Người bền bỉ hướng đến các hoạt động cộng đồng

Không đi theo con đường của một kỹ sư chuyên ngành bảo dưỡng công nghiệp, Đặng Thế Lâm quyết định rẽ ngang, hướng đến các hoạt động cộng đồng. Anh đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của mình bằng việc thành lập tổ chức phi chính phủ mang tên 'Việt Nam và những người bạn' (Vietnam and Friends - VAF) vào năm 2011. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với anh Đặng Thế Lâm.

Anh Đặng Thế Lâm cùng chị Nguyễn Quỳnh Hương (điều phối viên của VAF) theo dõi diễn biến đêm nhạc từ thiện.

* VAF hướng đến đối tượng hưởng lợi là người khuyết tật và người nghèo. Cơ duyên nào dẫn đến việc thành lập VAF, thưa anh?

- Khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, tôi hay đi làm tình nguyện. Lúc đó, tôi cùng một nhóm bạn nữa có dạy học cho trẻ em ở bãi giữa sông Hồng. Càng dạy, tôi càng thấy thích và yêu công việc này. Đến năm 2008, chúng tôi có ý tưởng, mong muốn cùng nhau làm một điều gì đó để giúp cho cộng đồng.

Như một cái duyên, đến năm 2009, tôi nhận được học bổng về điều phối hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Pháp. Sau đó, tôi và bạn bè cùng nhau cụ thể hóa ý tưởng thành lập một tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organization (NGO). Nhóm chúng tôi lúc đó có năm người, ba người đến từ ba quốc gia khác nhau là Đức, Bỉ, Pháp và hai người Việt Nam, trong đó có tôi. Có thể nói, lý do chính cho việc thành lập ra Việt Nam và những người bạn là tôi muốn làm những gì mình đam mê.

* Anh có thể giải thích về ý nghĩa cái tên “Việt Nam và những người bạn”?

- Ý nghĩa của cái tên rất đơn giản. Trong nhóm của tôi, số tình nguyện viên từ Việt Nam là nhiều nhất, nên tôi lấy Việt Nam là yếu tố chính. Bên cạnh đó, cái tên cũng thể hiện tính chất quốc tế của tổ chức chúng tôi. Các tình nguyện viên làm việc tại đây không chỉ ở Việt Nam mà còn đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Đức, Italia, Pháp, Bỉ,... Có thể nói, Việt Nam và những người bạn mang tinh thần kết nối giữa các nền văn hóa, tạo sự đa dạng văn hóa.

* Làm cộng đồng là con đường nhiều khó khăn, thử thách bởi nhiệm vụ chính của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này là giúp đỡ những nhóm người yếu thế trong xã hội, giải quyết các vấn đề về môi trường... Vậy tại sao anh lại lựa chọn gắn bó lâu dài với công việc này?

- Lúc đầu khi thành lập tổ chức, chúng tôi cũng có phần “liều”, thứ mà có sẵn trong máu của những người trẻ. Chúng tôi làm những điều chúng tôi thích, chưa nghĩ quá nhiều đến những khó khăn, thử thách lớn phía trước. Và khi đã làm rồi thì tôi xác định đây là một nghề. Nghề nào cũng có những khó khăn riêng của nó. Do đó, chúng tôi cần phải ý thức cao hơn về những việc mình đang làm và chỉ còn cách là khắc phục những khó khăn và bước đi tiếp.

Những người không hiểu rõ công việc này thì sẽ nghĩ rằng đó là việc làm “điên rồ”. Đặc biệt, khi bạn bỏ thời gian và công sức của mình để làm một công việc khác để có tiền cho các chương trình, dự án cộng đồng như thế. Nhưng cũng may đó chỉ là thời gian đầu khi tôi mới bắt đầu hoạt động, nhiều người không tin vào những hoạt động của tổ chức. Dần dần chúng tôi đã thuyết phục họ qua những việc chúng tôi làm cho các đối tượng hưởng lợi.

* Vậy, trong suốt chặng đường hơn 5 năm qua, đã bao giờ anh có ý định dừng lại?

- Cũng có lúc như vậy. Nhưng những giai đoạn đó không kéo dài, bởi vì chúng tôi đã xác định phải làm đến cùng. Đỉnh điểm của khó khăn là vào năm 2013, khi VAF phát triển mạnh về nhân sự, trong khi tôi là một sinh viên ngành kỹ thuật nên thiếu các kỹ năng quản trị. Vì thế, chất lượng nhân sự và công việc không được bảo đảm; chúng tôi rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Anh Lâm tham gia buổi đào tạo về kỹ năng định hướng và di chuyển cùng với các tình nguyện viên.

Phải mất hơn một năm, đến cuối năm 2014, VAF mới trở lại hoạt động bình thường. Lúc đó, tôi xác định tập trung vào những nhiệm vụ chính; những con người trụ cột làm việc tại tổ chức và xây dựng lại quy trình hoạt động của các chương trình, dự án của VAF.

* Được biết, trong thời gian từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12-2016, VAF tổ chức hai đêm nhạc từ thiện quyên góp xây dựng phòng thu trong khuôn khổ dự án OPEN ROAD (xây dựng thư viện sách nói cho người khiếm thị) và sự kiện “TOGETHER - Chạy cùng người khiếm thị”. Động lực nào giúp anh thực hiện nhiều chương trình như thế?

