Người có duyên nợ với chiêng Mường

Dành trọn cuộc đời sưu tầm và gìn giữ chiêng cổ, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) được ví là người 'duyên nợ' với chiêng Mường. Say đắm hồn chiêng, ông sẵn sàng đánh đổi bạc tiền, thời gian, công sức để gìn giữ và lan tỏa nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) bên những chiếc chiêng quý giá.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô sinh năm 1953, quê gốc ở huyện Lạc Sơn. Năm 17 tuổi, ông theo cha mẹ chuyển đến thôn 168, xã Vĩnh Tiến. Ngay từ nhỏ, đời sống văn hóa của dân tộc Mường, đặc biệt là tiếng chiêng như một mạch nguồn tự nhiên ngấm dần trong ông. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế đất nước còn hết sức khó khăn, nhiều hộ cắn răng bán đi những bộ chiêng cổ. Không đành lòng trước sự "chảy máu” văn hóa, ông Xô khi ấy là cộng tác viên của Đoàn Văn công tỉnh đã rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp núi rừng của Hòa Bình để tìm mua lại chiêng. Dù đường sá đi lại khó khăn nhưng những tiếng chiêng cứ thôi thúc, dồn dập, giục ông phải lên đường. Có lần, để lấy được 2 chiếc chiêng nhỏ, ông mất 3 ngày vượt hơn 100 km đường đồi núi với sỏi đá gồ ghề về huyện Tân Lạc, Lạc Sơn để mua.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô chia sẻ: "Xuất phát từ sự đam mê, năm 1970, tôi đi công tác tại chợ Vụ Bản, huyện Lạc Sơn thấy người dân mang từng chiếc chiêng ra chợ bán nên tôi mua về. Cứ nghe chỗ nào bán là tôi tìm đến hỏi mua. Có những thời điểm nhà không còn tiền, kinh tế khó khăn, trong nhà có 6 - 7 con bò, do đam mê quá tôi bàn với vợ bán bò đi để lưu về cái hồn chiêng”.

Bằng tâm huyết của mình, ông Xô đã sưu tầm được gần 60 chiếc chiêng Mường, trong đó có 38 chiêng cổ, 18 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Từ Mường Động, tiếng chiêng của người Mường được ông Xô góp phần lưu giữ để rồi ngân vang, ngân xa hơn trong cuộc sống hiện đại tất bật. Không chỉ sưu tầm, lưu giữ chiêng Mường, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô còn là một nghệ sĩ đa tài. Ông biết chơi và thể hiện ấn tượng gần 20 loại nhạc cụ của các dân tộc miền núi và cả một số nhạc cụ hiện đại.

Hiện nay, mặc dù tuổi cao, nhưng với mong muốn lưu giữ và bảo tồn tiếng chiêng Mường cho thế hệ trẻ, ông Xô vẫn thường xuyên đi truyền dạy đánh chiêng trên khắp địa bàn trong và ngoài huyện. Với ông chỉ sợ không tìm được người học, chứ tiền dạy ông không nhắc tới bao giờ.

Bà Bùi Thị Quyên, câu lạc bộ chiêng Mường xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến cho biết: Từ khi thành lập câu lạc bộ chiêng Mường, được Nghệ nhân Bùi Tiến Xô trực tiếp giảng dạy, các thành viên câu lạc bộ đã đánh thành thạo các bài chiêng Mường”.

Bằng vốn kiến thức và tấm lòng nhiệt huyết, Nghệ nhân Bùi Tiến Xô đã truyền dạy cho hàng trăm người khắp làng trên, xóm dưới, các xã của vùng Mường Động biết và yêu mến làn điệu chiêng. Nhiều học trò của ông là học sinh ở các nhà trường, các bạn trẻ. Những ngày địa phương, khu dân cư tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội, ông sẵn lòng cho mượn cả bộ chiêng và là người tham gia tích cực nhất.

Đồng chí Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến cho biết: Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô luôn là người đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là giá trị văn hóa chiêng Mường. Ngoài việc tham gia các hoạt động biểu diễn tại địa phương, ông tích cực truyền dạy cho các thế hệ trên địa bàn xã. Với những đóng góp của ông Xô đã góp phần lưu giữ văn hóa chiêng Mường như mạch ngầm chảy mãi cho thế hệ mai sau.

Bùi Thoa

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/182072/nguoi-co-duyen-no--voi-chieng-muong.htm