Ngư dân miền Trung: Những ngày khốn khó đang ở trước mặt

Đến thời điểm này, những con tàu xa bờ bắt đầu vươn khơi. Nhưng tại các xã vùng biển bãi ngang thuộc vùng “thủ phủ” cá chết trong đợt thảm họa biển vừa qua từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, tàu khai thác gần bờ hầu như đều nằm bờ. PV Báo Lao Động đi qua những làng chài bãi ngang của Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, ở đâu ngư dân cũng lo lắng vì nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Lão ngư Trương Xuân Thiệt (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) sau 3 chuyến ra khơi, chỉ thu được khoảng 3kg cá trích đã vo lưới, kéo thuyền lên bờ. Ảnh: HƯNG THƠ

Đến thời điểm này, những con tàu xa bờ bắt đầu vươn khơi. Nhưng tại các xã vùng biển bãi ngang thuộc vùng “thủ phủ” cá chết trong đợt thảm họa biển vừa qua từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, tàu khai thác gần bờ hầu như đều nằm bờ. PV Báo Lao Động đi qua những làng chài bãi ngang của Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, ở đâu ngư dân cũng lo lắng vì nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Dân vẫn e ngại ăn hải sản

Xã Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có 78 chiếc thuyền cá công suất dưới 20CV, đánh cách gần bờ dưới 10 hải lý. Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã - buồn bã nói: “Trước khi xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết trở lại, trôi dạt vào bờ biển, cá mực của ngư dân đánh bắt về dù giá thấp hơn rất nhiều ngày thường, nhưng ngư dân vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống. Như hai hôm nay đi biển về, cá, mực bán không ai mua nên phải ở nhà hoàn toàn, ngư dân xã tôi bây giờ tội quá”. Hầu hết ngư dân đánh bắt gần bờ tại xã này hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có nghề phụ ngoài đi biển.

“Không có tiền sắm tàu lớn, hai ba hộ góp mươi, mười lăm triệu đồng đóng thuyền gần bờ để kiếm cơm qua ngày. Tình hình như bây giờ tôi lo lắng lắm” - ông Bình nói và cho biết chính quyền xã yêu cầu các tiểu thương lên cảng cá Thuận An mua cá xa bờ, được chứng nhận là cá sạch, tổ chức điểm bán để người dân yên tâm mua về sử dụng.

Ngư dân Nguyễn Chí Quân (thôn Hoành Sơn, Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa trở về từ biển lúc mờ sáng ngày 5.5 nói: “Đây là hải sản đánh bắt từ 10 - 20 hải lý, bà con đi thuyền từ 15 giờ chiều ngày hôm trước, đến mờ sáng hôm nay mới cập bến. Lượng cá từ 10 hải lý trở vào suy giảm nghiêm trọng, có thể nói là không còn, nên các thuyền, bè nhỏ phải nằm bờ”.

Ông Nguyễn Chân Lý - Trưởng thôn Ba Đồng (xã Kỳ Phương), cũng có mặt tại đây - cho biết hiện mới có khoảng 20% tàu thuyền ở thôn ra khơi. Thường thì tàu công suất lớn ra khơi, còn lại rất nhiều tàu nhỏ đang nằm bờ. Ông Lý cũng cho rằng, do giá thu mua quá thấp, người tiêu dùng còn e ngại ăn hải sản nên nhiều ngư dân chưa ra khơi.

Cũng trong sáng 5.5, chúng tôi có mặt tại chợ Mới, thị xã Kỳ Anh. Chợ hải sản vẫn vắng như chùa Bà Đanh. Chị Hoàng Thị Sâm - tiểu thương bán cá tại đây - cho biết từ khi có thông tin cá chết đến nay, người tiêu dùng không còn sử dụng hải sản, chị và các tiểu thương chuyển sang buôn bán cá, tôm nước ngọt, tuy nhiên, lượng khách vẫn giảm, thu nhập của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Chúng tôi mong muốn thông tin về hải sản tại Hà Tĩnh an toàn sớm được công bố, để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, lúc đó việc buôn bán của chúng tôi mới trở lại bình thường” - chị Sâm nói.

Từ đầu năm 2016, Formosa sử dụng tới 51 tấn hóa chất

Hôm qua (5.5), trả lời báo chí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2016, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cung cấp một số thông tin xung quanh việc Formosa nhập hàng trăm tấn hóa chất để xúc xả đường ống và xử lý nước. Ông Hải cho biết: “Formosa là một khu công nghiệp rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Tới nay, Bộ Công Thương đã tổ chức hai đoàn kiểm tra. Đoàn thứ nhất kiểm tra hoạt động của Formosa có đúng theo quy trình, quy định trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý hay không, bao gồm các vấn đề về an toàn lao động. Đoàn thứ hai được Bộ Công Thương thành lập riêng để kiểm tra về vấn để nhập khẩu hóa chất của Formosa - theo quy định phải đăng ký tại Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Hóa chất. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì mới được phép nhập khẩu và sử dụng theo các mục đích đã đăng ký, kê khai”.

Theo Bộ Công thương, cả năm 2015 và tính đến thời điểm ngày 2.5.2016, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất đã được đăng ký chấp thuận để nhập khẩu. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Formosa được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn hóa chất với 43 loại hóa chất. Mục đích nhập khẩu được cho biết là nhằm làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, chất keo tụ để xử lý nước, hóa chất ổn định, nước làm mát để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ PH của môi trường nước... Từ đầu năm 2016 đến nay, Formosa đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, tồn trong kho còn 248 tấn hóa chất. Đây đều là những hóa chất đã được phép nhập khẩu và sử dụng theo như đã đăng ký cũng như các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng nói thêm là việc Formosa đã sử dụng ra sao thì vấn đề này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ. A.K

Phần nhiều tàu thuyền vẫn nằm bờ

Ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, hiện nay những ngư dân đánh bắt ven bờ là đối tượng đang chịu tác động lớn. UBND tỉnh đang tiến hành thống kê và đợi các kết luận của Bộ NNPTNT, khuyến cáo của Bộ TNMT. Kết luận thế nào được đưa ra thì đối tượng này cũng sẽ bị tác động. Nếu Chính phủ không hỗ trợ, tỉnh sẽ có chủ trương để hỗ trợ cho ngư dân.

