Người bị oan đòi công an, VKS bồi thường 16 tỉ đồng

Một giám đốc công ty bị oan đã được cơ quan làm oan bồi thường, xin lỗi. Tuy nhiên, sáu năm qua ông vẫn chưa được trả lại nhà máy gạch mà công an giao cho người khác sau khi bắt ông...

Năm 2007, ông Trần Văn Sơn cùng vợ chồng ông Quang Vĩnh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuyết, Đồng Nai) góp vốn thành lập Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân. Công ty do ông Sơn làm giám đốc, vợ ông Thuận làm chủ tịch HĐQT, ông Thuận là thành viên HĐQT... Sau đó, công ty mua lại nhà máy gạch tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) của Công ty TNHH Tân Thuyết với giá 17 tỉ đồng.

Làm oan người vô tội

Được một thời gian, các bên nảy sinh tranh chấp, vợ ông Thuận giữ luôn con dấu và cuốn hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân. Do vậy, từ tháng 1-2008 đến tháng 7-2009, nhà máy gạch không thể xuất hóa đơn bán hàng và đóng thuế. Chỉ có vậy nhưng năm 2010, ông Sơn đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội trốn thuế (các quyết định đều được VKSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn).

Vụ án sau đó được VKSND tỉnh Đồng Nai chuyển về cho VKSND huyện Vĩnh Cửu truy tố. Sau khi bị tạm giam 114 ngày, ông Sơn được tại ngoại. Cuối năm 2011, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Sơn do hành vi của ông không cấu thành tội phạm. Sau khi ông Sơn yêu cầu bồi thường oan, tháng 4-2015, VKSND tỉnh Đồng Nai đã thương lượng thành công với mức bồi thường là 400 triệu đồng và đăng tin xin lỗi ông Sơn trên báo.

Ông Sơn đang yêu cầu Công an, VKSND tỉnh Đồng Nai bồi thường 16,3 tỉ đồng vì không giao trả nhà máy gạch. Ảnh: H.TÚ

Ông Sơn đang yêu cầu Công an, VKSND tỉnh Đồng Nai bồi thường 16,3 tỉ đồng vì không giao trả nhà máy gạch. Ảnh: H.TÚ

Trả lại nhà máy: Chỉ qua chỉ lại

Ngoài yêu cầu bồi thường oan, ông Sơn còn làm đơn khiếu nại gửi Công an tỉnh Đồng Nai và VKSND tỉnh Đồng Nai vì cho rằng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này có sai phạm, lạm quyền trong việc bàn giao toàn bộ tài sản của ông cùng nhà máy gạch cho người khác. Cụ thể, sau khi bắt ông, tháng 8-2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã lập biên bản bàn giao 23 bộ tài sản cùng toàn bộ nhà máy gạch cho ông Quang Vĩnh Thuận trông coi, quản lý. Trước khiếu nại này, VKSND tỉnh Đồng Nai có văn bản trả lời, khẳng định việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh bàn giao nhà máy gạch cho ông Thuận trông coi, quản lý là không đúng quy định.

Ông Sơn khiếu nại, yêu cầu được nhận lại toàn bộ khối tài sản trên. Tháng 6-2016, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã ra quyết định xử lý vật chứng nhưng chỉ giao trả cho ông Sơn các tài sản không thế chấp ngân hàng. Riêng về nhà máy gạch, VKSND huyện Vĩnh Cửu không xử lý vì cho rằng ba năm trước, khi bán nhà máy cho Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân, Công ty TNHH Tân Thuyết đã thế chấp giấy đỏ cùng toàn bộ máy móc, thiết bị của nhà máy cho ngân hàng để vay tiền.

Ông Sơn không đồng ý bởi theo ông, chủ sở hữu hợp pháp của nhà máy gạch là Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân do ông làm giám đốc. Trước khiếu nại của ông, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã xin ý kiến của VKSND tỉnh. VKSND tỉnh trả lời rằng nhà máy gạch là tài sản thế chấp cho ngân hàng nên việc giải quyết thuộc về phía ngân hàng. Sau đó, VKSND huyện Vĩnh Cửu đã trả lời ông Sơn đúng theo ý kiến của VKSND tỉnh.

Trong khi đó, trả lời bằng văn bản cho ông Sơn, giám đốc ngân hàng nhận thế chấp cho biết tháng 8-2010 đơn vị nhận được giấy mời tham gia buổi bàn giao nhà máy gạch cho ông Thuận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vì ngân hàng là bên có quyền lợi liên quan. Tại biên bản giao nhận do CQĐT lập, ngân hàng chỉ xác nhận nhà máy này là tài sản thế chấp.

Ngân hàng cũng khẳng định không đứng ra tổ chức bàn giao nhà máy gạch cho ông Thuận. Cạnh đó, Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân mà ông Sơn làm giám đốc không phải là khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Ngân hàng cũng không liên quan gì đến việc ông Sơn bị khởi tố. Do vậy việc thu hồi, giao nhận và hoàn trả vật chứng không liên quan gì đến trách nhiệm xử lý của ngân hàng.

VKSND tỉnh: Cơ quan CSĐT giải quyết

Không biết làm sao, mới đây ông Sơn lại tiếp tục khiếu nại yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, VKSND tỉnh phải bồi thường 16,3 tỉ đồng trị giá nhà máy gạch mà ông đã không được giao trả.

Trả lời ông Sơn, VKSND tỉnh nói không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình vì cơ quan này không biết việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh bàn giao nhà máy gạch cho ông Thuận. Do đó, VKSND tỉnh cho rằng ông Sơn phải gửi yêu cầu bồi thường này cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để được giải quyết.

“Tôi đã phải khốn khổ vì bị bắt oan, nay cả phần tài sản của tôi cũng bị mất vì lỗi của những cơ quan đã làm oan tôi. Tôi sẽ khiếu nại tới cùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình” - ông Sơn bức xúc cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

“Sai quy định, vượt quá thẩm quyền”

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, đại diện VKSND huyện Vĩnh Cửu cho biết việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai lập biên bản giao nhà máy gạch sau khi ông Sơn bị khởi tố, tạm giam cho ông Quang Vĩnh Thuận (Giám đốc Công ty Tân Thuyết) trông coi, quản lý là sai quy định, vượt quá thẩm quyền.

“Tôi cũng không hiểu vì sao hồi đó cơ quan công an lại giao nhà máy gạch cho ông Thuận. Bởi lẽ ông Sơn là giám đốc của Công ty CP Gạch ngói Tuynel Thiện Tân - chủ sở hữu của nhà máy gạch nên nếu bắt ông ấy thì cơ quan công an phải bàn giao nhà máy cho những người dưới quyền trong công ty tiếp tục quản lý và điều hành hoạt động mới đúng” - đại diện VKSND huyện Vĩnh Cửu nói.

H.TÚ - V.HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nguoi-bi-oan-doi-cong-an-vks-boi-thuong-16-ti-dong-664446.html