Người anh đi xa

Khi ông anh đầu mất đi, tôi thấy mình không nhớ nhiều những lần tranh luận mạnh mẽ với anh về đủ mọi chuyện vì tôi và anh khác nhau nhiều trong suy nghĩ. Tôi chỉ nhớ những kỷ niệm nhỏ bé tưởng chừng đã quên từ lâu.

Trong bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trên tạp chí Bách Khoa trước năm 1975(*), ông có kể về một bài thơ của anh ruột mình là nhà thơ Phạm Hổ viết tặng hồi còn nhỏ. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nói: “Anh tôi làm những bài thơ rất tình cảm với những lời thơ thật trong sáng. Anh Hổ rất thương tôi. Anh đã làm những dòng thơ sau đây để nói về tôi lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ:

...nhưng may sáng nay hắn về / Ba lô nho nhỏ gọn gàng hắn cõng trên lưng

Chiếc đàn xinh xinh quý yêu hắn ôm trong nách

Hắn đi tung tăng bước cao bước thấp, đường ruộng gồ ghề

Hắn nheo đôi mắt hắn cười / Quanh mình gió nắng cũng cười theo

Có con chim trắng tí teo, hát giữa cành xoài lá lụa

Tôi nghe vui dậy mùa xuân trong lòng đứa em trai nhỏ...”.

Phải từ tình thương yêu rất mực chân thành mới viết được những câu thơ trìu mến như vậy, trìu mến cả trong cách gọi em bằng “hắn”, tưởng xa lạ mà rất thân thương.

Ảnh: TL

Khi có đứa con trai thứ hai, vợ chồng tôi thấy vui vì con trai lớn của mình, một đứa bé hiền lành và giàu tình cảm, vừa mới có không chỉ một đứa em, mà sẽ là một đứa bạn nghiễm nhiên. Cả hai con sẽ chơi với nhau, sẽ cãi nhau, sẽ giành nhau điều gì đó nhưng chắc chắn sẽ thương nhau cả đời qua sự liên kết máu mủ. Hai đứa sẽ không bao giờ bỏ nhau trên thế gian này cho dù đã có gia đình riêng. Giống như tôi và hai người anh của mình.

Khi ông anh đầu mất đi, tôi thấy mình không nhớ nhiều những lần tranh luận mạnh mẽ với anh về đủ mọi chuyện vì tôi và anh khác nhau nhiều trong suy nghĩ. Tôi chỉ nhớ những kỷ niệm nhỏ bé tưởng chừng đã quên từ lâu.

Trong bóng tối những đêm khó ngủ, tôi nhớ lần anh chở tôi đi thi vào lớp 6 trường Công lập Tân Sơn Hòa (bây giờ là trường THCS Ngô Sĩ Liên, Tân Bình) vào năm 1973. Sau đó một thời gian ngắn, anh chạy xe về nhà, hô to trước cửa như cho cả xóm biết “Thằng L. đậu rồi !”. Mắt anh lấp lánh niềm vui.

Vào trường công lập nghĩa là hoàn toàn không tốn học phí. Đó là niềm tự hào trong cái xóm nhỏ ở Phú Nhuận này. Từ đó, anh quan tâm nhiều hơn đến tôi, hàng tháng cho ra nhà sách Khai Trí mua truyện, mướn truyện tranh cho đọc và luôn nhắc nhở tôi mỗi tối đi rửa chân trước khi lên giường, sau những trận đá banh ngoài sân.

Những tối cúp điện, anh nửa nằm nửa ngồi trên võng ôm guitar hát những ca khúc lạ còn đọng lại vài câu:“Bạn đường ơi, nắng lên rồi, gieo sáng ngời/ Nào cùng nhau, ta mở đầu, mùa hợp tấu…”, rồi: “Ngày ngàn tuổi thanh xuân như lửa thắm tươi đang rực trời/ lửa hồng bốc cháy bừng bừng sáng í i i ngời…”. Những bài ca tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và nhiều hy vọng ở cuộc đời khi còn trên ghế trung học ở trường Việt Nam Học Đường trên đường Trần Quang Khải.

Anh kể về vài người bạn cùng lớp, có người ra lính, có người sau khi học trường Sư phạm với anh, đi học lái máy bay và chết mất xác trong chiến tranh. Đó là những chuyện âm âm buồn trong những buổi tối cúp điện sau năm 1975. Anh nhắc người bạn từng thân thiết đứng trước lớp hát bài “Bạn đường ơi...” còn sống ở Phú Nhuận, mỗi ngày đạp xe giao nước đá ở tuổi sáu mươi, Khi anh gặp lại, ông ta lắc đầu không nhớ anh là ai.

