Ngọt ngào câu hát mẹ ru

Đã lâu lắm rồi tôi không được nghe câu hát ơ hời của mẹ. Cho đến gần đây, khi ngang qua ngõ nhà bà Sáu ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, câu hát ấy lại xuất hiện giữa không gian trầm lắng: Ơ hời… Một mai ai chớ bỏ ai/Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim/Khen ai khéo gảy đàn kìm/Cầm dao cắt ruột mẹ bỏ con sao đành… Ơ hời… là… ơ hời…

Đứa trẻ nào cũng cảm thấy dễ chịu và ngủ một cách ngon lành trong giai điệu ngọt ngào, êm ái từ câu hát, lời ru của mẹ. Ảnh: Internet

Tiếng hát trong nôi

Đến bây giờ, tuổi đã cao, nhiều thứ không còn nhớ, nhưng bà Sáu Tiệp vẫn nhớ như in những câu hát ru thuở nào. Bà kể, mẹ bà là một người phụ nữ vừa đẹp người đẹp nết, hát đối đáp rất hay ở vùng quê phía Bắc sông Đà Rằng. Những câu hát chân quê, mộc mạc được mẹ cất lên vào những buổi trưa hè, dưới hàng tre kẽo kẹt bên đồng lúa xanh, ru bà giấc ngủ nồng say.

“Từ lúc còn nằm nôi, dù không hiểu gì về lời hát, nhưng hình như chính cái dịu dàng của vòng tay, cái lắc lư, kẽo cà kẽo kẹt của tiếng võng và tiếng ru ơ hời ngọt ngào của mẹ đã thẩm thấu, gieo vào trong tôi những điều tốt đẹp. Rồi lớn lên, lấy chồng sinh con, tôi lại tiếp tục trao truyền những điều tốt đẹp ấy đến với con, cháu mình qua từng lời ru”, bà Sáu Tiệp bộc bạch.

Chị Vân Phi, con gái của bà Sáu Tiệp chia sẻ: Khoảng 6, 7 tuổi tôi đã biết hát vài câu đối đáp. Càng lớn tôi càng hiểu thêm về cái hay, cái đẹp của ca dao, tục ngữ và những câu hát ru của bà, của mẹ từ ngày còn tấm bé, nào là: (Ơ… hời) Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con (ơ hời là ơ hời…); hay (Ơ… hời) Một mai con cá hóa rồng/Đền ơn cha mẹ bõ công sanh thành/Một mai con cá hóa long/Chín tầng mây phủ nằm trong da trời….

“Mỗi khi nhắm mắt lại, những hình ảnh thân thuộc của làng quê với cánh cò chao nghiêng trên đồng ruộng, với cây đa, bến nước, con đò xưa cũ, bình dị… hiện ra theo từng câu hát. Giờ đây, đã làm bà ngoại, ở giữa phố thị tôi vẫn luôn dỗ cháu ngủ bằng những câu hát ru của bà, của mẹ thuở nào”, chị Vân Phi trải lòng.

Bà Lê Thị Kim Tuyết ở thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, là mẹ của 5 đứa con, bà của 6 đứa cháu, cho hay các con của bà từ nhỏ đã thấm đẫm lời hát ru của mẹ, của bà ngoại… “Để dỗ con ngủ, tôi thường vỗ nhẹ vào mông, lưng nựng nịu rồi hát ơ hời… Vậy là đôi mắt nó lim dim, chìm sâu trong giấc ngủ. Từ thằng lớn đến thằng út, đứa nào cũng lớn lên bằng sữa mẹ và những câu hát ru”, bà Tuyết thổ lộ.

Nhiều bà mẹ trẻ ngày nay không còn ru con ngủ bằng những câu hát ơ hời… Ảnh: HIẾU VY

Nét đp văn hóa truyn thng

Hát ru là loại hình nghệ thuật đặc biệt. Nó được truyền khẩu từ thế hệ trước sang thế hệ sau một cách tự nhiên. Mỗi người nghe rồi tự thuộc, tự hát, vậy nên lời hát ru từ thuở còn thơ sẽ theo mãi cuộc đời của mỗi người, không thể nào quên!

