Ngư dân Bình Thuận kêu cứu vì tàu cá bị Indonesia và Malaysia bắt giữ

10 tàu cá và 87 ngư dân tại thị xã La Gi ( Bình Thuận ) đã bị cơ quan chức năng của Indonesia và Malaysia bắt giữ hôm 24.7 vừa qua khiến gia đình chủ tàu và các thuyền viên hết sức lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Kính kể lại sự việc

10 tàu cá cùng 87 ngư dân bị bắt giữ

Thông tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 24.7, một đội thuyền cá Việt Nam khoảng 12 chiếc khi đang hành nghề tại khu vực biển có tọa độ 06015'N - 109030'E trải dài đến tọa độ 07020'N - 108040'E thì bị một tàu tuần tra treo cờ Indonesia mang số hiệu 6003 truy đuổi từ 06015'N - 109030'E (Nam đường phân định trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ) đến 07020'N - 108040'E.

Đến 16 giờ ngày 24.7, lực lượng của Indonesia bắt giữ được 9 tàu cá cùng 79 ngư dân và dồn các tàu cá ra khu vực biển có tọa độ 06025'N - 109039'E ( sát đường phân định trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ) để lập biên bản. Sau khi bắt giữ, lực lượng Indonesia dồn hết các ngư dân sang tàu tuần tra và cử thủy thủ sang điều khiển các tàu cá chạy theo tàu tuần tra. Vị trí đội tàu cá bị bắt giữ cách thị xã Lagi 286 hải lý về phía Nam Tây Nam, cách Bắc Đông Bắc đảo Natuna Bắc của Indonesia 124 hải lý. Hiện các tàu cá bị bắt giữ đã được di chuyển vào đất liền của Indonesia nhưng chưa rõ vị trí cụ thể.

Cũng theo thông tin của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận, trước đó, ngày 16.7, tàu BTh 97660 TS công suất 380 CV, gồm 8 lao động hành nghề câu khơi do ông Nguyễn Minh Thái, trú tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng xuất bến từ cảng La Gi khi hành nghề trên biển cũng bị lực lượng chức năng của Malaisia bắt giữ, đến nay vẫn chưa xác định được vị trí bắt và nơi giam giữ chiếc tàu cùng 8 ngư dân này.

Ngóng chờ tin người thân

Bà Nguyễn Thị Kính, chủ tàu BTh 97974 TS, 1 trong 9 tàu bị phía Indonesia bắt giữ kể: "Vào khoảng 13 giờ ngày 20.7 con trai tôi là thuyền trưởng trên tàu BTh 97974 TS có gọi điện thoại về báo cho gia đình và nói tàu đang hư máy và neo đậu tại tọa độ 06036'N - 109036'E thuộc vùng biển Việt Nam nhưng tàu Indonesia vẫn ngang nhiên vào bắt và kéo đi nơi khác. Ngay sau khi nhận được điện thoại của con trai, tôi đã đến Đồn biên phòng để trình báo nhờ can thiệp và được các anh động viên bình tĩnh chờ đợi thông tin và sự can thiệp của cơ quan chức năng".

Cầm lá đơn kêu cứu trên tay bà Kính buồn rầu nói: "Con tàu là tài sản, là cần câu cơm nuôi sống gia đình tôi và nhiều thuyền viên. Gia đình tôi vay vốn hỗ trợ của nhà nước theo Nghị định 67 để đóng con tàu có giá trị khoảng 6 tỷ đồng. Hiện nay mỗi tháng tôi phải trả gốc và lãi ngân hàng gần 50 triệu đồng, giờ bị vầy tôi không biết phải làm sao đây".

Có mặt tại nhà bà Kính, nhiều người là người thân của các thuyền viên tỏ ra lo lắng đến sức khỏe, tính mạng người thân của họ. "Tôi nghe đâu có người bị bắt điện thoại về gia đình nói họ bị đánh đập nên 3 ngày nay tôi lo lắng không ăn không ngủ được vì lo cho con trai tôi. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp để con tôi và các ngư dân được sớm trở về nhà", bà Phan Thị Mãi người có con trai đi trên tàu bị bắt nói trong nước mắt.

Liên quan đến vụ việc, ngày 25.7 Văn phòng UBND Tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 3363/VP-NV gửi Cục Lãnh sự, Quỹ bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đề nghị các cơ quan này có biện pháp can thiệp, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những ngư dân.

Chính quyền thị xã La Gi cũng đã mời các chủ tàu bị bắt đến thông báo tình hình và động viên tinh thần họ vượt qua khó khăn trước mắt.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Thuận, các cơ quan và địa phương có liên quan thường xuyên liên hệ với các tổng đài thông tin, với hộ gia đình và gia đình các chủ phương tiện để kịp thời nắm thông tin có liên quan đến các tàu, lao động bị bắt giữ, diễn biến vụ việc, thời gian, vị trí bắt giữ, lực lượng nước ngoài bắt giữ … đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ vị trí thuyền Bth 97660 TS bị Malaysia bắt giữ để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân.

Danh sách các tàu bị bắt

1. Tàu BTh 97292 Ts, 421 CV do bà Nguyễn Thị Trường, khu phố 8 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 9 lao động.

2. Tàu BTh 97974 Ts, 500 CV do bà Nguyễn Thị Kính, Khu phố 8 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 11 lao động.

3. Tàu BTh 99962Ts, 290 CV do ông Nguyễn Lâm, Khu phố 6 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 8 lao động.

4. Tàu BTh97729 Ts, 295 CV do bà Nguyễn Thị Chấc, Khu phố 9 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 9 lao động.

5. Tàu BTh98602 Ts, 295 CV do ông Nguyễn Hương, Khu phố 3 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 8 lao động.

6. Tàu BTh96560 Ts, 444 CV do bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Khu phố 7 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 8 lao động.

7. Tàu BTh98825 Ts, 295 CV do ông Nguyễn Kim Thanh, Khu phố 3 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 9 lao động.

8. Tàu BTh98350 Ts, 444 CV do ông Nguyễn Hoàng, Khu phố 3 - Phước Hội làm chủ. Trên tàu có 9 lao động.

9. Tàu BTh99514 Ts, 275 CV do ông Nguyễn Anh, Khu phố 5 - Bình Tân làm chủ. Trên tàu có 8 lao động.

10. Tàu BTh 97660 Ts, 360 CV do ông Nguyễn Minh Thái, thôn Hiệp Phú - Tân Tiến làm chủ. Trên tàu có 8 lao động.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ngu-dan-binh-thuan-keu-cuu-vi-tau-ca-bi-indonesia-va-malaysia-bat-giu-577251.bld