Trả lời về việc cấm hay không cấm đối với những thuyền cá gần bờ, ông Khanh nói: “Hiện nay chưa đưa ra lệnh cấm, nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế ra khơi. Nếu dân có đánh bắt về thì cũng chỉ sử dụng trong gia đình, chứ không thể tiêu thụ được”. Một báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho thấy tình hình cá chết bất thường đã gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho bà con ngư dân, cũng như các dịch vụ đi kèm tại vùng biển. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã ước tính con số thiệt hại lên đến 134 tỉ đồng. Trong đó, có 11.572 hộ với 42.288 nhân khẩu bị ảnh hưởng, 2.522 tàu thuyền gác mái.

Ông Lê Văn Chương - Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - cho biết chỉ mới có 6/20 tàu của toàn phường trở lại biển và ông Chu Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) - cũng nói hiện mới có 156/807 tàu thuyền của toàn xã ra khơi. Toàn thị xã Kỳ Anh chỉ mới có chưa đầy một nửa số tàu trở lại biển (675/1338 tàu). “Do giá bán cho doanh nghiệp còn thấp, chỉ bằng một nửa so với trước đây, mà người dân thì chưa dám ăn, chưa mua nên ngư dân họ chưa mặn mà ra khơi” - ông Quang nói. Trong khi đó, ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - nói ngư dân phản ánh giá bán hải sản chỉ bằng một nửa so với trước đây là chưa đúng, mà cao hơn.

Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - cho biết, toàn huyện chỉ có 3 xã có cá chết, với số lượng khoảng 500 - 600 con. Còn về thị trường tiêu thụ hải sản, trước đây có khó khăn, nhưng giờ thì đã gần như bình thường. Giá mực thu mua ở đây là 190.000 đồng/kg. “Do tàu thuyền công suất nhỏ, mỗi chuyến sản lượng đánh bắt về ít, lại được Nhà nước kêu gọi thu mua và người dân cũng đã ăn hải sản nên ngư dân đều bán được hết hải sản” - ông Hoàn nói. Cũng theo ông Hoàn, hiện toàn huyện có 300/361 tàu đã ra khơi. Thực chất đây là tỉ lệ cao, bởi bình thường cũng không phải tất cả các tàu đều ra khơi. Nghe ông Chủ tịch huyện Kỳ Anh nói thì rõ là tình hình vẫn rất tươi sáng.

Nhưng, thực chất thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh là một. Một huyện mới tách ra thôi. Cũng là vùng biển của Vũng Áng cả thôi. Nhưng sao khác nhau trời vực vậy nhỉ? Chỉ mong sao mọi xã bãi ngang khác của dải biển “thủ phủ” biển chết này đều được như vậy...

“Cách đây khoảng 2 tháng, những ngư dân ở thôn Thái Lai (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) phấn khởi ra mặt vì mới bắt đầu vụ tôm hùm đã trúng lớn. Ở vùng biển này có rạn đá, nên những ngư dân làm nghề lặn đến mùa là đổ xô đi bắt tôm hùm. Ông Nguyễn Văn Bái - ngư dân có nhiều năm đi biển ở thôn Thái Lai - kể rằng trước ngày 10.4, ngư dân lặn ở các ngầm rạn đá vẫn bắt được nhiều tôm cá, nhưng sau ngày 15.4 thì tuyệt nhiên không còn một con nào. “Các thợ lặn trở về, nói đến con liệt, còn sò sống dai mà cũng biến đâu mất. Chỉ còn trơ mỗi san hô không thôi. Chừ không có nghề, nên họ đi ra Nghệ An, Thanh Hóa làm nghề lặn rồi” - ông Bái nói.

Nghệ An: Không có chuyện người dân ăn cá biển bị ngộ độc. Tại cuộc giao ban báo chí chiều 5.5, Sở Thông tin Truyền thông Nghệ An cho biết về thông tin trên một số báo ra ngày 26.4 đưa tin trường hợp anh Trương Như La (ở Nghệ An) phải nhập viện điều trị sau khi ăn cá nục kho và uống thuốc chống hen là không đúng sự thật. Kết quả xác minh của Sở Y tế Nghệ An khẳng định bệnh nhân Trương Như La bị nhập viện với những triệu chứng không phải do tình trạng vệ sinh của thức ăn (cá nục).

Quảng Bình: Chim ở đảo Chim vẫn... bình thường. Ngày 5.5, ông Trương An Ninh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực tế tại đảo Chim (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch). Trái ngược với thông tin cho rằng các loài chim, cua trên đảo bị chết với số lượng lớn; cua chết hàng loạt, xếp chồng lên nhau bên trong những hốc đá, báo cáo nêu rõ kết quả kiểm tra cho thấy không có hiện tượng xác chim chết, lông chim vương vãi trên đảo. Khu vực đảo nổi và vùng biển tiếp giáp xung quanh xuất hiện với số lượng lớn các loài chim thuộc các họ hải âu, yến, én… sinh sống và sinh hoạt bình thường. Tại một số vách đá, tiếp giáp gần mặt nước xuất hiện các cá thể cua sinh sống và hoạt động bình thường. VPBTB

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ngu-dan-mien-trung-nhung-ngay-khon-kho-dang-o-truoc-mat-548638.bld