Anh em lớn lên ngày càng ít khi nói chuyện với nhau vì ai cũng chạy theo việc của mình. Một buổi tối, anh ngần ngừ đưa cho tôi một tờ giấy viết tay. Anh viết về cuộc sống hồi còn nhỏ. Trong đó, có chuyện anh phải bò sát đất trong đêm tối, tránh ánh đèn từ vọng gác của lính thuộc địa Pháp trong đồn để hái lá trầu về đắp cho chị của tôi, khi chị còn là em bé đang bị bệnh.

Thấy tôi thích bài viết, anh lấy ra khoe truyện ngắn được cắt từ tờ Tiếng Chuông do anh viết. Anh kể sau khi đăng, một nhà văn trẻ đã viết thư mời đến tòa soạn nhưng do mắc cỡ nên anh không đến. Trên báo Tiếng Chuông rồi báo Ngày Mới, vài bài phiếm luận và truyện ngắn của anh được đăng, có bài được lãnh nhuận bút để mua thêm sách vở.

Đó là thời gian rất hạnh phúc, có chút tiền bằng năng khiếu. Anh viết những câu chuyện thực, chủ yếu xoay quanh những kỷ niệm ấu thơ. Truyện đầu tay của anh mang tựa đề “Nghề gõ đầu trẻ”, báo trước nghiệp dĩ anh gắn bó cả đời. Truyện ngắn cuối cùng, anh để lại mà tôi còn giữ là truyện “Mẹ, con và chú Đường” được cắt ra nên không biết của báo nào. Nghiệp sáng tác của anh cuối cùng kết lại trong những bài thơ đăng báo tường dự thi trong giới giáo chức Sài Gòn – Gia Định trước 1975.

Sau này, tôi luôn thắc mắc vì sao anh rất thích ngày Tết, kể cả khi anh đã bước sang tuổi bảy mươi và sống độc thân. Năm nào cũng vậy, những ngày gần Tết anh dành nhiều thời giờ cho việc chăm chút một cái Tết thật hoàn hảo. Anh hò hét đám em út dọn dep, lau cửa sổ cửa cái, quét mạng nhện, rửa ly tách trong tủ chưng, đánh bóng lư đồng. Sát Tết hơn, anh đi mua mai cành, sắm nhiều mứt, trái cây, nhắc má tôi làm kiệu, dưa món, mua nhiều chai xi rô...

Lũ em quay cuồng với việc chuẩn bị Tết của anh. Sau này, nhớ những cái Tết vui của gia đình luôn luôn đông khách đến chơi, mới nhận ra chủ yếu khách đến nhà là của anh và trong số đó rất đông học trò. Đó là những đứa trẻ mồ côi ở trường SOS Gò Vấp mà anh làm hiệu trưởng. Các em rất rụt rè khi đến thăm thầy hiệu trưởng nhưng làm sạch rất nhanh các dĩa mứt. Tết năm nào, anh cũng vui hỉ hả vì những chuyện như vậy và tôi biết đó là tình thương của anh dành cho chúng, những đưa trẻ Tết cũng chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà chung, ăn mấy bữa cơm đạm bạc ngày Tết của thời bao cấp.

Anh mất vì bệnh tim năm 2016. Khi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, mỗi ngày người thân chỉ được vào thăm một lần trong nửa giờ. Anh ra đi chỉ sau vài ngày nhập viện, trong đêm. Y tá kể trước khi nhắm mắt, anh dặn nhắc dùm người nhà đốt nhang trước cửa để hồn anh nhận ra nhà mà về.

Khi nhớ về anh, tôi thấy mình có những ảnh hưởng trong tính cách từ anh và nhiều lần đã vô tình bỏ quên anh rất xa những mối quan tâm thường ngày. Trong nghề viết lách, tôi mang ơn anh từ những cuốn sách tờ báo đầu đời. Những điều đó không tự nhiên, mà anh đã cố gắng mang đến cuộc đời tôi từ những ngày chủ nhật ở Sài Gòn, dắt tay thằng em nhỏ dại ra Khai Trí và Xuân Thu mua sách, cho đến mấy năm trời ròng rã được đọc rất nhiều sách báo từ tiền thuê sách trích từ đồng lương nhà giáo khiêm tốn của anh.

Phạm Công Luận

(Trích sách“Những bức tranh phù thế”, Công ty sách Phương Nam xuất bản)

(*) Trong bài “Đàm thoại với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nhạc sĩ của tin yêu, nhạc sĩ của tình thương” trên giai phẩm Bách Khoa số 401 xuất bản năm 1973

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-anh-di-xa-37341.html