Thế nhưng theo nhịp sống hiện đại, nhiều bà mẹ trẻ không còn ru con ngủ bằng những câu hát ơ hời, à ơi mà thay vào đó là bật nhạc bolero hoặc có khi là disco, rock… Ngay cả cái nôi cũng tự động đung đưa mà chẳng cần đụng tay vào. Một số ít người biết đến hát ru nhưng không thuộc lời và không quen hát nên khi hát không diễn tả được sự dịu dàng, sâu lắng của hát ru. Còn trẻ em được gửi đến nhà trẻ lại càng không được nghe những câu hát ru đúng nghĩa.

Trước thực trạng hát ru ngày càng mai một dần, năm 1992, lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) tổ chức liên hoan Hát ru toàn quốc tại Huế. Với đặc trưng của hát ru xứ Nẫu, trong liên hoan này, với 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, chương trình của đoàn Phú Yên được trao huy chương vàng toàn đoàn.

Ngoài thi diễn các làn điệu hát ru, trong khuôn khổ của liên hoan còn có hội thảo khoa học và các nhà nghiên cứu dân gian đều thống nhất rằng: Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng để ru con (trẻ em) ngủ. Phần lớn các câu trong bài hát ru được lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng từ bà xuống mẹ, thế hệ trước sang thế hệ sau, luôn gắn bó đời sống con người và thiên nhiên.

Nếu như lời hát ru của người mẹ miền biển, miền đồng bằng thường nói về thân phận đời mình; thì lời ru của người mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thường gắn với đời sống sinh hoạt, lao động trên nương rẫy. Song, điểm chung của hát ru là lời hát thường nhẹ nhàng, sâu lắng, nói lên những tâm tư tình cảm của con người, nhất là người mẹ, nên không có tính chất bạo lực hay trào lộng như một số loại hình văn nghệ dân gian khác. Chính yếu tố đó khơi dậy bản chất thiện lương trong mỗi con người từ tấm bé.

Cùng với đó, lời hát ru làm cho con trẻ nhận thức và yêu thiên nhiên, quê hương, xứ sở mình qua hình ảnh thân thuộc như: đồng ruộng, bờ tre, cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông, cánh cò… với sự thuần hậu, chân chất của con người. Từ đó, hình thành một cách tự nhiên trong tâm thức sợi dây gắn kết với thiên nhiên và khi đứa trẻ lớn lên càng thêm yêu thương, gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên.

Cũng qua những lời ru mượt mà, trầm bổng, ấm áp, đứa trẻ nhận được tình cảm của người ru truyền sang. Đó là tâm tư thầm kín, là đạo lý làm người, việc đối nhân xử thế… thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên. Từ đó, lòng nhân ái được hình thành trong tâm hồn tuổi thơ, vun đắp thêm tình cảm gia đình.

Ở một khía cạnh khác, lời hát ru còn là những điều gửi gắm, là thông điệp, là nỗi niềm tâm tư thầm kín, là phương tiện để khơi dậy lòng trắc ẩn với đời sống bày tỏ một cách khéo léo qua lời ru, để cho những người lớn cận kề được nghe, thấu cảm...

Tựu trung, lời ru là một nét đẹp văn hóa. Thường những câu hát ru được hát bởi chính người mẹ, nhắc nhở núm ruột của mình luôn ghi nhớ ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đạo lý nhân nghĩa truyền thống, cung cách ứng xử ở đời... Lời của những bài hát ru là câu chuyện đầu tiên về lịch sử cộng đồng, về nhân nghĩa lễ trí tín… mà đứa trẻ được lắng nghe từ khi lọt lòng mẹ.

Dù chưa hiểu được ý nghĩa và nội dung lời ru, nhưng đứa trẻ nào cũng cảm thấy dễ chịu và ngủ một cách ngon lành trong giai điệu ngọt ngào, êm ái từ câu hát, lời ru của mẹ. Bởi qua lời ru mộc mạc và bình dị, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, ân cần, chở che trong giấc ngủ.

Còn theo cố GS Trần Văn Khê: Bài hát ru là bài âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang đứa con của họ. “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ, điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào tâm thức giúp hình thành tình yêu thương, tự hào về quê hương, đất nước.

Vậy nên, đừng để hát ru bị mai một hoặc mất đi. Việc lưu truyền hát ru, lưu giữ lời ru chính là để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ nhớ về nguồn cội; đánh thức cộng đồng về cái hay, cái đẹp của hát ru cũng là góp phần gìn giữ, tiếp nối vẻ đẹp, nét đặc trưng văn hóa các dân tộc, xây dựng gia đình hạnh phúc.

HIU VY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/315234/ngot-ngao-cau-hat-me-ru.html