Ngược dòng thời gian cùng Huyền tích U Va

Show diễn 'Huyền tích U Va' như một chuyến hành trình ngược dòng thời gian, đưa du khách trở về vùng đất U Va từ thuở xa xưa.

Mối tình của Khun Lú và Nàng Ủa được tái hiện trong show diễn.

Truyền tích quả bầu mẹ

Giữa tháng 3/2024, chúng tôi có cơ hội trải nghiệm show diễn “Huyền tích U Va” để tìm hiểu về lịch sử, con người, vùng đất và văn hóa của đồng bào Thái. Trong không gian của Nhà văn hóa bản U Va (Noong Luống, Điện Biên), ngôi nhà sàn hiện lên dưới ánh sáng huyền ảo.

Ba ngọn núi: Nàng Nòn, Tao Nòn, Pú Huổi cùng với hồ U Va, đồi Pom Lót đã tạo nên một khung cảnh hoang sơ của thuở ngàn xưa truyền tích.

Âm nhạc huyền bí với những khúc thức chậm rãi, đan cài tiếng gió ào ạt, tiếng muông thú gầm gào cùng làn điệu Khắp nổi lên với lời hát kể câu chuyện về Then tạo nên Mường Then đã đưa du khách cùng “ngược dòng thời gian” để tìm về cội nguồn Mường Then.

Thuở ấy, Then khởi dựng Mường Then thành hai cõi giới. Mường Then cõi dương gian mặt đất là Mường Piềng Chiêng Cang pha pẻn (vùng đất ở giữa bằng phẳng như tấm ván) hay cõi người. Mường Then Trên là cõi Mường Trời được muôn dân ngưỡng vọng là cõi Then.

Trời đất hỗn mang, lúc ấy Mường Then hạn hán kéo dài ba năm, ba tháng, ba ngày. Nắng lửa hun đất đai khô hạn, đất cằn cỏ héo, muông thú đói lả, vạn vật chẳng còn sinh khí, phơi mình trong nắng cháy.

Loài người chẳng còn biết lấy gì để kiếm kế sinh nhai. Người Mường Then kẻ treo nơi khóm chít, người nằm thoi thóp bên gốc cây cơi. Mường Then thời ấy dường như bị Then kéo hết về trời.

Thấy đất Mường Then dần vắng bóng người, Then Lớn bèn lệnh cho Nàng Bảu đúc thành loài người. Đấng sáng tạo ấy đã cho ba mươi giống người Xá (người Khơ Mú) và năm mươi giống người Thái vào trong quả bầu mẹ khổng lồ rồi thả xuống đất Mường Then. Đất trời cõi người như được bừng thức, cây cối xanh tươi trở lại, đơm hoa kết trái, vạn vật được hồi sinh, đông đúc, tươi vui.

Một thời gian sau, Then Lớn hạ lệnh cho thần nhân Quan Cong cùng thiên nhân giáng hạ đất Mường Then để coi sóc thế gian. Quan Cong và đoàn thiên nhân đi qua quả bầu khổng lồ và phát hiện tiếng hát từ trong quả bầu. Quan Cong tiến lại gần, ông dùng thanh sắt nung đỏ rồi dùi thủng quả bầu.

Có lỗ thủng, các thiếu nữ cầm nhạc cụ hưn mạy vừa bước vừa nhún nhảy múa hát, các chàng trai cầm ống tăng bu múa theo nhịp chiêng trống ra ngoài. Đó là giống người Xá đang thoát thai khỏi quả bầu mẹ.

Người Xá ra hết mà trong quả bầu vẫn rộn rã tiếng trống chiêng, chũm chọe… có tiếng người: “Lỗ cửa ông dùi nhỏ quá, chúng tôi đông, lại là cháu, chắt, chút, chít của ông bà So Công ngày trước nên ai cũng to khỏe, không thể chui ra được”.

Thấy vậy, Quan Cong rút dao đeo trên cổ chém và khoét thành cửa ở mặt phía phải quả bầu. Người ùn ùn kéo ra, họ vừa đi vừa đánh trống, chiêng, chũm chọe, xòe múa, hát hò. Đây chính là tộc người Thái.

Chuyện tình Khun Lú - Nàng Ủa

Sau truyền tích quả bầu mẹ, “Huyền tích U Va” tái hiện lại chuyện tình của Khun Lú - Nang Ủa (Chàng Lú - Nàng Ủa). Âm nhạc rộn rã, tươi vui, được phối mới với tiết điệu mang âm hưởng của dân ca Thái đã đem tới cho du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cũng như cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu giữa 2 người, 2 cõi.

Hai cõi Mường thuở ấy gần nhau lắm. Phía cuối Mường Then dưới có hồ U Va rộng lớn. Giữa hồ lại có cây leo Khau Cát hay còn gọi là “Khau Cát khau lài” cuốn bám rất chặt vào mặt dưới của Mường Then trên.

