Người chết ký tên xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất

Một mảnh đất của bố mẹ để lại cho 4 người con, vì không có di chúc nên các thành viên trong gia đình quyết định chưa làm sổ đỏ. Thế nhưng, do 'sơ suất' và thiếu hiểu biết của cán bộ địa chính, nên mảnh đất được hợp thức hóa thành sở hữu của một thành viên. Đáng chú ý, trong số những người tham gia cuộc họp về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất để làm cơ sở cấp sổ đỏ, một người đã chết từ trước đó, nhưng vẫn có chữ ký xác nhận...

Diện tích đất thuộc sở hữu của 4 anh chị em, nhưng cán bộ phường 4 vẫn hợp thức hóa để làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho 1 cá nhân. Ảnh: HT

Đất của 4 chị em, địa phương đồng ý cấp cho 1 người

Trong đơn gửi LĐĐS, ông Nguyễn Thanh Minh (thường trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trình bày câu chuyện về thửa đất 217 tờ bản đồ số 5 (Khu phố 4, phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị) của bố mẹ để lại cho 4 chị em ruột. Vào năm 1978, mẹ của ông Minh mất, không để lại di chúc, nên thửa đất nói trên thuộc quyền sở hữu của 4 chị em, gồm: bà Nguyễn Thị Tình, thường trú tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Nghĩa, thường trú tại TP. Đông Hà, Quảng Trị; ông Nguyễn Thanh Hồng, thường trú tại TP. Đông Hà và ông Minh. Tuy nhiên, 4 chị em ông Minh thống nhất chưa phân chia mảnh đất, mà để vậy làm nhà thờ cúng, nên không làm sổ đỏ.

Sau đó, bà Tình và ông Minh đi bộ đội, ông Hồng và bà Nghĩa ở nhà. Sau 4 năm từ ngày mẹ mất, ông Hồng chuyển ra làm nhà riêng, bà Nghĩa ở lại một mình đến 7 năm thì làm nhà riêng ở cạnh nhà ông Hồng. Sau đó, ngôi nhà của bố mẹ để lại dựng ở trên thửa đất được ông Hồng dỡ đem bán.

Đến năm 2002, ông Minh 2 lần ra Quảng Trị để phối hợp với ông Hồng làm sổ đỏ, nhưng được tư vấn rằng làm sổ đỏ tốn nhiều thời gian, cứ để ông Hồng làm rồi có gì sẽ liên lạc. Những năm sau đó, người con trai của ông Hồng tên là Phong (cán bộ phường 4) lập gia đình, làm nhà tạm và trang trại chăn nuôi ở thửa đất của bố mẹ ông Minh để lại.

Mãi đến năm 2017, 4 chị em ông Minh cùng bàn bạc dựng lại nhà thờ trên thửa đất, nhưng riêng ông Hồng không đồng ý, từ đó giữa bà Tình, ông Minh, bà Nghĩa và ông Hồng nảy sinh tranh chấp. Điều khiến 3 chị em ông Minh bất ngờ là trong quá trình tìm hiểu, đã phát hiện có một hồ sơ đứng tên ông Hồng xin cấp thửa đất. Dù là đất của bố mẹ để lại cho 4 chị em, ông Hồng vẫn xin cấp toàn bộ cho riêng mình, nhưng lãnh đạo phường 4 vẫn ký "đủ điều kiện"...

Sai sót hay tiếp tay khai khống?

Ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, thửa đất 217 tờ bản đồ số 5 hiện chưa được cấp sổ đỏ mà mới chỉ làm hồ sơ. "Tuy nhiên, đúng là trong hồ sơ có sai sót" - ông Quốc, xác nhận. Cụ thể, trong hồ sơ có phiếu lấy ý kiến của khu dân cư vào tháng 11.2015, có chữ ký của ông Nguyễn Thắng xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tuy nhiên thời điểm đó ông Thắng đã mất; trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư ở thành phần tham gia có bà Lê Thị Mỹ Trang - công chức địa chính xây dựng, nhưng thực tế bà Trang không có mặt; hồ sơ không kê khai đầy đủ hàng thừa kế (thiếu 3 chị em bà Tình, ông Minh, bà Nghĩa)...

Ông Nguyễn Đăng Tân - công chức địa chính xây dựng phường 4 giải trình rằng, những nội dung ở hồ sơ không đúng sự thật là do thời gian công tác đến lúc thụ lý hồ sơ ngắn (công tác tại phường 4 từ năm 2013) nên chưa nắm bắt được, dẫn đến sai sót?. Ông Tân giải thích, do ông Hồng không kê khai đầy đủ hàng thừa kế, nên không yêu cầu có văn bản thỏa thuận thừa kế mà vẫn làm hồ sơ. Còn việc ông Thắng đã mất vẫn có tên trong văn bản là vì khi tiếp nhận văn bản, khu phố trưởng không ghi ngày tháng nên ông Tân đã tự ghi vào?.

Ông Lê Minh Quốc cho biết, hiện UBND phường 4 đã báo cáo UBND TP. Đông Hà xem xét, việc sai sót của ông Tân sẽ được áp dụng vào đánh giá phân loại cán bộ công chức năm 2017. Riêng hồ sơ lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Hồng lập năm 2015 đối với thửa đất 217, tờ bản đồ sơ 5 với diện tích 4170m2 sẽ được thu hồi.

Hưng Thơ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phapluat/nguoi-chet-ky-ten-xac-nhan-nguon-goc-va-thoi-diem-su-dung-dat-565778.ldo