảng.

Trong cuộc sống, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người tình cảm, chân thành, thẳng thắn, biết lắng nghe. Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người có công lao lớn trong quân đội, góp phần vào xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp tục đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống, giữ vững được ổn định, thực hiện hội nhập quốc tế rất vững vàng...".

VĂN PHONG - PHAN HÀ (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguoi-cong-san-kien-trung-het-long-vi-dang-vi-dan-631564