Đó chính là chiếc thang dây nối liền đất và trời (thang Khau Cát). Để nhập cõi Trời, người dưới dương gian phải chui qua “tù hươn Then” (cửa nhà Then) được đặt úp trên đầu thang Khau Cát.

Khi ấy, chàng trai Lú khỏe khoắn, hiền lành được tiên nữ Ủa đem lòng cảm mến. Khun Lú ra bờ suối đánh cá chia cho dân làng, cày ruộng cho dân nên được mọi người yêu mến. Khun Lú bắt gặp Nàng Ủa nơi con suối, bên hồ U Va và mối tình giữa 2 người bắt đầu chớm nở.

Rồi hội Hạn Khuống tới, sau phần lễ cúng, ngọn lửa cháy sáng rực, đêm hội chính thức được bắt đầu. Các tiên nữ cũng hào hứng sắm sửa để tham gia hội cùng dân làng. Thanh niên từ các bản khác cũng tới gia nhập cuộc vui.

Tình yêu của Khun Lú và Nàng Ủa được kết trái.

Họ cứ hát như thế để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho mượn ghế ngồi và cho nước uống thì các chàng trai mới tìm đến người con gái mà mình thích.

Từng cặp nam thanh, nữ tú ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, tiếng đàn, tiếng sáo và tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ, đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình…

Khun Lú được Nàng Ủa chấp nhận cho ngồi lên sàn Hạn Khuống. Hai người vừa ngồi tâm tình vừa dệt vải cùng nhau. Nàng Ủa tặng Khun Lú chiếc khăn Piêu thêu một cây hoa Ban nở rộ, như vật định tình cho hai người.

Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời hát chia tay về nghỉ và không quên dặn dò mùa sau gặp lại, hứa hẹn những ngày Hạn Khuống ý nghĩa hơn.

Nàng dạy chàng đan lát đồ dùng trong nhà, chàng đưa nàng dạo chơi trên những bãi cỏ mênh mông sau khi làm nương rẫy. Không chỉ giúp đỡ nhau, Ủa và Lú luôn giúp đỡ xóm làng trong mọi công việc, khi thì chăn trâu hộ nhà này, khi thì mang đồ đan lát được sang nhà khác, thi thoảng cùng nhau nấu những bữa cơm thật ngon mời bà con cùng bản đến dùng bữa cùng. Dân bản yêu quý nàng Ủa và chàng Lú vô cùng.

Đến một ngày Khun Lú - Nàng Ủa quyết định trở thành vợ chồng. Dân làng vô cùng vui mừng và chúc phúc cho họ, cùng nhau tổ chức một đám cưới thật linh đình. Người dựng rạp, thêu áo, người chuẩn bị đồ cúng bái thần linh, mỗi người một việc, bản làng như tổ chức lễ hội.

Tiếng đàn, tiếng kèn, trống rộn ràng khắp bản. Nàng Ủa hạ sinh được một bé trai, cả làng vô cùng vui mừng, mở hội giết trâu chúc mừng gia đình chàng Lú đón con đầu lòng. Bé trai lớn lên vô cùng xinh xắn và khỏe mạnh dưới sự yêu thương của cha mẹ.

Rồi cũng tới hạn 23 năm về trời của Nàng Ủa. Một ngày khi đang dệt vải, bỗng Nàng Ủa thấy các tiên nữ khác vội vã đi về phía thang Khau Cát. Trong lòng Nàng Ủa nghĩ chắc các chị đi tắm hồ U Va nên chạy vội theo.

Đến nơi, Nàng Ủa thấy một luồng gió cuốn các tiên nữ bay về cõi Trời theo Khau Cát. Tới lúc đó, Ủa mới sực nhớ ra lời dặn dò 23 năm phải về trời của Then năm đó. Nàng chạy ngược lại về phía bản, không muốn quay lại cõi Trời.

Nhưng Ủa vừa chạy về đến nhà thì thấy đầu óc quay cuồng, ngã thụp xuống sàn, Lú vừa đi nương về thấy vậy, vội vã đỡ vợ lên nằm, hoảng hốt bà con trong xóm đến cứu giúp. Cả đêm Khun Lú và con trai không ngủ phút nào, chỉ mong Ủa tỉnh lại. Thế nhưng, Nàng Ủa đã trút hơi thở cuối cùng, linh hồn nàng đi theo hướng cầu Khau Cát trở về Cõi Then.

Khun Lú vừa khóc lóc thảm thiết vừa vội vã đuổi theo. Khi hồn nàng bay lên Cõi Then, chàng leo lên thang Khau Cát đuổi theo. Lên tới Cõi Then, hai vợ chồng gặp nhau khóc hết nước mắt, trách số phận ngang trái.

Các chàng trai, cô gái hát giao duyên bên Hạn Khuống.

Then biết chuyện nên rủ lòng thương, đồng ý cho Lú được lên thăm vợ mỗi Canh Tý bằng thang Khau Cát. Lúc đó Khun Lú mới đồng ý trở về Mường Then. Từ lúc về, chàng như người mất hồn, lúc nào cũng chỉ trông ngóng để được lên trời gặp vợ, bỏ bê nương rẫy, bỏ bê con cái.

