Ngóng lũ

Lũ về không chỉ rửa sạch phèn ở những nơi bị ngập mặn do nước biển tràn vào, không chỉ để lại phù sa cho đất đai thêm màu mỡ mà còn mang theo rất nhiều “lộc trời”.

Anh Hà thân,

Mấy hôm rày cứ hết bão lại áp thấp nhiệt đới, trời Hà Nội gió se se và nắng rất nhẹ. Nếu thời tiết đỏng đảnh thế này giống như một món quà mà thiên nhiên ưu ái cho người thành thị sau những ngày oi ả, bức bối thì với người nông dân quê mình, đó lại là nỗi đắng đót, anh ạ.

Tôi nói vậy là bởi, những ngày qua về An Giang, bắt gặp những khuôn mặt buồn đến thất thần. Họ đang đứng trên bờ ruộng ngóng lũ. Thông thường, khoảng đầu tháng 8 là dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn sông Mekong bắt đầu đổ về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua sông Tiền và sông Hậu. Rồi bắt đầu từ đây, dòng nước phù sa sẽ len lỏi theo các nhánh sông tràn lên những cánh đồng.

Lũ về không chỉ rửa sạch phèn ở những nơi bị ngập mặn do nước biển tràn vào, không chỉ để lại phù sa cho đất đai thêm màu mỡ mà còn mang theo rất nhiều “lộc trời”. Chuột đồng, ốc bươu, ốc lác, rắn, rùa, cá linh…và nhiều nhất là những bông điên điển- đặc sản của mùa lũ ở ĐBSCL. Sinh ra ở làng chắc anh hiểu, đây là lúc nông dân chộn rộn vào vụ đánh bắt thủy sản, trồng các loại rau thủy sinh và thu hoạch rau đặc sản mùa nước nổi với khoản thu nhập kha khá.

Vậy mà năm nay là năm thứ 4, có lẽ lũ không về ĐBSCL. Anh còn nhớ bác Sáu ở Phú Lộc (thị xã Tân Châu) không? Hôm tôi về hỏi chuyện, giọng rầu rầu bác bảo, mấy năm trước, cữ này nước đã mênh mông rồi, nhìn mà đã con mắt. Giờ bay xem, chỉ xâm xấp mắt cá chân thì mần ăn cái gì bây giờ. Có lũ, chỉ cần kiếm được luồng cá là tao rủng rỉnh cả tháng. Vậy mà...

“Đói” nhất là những người sống bằng nghề đánh cá linh. Trước lũ những hộ làm nghề cũng phải bỏ chi phí hàng trăm triệu đồng để đấu thầu mặt nước, thuê nhân công, mua dụng cụ đánh bắt... và chờ lũ. Thế nhưng, lũ không về đời sống của họ cũng bấp bênh như con nước vậy, chi phí cao, thu nhập ít nên nhiều người đành phải chịu lỗ mà bỏ nghề.

Nhắc đến cá linh, anh có nhớ năm 2007, mình về Đồng Tháp có ghé qua nhà bác Sáu và được bác đãi món lẩu cá linh non với bông điên điển. Hôm ấy, trong không gian đặc sệt của miền Tây sông nước, bác Sáu dọn nồi lẩu cá ngay giữa sân nhà. Nồi nước dùng sôi sùng sục, đĩa cá linh, rổ rau nhút và hoa điên điển chẳng mấy mà vơi. Bác Sáu bảo, nhìn hai đứa bay ăn đã quá. Cái vị cái béo ngậy của cá linh quện với chút chua của me, ngọt của dừa, thơm của rau nhút và bông điên điển... đến giờ tôi vẫn không thể quên.

Năm nay về, tôi chỉ ghé qua thôi chứ cũng chẳng còn lòng dạ nào mà ở lại thưởng thức món lẩu cá linh. Buồn cho người nông dân, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến cho vùng đất trù phú đang có nguy cơ bị xóa xổ. Đã mấy năm rồi lũ không về, năm tới rồi chắc cũng thế, chẳng biết mần ăn chi bây giờ? Nghe bác Sáu nói mà thấy xót như ai cứa vào lòng anh ạ. Thông tin qua để anh biết tình hình, có gì trao đổi sau nhé!

Hữu Dũng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/ngong-lu/116511