Người chắp cánh cho 31 học sinh nghèo du học tại Nhật

Buổi ra mắt sách 'Ông giáo làng trên tầng gác mái' mới đây ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM) thu hút rất đông độc giả. Bởi đây là cuốn tự truyện của một nhân vật đặc biệt: Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh, người được mệnh danh là 'ông tiên của trẻ mồ côi'.

Cuộc đời nhiều thăng trầm

Từ lâu, Nguyễn Thế Vinh trở nên quen thuộc với nhiều người trong vai trò thầy giáo ở trường Hướng Dương hay trên các sân khấu trong và ngoài nước với hình ảnh vừa chơi đàn guitar vừa thổi kèn harmonica.

Câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh bắt đầu từ một tai nạn bất ngờ: Mùa hè năm 1979, khi vừa lên 9 tuổi, trong một lần đi chăn bò, anh không may bị ngã từ trên lưng bò xuống đất khiến một đoạn xương trong cánh tay phải bị gãy cong lên. Thầy lang đã bó tay anh quá chặt đến mức cánh tay bị hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ.

Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh trong buổi giới thiệu sách

Lìa xa một bộ phận trên thân thể mình, đó hẳn là một cú sốc lớn, nhất là với một cậu bé 9 tuổi nhưng với Nguyễn Thế Vinh, nỗi buồn chỉ thoáng qua. Sau đó, anh trở lại cuộc sống đời thường với niềm lạc quan hiếm có.

“Dù đã mất một cánh tay nhưng tôi vẫn phụ giúp ông ngoại và dì những công việc như khi cơ thể còn nguyên vẹn. Tôi luôn chân luôn tay như vậy không phải vì bị người lớn ép làm mà vì chính tôi muốn quen với cuộc sống chỉ có một cánh tay, muốn tin rằng khiếm khuyết ấy không quá nghiêm trọng”, Nguyễn Thế Vinh bộc bạch.

Bước vào đời với một cánh tay nhưng đó chưa phải là cản trở lớn nhất khiến cuộc đời anh có những ngã rẽ mà chính anh cũng không ngờ tới. Để giúp gia đình, từ năm 15 tuổi, Nguyễn Thế Vinh đã nhảy tàu đi buôn. Anh đánh cược số phận mình trên những chuyến tàu, mỗi lần mang 1-2 kg mực khô bó quanh người, trốn sự kiểm soát thời ngăn sông cấm chợ, đi từ Bình Thuận vào Sài Gòn bỏ mối.

Đến năm 18 tuổi, khi là sinh viên của ĐH Kinh tế TP.HCM, Nguyễn Thế Vinh lại chuyển sang buôn cá phân, một loại cá nhỏ phơi khô xay thành bột để làm thức ăn cho gia súc. Sau đó, anh còn làm nhiều công việc khác như vá xe ở lề đường, trông giữ bãi xe cho một người họ hàng…

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”

Cuộc đời nhiều thăng trầm ấy đã khiến Nguyễn Thế Vinh có sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Trời phú cho anh có giọng hát hay, truyền cảm. Mỗi khi có dịp đi thăm, biểu diễn tại các trại mồ côi, anh cảm thấy bùi ngùi vì hình ảnh tuổi thơ của mình tái hiện. Chính điều đó đã thôi thúc anh phải làm gì cho các em trong khả năng của mình.

Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh biểu diễn trên một sân khấu

Sau nhiều năm đeo đuổi, đến đầu năm 2010, Nguyễn Thế Vinh được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương đặt tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát. Tiếp đó, anh rong ruổi từ Nam ra Bắc tìm học trò. Như một ông tiên giữa đời thường, anh về tận nhà những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn rồi đưa về trường Hướng Dương nuôi ăn học, giúp chúng có một tương lai tốt đẹp hơn.

Giờ đây, khi nhắc đến Nguyễn Thế Vinh không thể không nói về ngôi trường Hướng Dương. Ở đó có những thế hệ học trò đã trưởng thành, đóng góp cho xã hội. Đặc biệt, từ ngôi trường Hướng Dương, đã có 31 em được sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Tấm lòng thiện lương của Nguyễn Thế Vinh khiến nhiều người phải nể phục. Trong buổi giao lưu ra mắt sách Ông giáo làng trên tầng gác mái, nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ: “Vinh là một người bạn làm cho tôi có cảm giác quý mến ngay từ lần gặp đầu tiên cách đây 10 năm tại Đà Nẵng. Cho đến bây giờ, dù đã biết Vinh nhiều năm nhưng tôi vẫn cảm phục Vinh. Cảm phục không phải vì nghị lực, hay vì tài năng âm nhạc của anh, điều khiến tôi cảm phục nhất chính là dù chỉ còn một cánh tay, dù có vô vàn khó khăn nhưng Vinh vẫn đi dạy như một người bình thường để mưu sinh và giúp các em ở trường Hướng Dương, đưa các em sang Nhật Bản học tập và làm việc”.

Ca sĩ Thủy Tiên, người đã kề vai sát cánh cùng Nguyễn Thế Vinh trong những chuyến lưu diễn, tâm sự: “Qua câu chuyện của anh Vinh, mọi người đều biết anh không chỉ chinh phục bản thân mà còn chinh phục nhiều em có hoàn cảnh khó khăn từ khắp nơi. Đối với tôi và nhiều người khác không làm được như vậy”.

Tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” là câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh từ lúc thơ ấu đến khi trở thành thầy giáo của ngôi trường Hướng Dương. Tác phẩm do nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút, NXB Thế giới và Saigon Books phát hành.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/nguoi-chap-canh-cho-31-hoc-sinh-ngheo-du-hoc-tai-nhat-post30254.html