- Đối với hai đêm nhạc từ thiện, VAF thực hiện nhằm gây quỹ cho dự án OPEN ROAD. Đây là dự án xây dựng thư viện sách nói trực tuyến cho người khiếm thị, trước mắt là hoàn thiện một phòng thu ở ngay tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Quỹ thu được là nhờ bán các thiệp handmade và bán đấu giá các sản phẩm sắt tráng men thời kỳ trước.

Còn sự kiện TOGETHER là cuộc thi chạy cùng người khiếm thị do VAF tổ chức, được tài trở bởi Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông - Nam Á YSEALI, Đại sứ quán Mỹ. Ý tưởng về sự kiện để xin tài trợ từ YSEALI được gửi đi một ngày trước hạn nộp. Bản dự kiến và kế hoạch thực hiện chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, chi tiết. Lúc đầu, tôi và hai bạn tình nguyện viên hỗ trợ lên ý tưởng đã nghĩ kế hoạch của VAF sẽ không nhận được tài trợ.

TOGETHER được tổ chức với đích khác, đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng với người khiếm thị và người khuyết tật nói chung. Qua sự kiện, mọi người có thể thấy người khiếm thị hoàn toàn có thể chạy; họ có khả năng làm chủ cuộc sống của họ và luôn nỗ lực, cố gắng để hòa nhập vào cộng đồng.

* Nhắc đến TOGETHER, một sự kiện thu hút hàng trăm người chạy mắt sáng và người chạy khiếm thị; và TOGETHER cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đối với anh, TOGETHER có đúng với kỳ vọng ban đầu?

- Mục tiêu chung đạt được hơn cả những gì tôi kỳ vọng, truyền thông của chúng tôi đã làm tương đối tốt bởi sau sự kiện, rất nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã đưa tin về sự kiện này. Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tôi phải nói lời cảm ơn rất nhiều đến các bạn tình nguyện viên về những nỗ lực, đóng góp của họ.

Tuy vậy, trong khâu tổ chức vẫn có những thiếu sót, đặc biệt trong lúc đón người chạy khiếm thị, chúng tôi chưa thực hiện tốt nên dẫn đến sự lộn xộn trong phần đầu sự kiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc gây quỹ, mặc dù đã cố gắng tận dụng các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân và cả gia đình, bạn bè. Đó cũng là bài học để chúng tôi rút kinh nghiệm cho những năm về sau khi tổ chức sự kiện lớn như thế.

* Có thể thấy, đội ngũ tình nguyện viên VAF chính là cánh tay đắc lực của anh. Nhưng có tình nguyện viên đã “nói xấu” rằng anh là người khắt khe trong công việc. Anh nghĩ sao?

- Đúng! Ở VAF có nhiều tình nguyện viên Việt Nam và nước ngoài. Họ làm những nhiệm vụ khác nhau như dạy tiếng Anh cho các em học sinh khiếm thị, làm các giáo cụ học tập, soạn các bài giảng…

Tôi là người đề cao tính kỷ luật và đòi hỏi mọi thứ gần như phải hoàn hảo. Đã có một vài bạn tình nguyện viên khóc vì tôi yêu cầu khắt khe. Tôi cũng đã phải ngưng hợp đồng làm việc với một vài trường hợp làm việc không tập trung và kém hiệu quả.

Các trò chơi kết nối dành cho các tình nguyện viên quốc tế mới bắt đầu làm việc tại tổ chức.

Còn nhớ hồi năm 2009, khi tôi làm điều phối viên dự án về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Pháp, có một bạn thực tập sinh làm việc không chuyên nghiệp. Trong cuộc họp với đối tác, bạn ấy không nói được quan điểm của tổ chức, ngược lại còn thể hiện quan điểm cá nhân trong cuộc họp quan trọng đó. Chúng tôi đã phải triển khai lại một cuộc họp nội bộ để rút kinh nghiệm cho bạn ấy và đồng thời tổ chức một cuộc họp khác với đối tác để “sửa sai”.

Sau đó, tôi vẫn quyết định cho bạn ấy một cơ hội khác. Đối với tôi, các tình nguyện viên có vị trí rất quan trọng. Tôi coi họ là linh hồn của tổ chức, làm tổ chức sinh động hơn, tốt đẹp hơn.

* Anh từng chia sẻ về việc sẽ mở rộng đối tượng người yếu thế cho các dự án, chương trình của VAF. Vậy anh đã có những kế hoạch gì cho thời gian tới?

- Qua đợt tổ chức sự kiện chạy vừa rồi, VAF mới chỉ hướng đến người khiếm thị là chủ yếu nhưng các nhóm người khuyết tật khác cũng mong muốn được tham gia vào những sự kiện như thế. Còn dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng bìa rừng Vườn quốc gia Xuân Thủy ở Giao Thiện (Nam Định) vẫn đang hoạt động bình thường. Hiện có khoảng 65 hộ gia đình được hỗ trợ có thể chủ động tự sản xuất. Vai trò chính của chúng tôi là hướng dẫn kỹ thuật và cố gắng tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm từ nấm của người dân.

VAF rất mong muốn mở rộng đối tượng hỗ trợ, nhưng do hạn chế về tài chính và nhân lực, nên chúng tôi muốn tập trung sâu vào một nhóm thêm một thời gian nữa.

- Xin cảm ơn anh. Chúc anh cùng “Việt Nam và những người bạn” gặt hái được những thành công mới!

LÊ LOAN - NGỌC HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/32408802-nguoi-ben-bi-huong-den-cac-hoat-dong-cong-dong.html