Người Armenia biểu tình sau khi Azerbaijan tấn công và kiểm soát Nagorno-Karabakh

Hôm thứ Tư (20/9), hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại thủ đô của Armenia để chỉ trích việc chính quyền của Thủ tướng Nikol Pashinyan đã không hỗ trợ phe ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh, sau khi khu vực này bị Azerbaijan tấn công và nắm toàn quyền kiểm soát.

Harut, một kỹ sư 32 tuổi, cho biết rằng thất bại này thật đau đớn vì người Armenia đã chiến đấu vì Nagorno-Karabakh trong bao lâu nay. “Đó là điều mà chúng tôi đã đấu tranh suốt 30 năm, hơn 30 năm và giờ tất cả đều chẳng có kết quả gì”.

Lực lượng an ninh Armenia lập hàng rào bảo vệ trước Văn phòng Thủ tướng do lo sợ người biểu tình tấn công vào ngày 20 tháng 9 năm 2023. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia đối lập cũng đã có bài phát biểu tại Quảng trường Cộng và chỉ trích ông Pashinyan, người lên nắm quyền trong cuộc cách mạng năm 2018. Nhiều người tham dự vẫy cờ Nagorno-Karabakh và một số xô xát với cảnh sát. Những người khác ném chai lọ và đá vào Văn phòng Thủ tướng nằm ở Quảng trường Cộng hòa.

Cảnh sát chống bạo động đã phong tỏa các tòa nhà chính phủ của Armenia, trong khi những chiếc xe tải kiểu quân đội đậu gần quảng trường trước sự hiện diện dày đặc của lực lượng an ninh.

Azerbaijan trước đó vào hôm thứ Tư cho biết họ đã thành công trên chiến trường, đồng thời buộc lực lượng ly khai Armenia phải đồng ý ngừng bắn để khu vực này hoàn toàn trở lại quyền kiểm soát của Baku.

Theo thỏa thuận do Azerbaijan đề ra, các lực lượng ly khai sẽ giải tán và bị giải giáp vũ khí, đồng thời các cuộc đàm phán về tương lai của những người dân tộc Armenia sống ở đó sẽ bắt đầu vào hôm nay (21/9).

Vị trí của Nagorno-Karabakh trên bản đồ.

Người Armenia theo đạo Cơ đốc khẳng định quyền thống trị lịch sử lâu dài ở khu vực mà họ gọi là Artsakh này. Azerbaijan, nơi cư dân chủ yếu là người Hồi giáo, cũng gắn liền bản sắc lịch sử của mình với lãnh thổ nói trên.

Trong bài phát biểu trước cả nước vào tối thứ Tư, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết Baku đã khôi phục chủ quyền của mình “bằng nắm đấm sắt” trong cuộc tấn công kéo dài 24 giờ của quân đội, được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công bằng pháo binh, khiến phe ly khai phải đầu hàng.

Ông cho biết các lực lượng Armenia đã bắt đầu giao nộp vũ khí và rời đi, đồng thời 120.000 người Armenia ở Karabakh sẽ có thể tham gia các cuộc bầu cử ở Azerbaijan, được nhận nền giáo dục của nhà nước và tự do thực hành đạo Cơ đốc tại quốc gia có đa số người Hồi giáo của ông.

Người dân sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh sơ tán dưới sự bảo vệ của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự vào khu vực này. Ảnh: Reuters

Nagorno-Karabakh, một khu vực miền núi ở khu vực Nam Caucasus đầy biến động, được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng một phần của nó đã được chính quyền Armenia ly khai điều hành kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào đầu những năm 1990.

Lo sợ về những gì tương lai có thể xảy ra, hàng nghìn người Armenia đã tập trung tại sân bay ở Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh. Những người khác trú ẩn cùng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga với hy vọng được bay ra ngoài.

Vì Nagorno-Karabakh là tâm điểm của hai cuộc chiến tranh kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nhiều người Armenia ở đây vô cùng nghi ngờ Azerbaijan. Nước láng giềng Armenia đã cáo buộc Azerbaijan cố gắng thanh lọc lãnh thổ về mặt sắc tộc, điều mà Baku phủ nhận.

Hoàng Anh (theo Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-armenia-bieu-tinh-sau-khi-azerbaijan-tan-cong-va-kiem-soat-nagorno-karabakh-post265472.html