Gần tới giờ Tý, Khun Lú vội vã leo lên cầu Khau Cát để gặp vợ. Chàng kể cho vợ chuyện xóm làng, nàng đưa chồng dạo chơi nơi mình sinh sống. Hai người tâm tình đến rạng sáng vẫn chưa hết chuyện. Nàng Ủa bắt chồng về đi làm nương rẫy, dặn dò không được vì nhớ mong nàng mà bỏ bê chuyện nhà.

Khun Lú xuống được nửa chặng bỗng cảm thấy cơ thể bất an, ngất lả ở giữa cầu. May sao dân làng bắt cá gần đó thấy vậy, liền chạy vội lại khiêng anh về nhà.

Khun Lú tỉnh dậy thấy mọi người trong bản vây xung quanh liền nhận ra điều chẳng lành, nhưng tình yêu và nỗi thương nhớ vợ của chàng lớn hơn tất thảy. Tới Canh Tý hôm ấy, chàng tiếp tục lên Khau Cát mặc sự can ngăn của bà con trong bản.

Nàng Ủa thấy chồng vì nhớ mong mình mà bỏ bê nương rẫy, bỏ bê sức khỏe, nàng bứt rứt mà khóc khôn nguôi. Khi thấy chàng leo lên Khau Cát, nàng xin Then chiếc rìu, tự tay cắt đứt cầu Khau Cát, nước mắt giàn giụa khi nhìn chàng rơi xuống cùng chiếc khăn Piêu nàng tặng. Chỗ chiếc khăn Piêu rơi xuống bỗng mọc thành một cây hoa Ban lớn, như biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu của đôi lứa sẽ mãi trường tồn, đâm chồi nảy lộc.

Lễ hội Xên Pang

Về sau, dân làng tôn Khun Lú lên làm Phía (thủ lĩnh) vì những công lao của hai vợ chồng trước đây với bản làng. Tiếc thương cho mối tình của hai người, cũng như chưa kịp tri ân những vị tiên nữ đã xuống giúp đỡ dân làng từ thuở sơ khai, Lú nhờ thầy mo giúp đỡ kết nối với cõi Trời để cảm tạ lòng tốt của các vị tiên nữ, cũng như hi vọng được thấy lại hình bóng vợ mình.

Mùa Xuân đến cũng là lúc dân bản làm lễ Xên Pang (lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất) để tạ ơn Then đã ban cho cõi Mường Then mưa thuận gió hòa, bốn mùa xanh tươi, bản làng no ấm.

Không khí của mùa Xuân trăm hoa đua nở, tiếng trống hòa với tiếng chiêng hòa quyện nên những thanh âm rộn rã của vùng Tây Bắc, trai gái bản làng cùng nhau ca múa, đất trời vào xuân rộn rã tưng bừng.

Để tổ chức lễ Xên Pang, dân làng chuẩn bị lễ vật đầy đủ. Khi thầy mo bắt đầu cất tiếng hát, cây hoa lớn chỗ chiếc khăn rơi xuống nở hoa rực rỡ, mưa bắt đầu rơi xuống như chúc cho dân chúng có mùa màng bội thu.

Mọi người vui mừng cùng ca hát bên gốc cây, cùng cảm tạ tấm lòng của các vị tiên nữ năm nào. Khun Lú và con trai nhìn mãi lên bầu trời, tìm mãi một hình bóng của Nàng Ủa cùng vòng xòe xoay tròn bất tận.

Dưới bầu không khí huyền ảo của show diễn, anh Lò Văn Dũng, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một show diễn thực cảnh thú vị. Với câu chuyện hay cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh sống động đã đem đến cho mọi người nhiều cảm xúc, lúc sống động, lúc thăng trầm cùng với chuyện tình của Khun Lú và Nàng Ủa. Tôi tin rằng, show diễn được duy trì và phát triển sẽ thu hút nhiều du khách đến với U Va”.

Khun Lú chủ trì lễ Xên Pang.

Bà Cà Thị Thơm, bản U Va cho biết: “Show diễn thực cảnh ‘Huyền tích U Va’ gắn với cảnh quan thiên nhiên khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng U Va, hồ sen, mong muốn sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội để người dân chúng tôi làm dịch vụ du lịch homestay, đưa những văn hóa truyền thống của người Thái đến với du khách”.

Show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” chính là sản phẩm du lịch mới được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên chủ trì, phối hợp với UBND huyện Điện Biên giới thiệu tới du khách nhân dịp Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Tỉnh Điện Biên mong muốn show diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” sớm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Từ đó, giúp kết nối cộng đồng và doanh nghiệp để xây dựng một sản phẩm có sức hấp dẫn, lan tỏa, gắn kết.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoc-dong-thoi-gian-cung-huyen-tich-u-va-post679106.html