Ngôi đình 400 năm tuổi chờ sập

Là một trong những ngôi đình cổ và có kiến trúc nghệ thuật đẹp nhất ở xứ Thanh, đình Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1995. Tuy nhiên, hiện ngôi đình đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.

Đình cổ Đông Môn có tuổi đời gần 400 năm đang bị hư hại nghiêm trọng.

Theo chân Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Trịnh Hữu Anh, chúng tôi tới ngôi đình cổ Đông Môn - ngôi đình có tuổi đời gần 400 năm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngay trước nghinh môn là tấm biển đỏ cấm người dân và du khách hoạt động cộng đồng, tham quan tại đây để cảnh báo.

Tài liệu cổ cho biết: Đình Đông Môn ban đầu được xây dựng bằng tranh tre dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ là ông Vũ Khắc Minh cai quản.

Ông Vũ Khắc Minh là người có công lao lớn đối với họ Lê và chúa Trịnh. Ông vốn người gốc vùng Hà Nam Ninh di cư vào Thanh Hóa và cùng con cháu họ Vũ khai ấp họ Trịnh, khôi phục lại làng Đông Môn. Sau khi ông mất năm 1680, nhân dân trong vùng suy tôn ông là Thành hoàng làng và được thờ ở nghè Hạ.

Đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều Vua Lê Hiển Tông (năm 1753), đình làng Đông Môn được xây cất lại bằng gỗ. Đây là ngôi đình có kiến trúc 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh gồm tiền đường và hậu cung với nhiều chạm trổ, điêu khắc tinh xảo trên các kèo, cột, mang đậm bản sắc văn hóa của đình làng Việt cổ. Và, có thể khẳng định: Đây là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất tại xứ Thanh còn sót lại sau nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử.

Mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, trong đó lần gần nhất là vào năm 2009, thế nhưng hiện nay toàn bộ phần mái ngói của ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, các lớp ngói bị tụt thành hàng dài, rơi khỏi vị trí ban đầu làm hở mái, các kết cấu bằng gỗ bên trong ngôi đình hầu như đã bị mốc đen, một số các cột, kèo đã bị mục do ngấm nước mưa. Riêng phần mái ngói bị dồn ra phía trước vừa mới được chính quyền địa phương cho giăng bạt để giữ phần ngói bị tụt và đặt biển báo trước đình làng.

Bà Trịnh Thị H. - một người dân sinh sống ngay sát với sân đình Đông Môn không giấu được sự xót xa, cho biết: Sự xuống cấp của ngôi đình cổ đã kéo dài nhiều năm qua, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng có biện pháp để trùng tu, bảo vệ di tích. “Gần 2 năm trở lại đây, do tình trạng xuống cấp nên bà con nhân dân trong làng Đông Môn không tổ chức được các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại ngôi đình này. Nhân dân trong xã rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tu sửa lại đình làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn lưu giữ giá trị lịch sử lâu đời của cha ông để lại” - bà H. nói.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Trưởng thôn Đông Môn cũng cho biết: Nhân dân trong thôn đã có nhiều ý kiến trước việc ngôi đình cổ gần 400 năm xuống cấp gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa có phương án tu sửa cụ thể nào, dù trước đó thôn Đông Môn, chính quyền địa phương và người dân đã liên tục phản ánh sự việc lên cơ quan cấp trên. Bà con ở làng cũng nhiều lần muốn tu sửa nhưng do không có đủ nguồn kinh phí và đây là di tích đã được xếp hạng nên phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

“Nhìn ngôi đình ngày càng xuống cấp, tôi và bà con trong làng rất xót. Gần 2 năm nay, chính quyền địa phương đã dừng mọi hoạt động diễn ra tại ngôi đình này. Với thực trạng xuống cấp trầm trọng như hiện nay và cơ quan chức năng không sớm có giải pháp tu sửa kịp thời thì nguy cơ ngôi đình cổ gần 400 năm sụp đổ sẽ chỉ là vấn đề thời gian” - ông Điệp lo lắng nói.

Theo ông Trịnh Hữu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Di tích đình Đông Môn nằm ở cửa Đông Thành nhà Hồ và là di tích phụ cận của Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; vốn là một điểm đến thu hút khách tham quan trên tuyến hành trình tham quan di sản Thành nhà Hồ. Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND xã Vĩnh Long chỉ đạo bộ phận chuyên môn khẩn trương xây dựng phương án cấp thiết để bảo vệ di tích, gia cố lại các viên ngói tụt có nguy cơ rơi vỡ trong khi chờ trùng tu tôn tạo và đặc biệt là trước mùa mưa bão.

Theo ông Trịnh Hữu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, vì đây là di tích do huyện quản lý nên Trung tâm Di sản Thành nhà Hồ chỉ có thể phối hợp và tham mưu cho địa phương về các phương án trùng tu. Nhưng khó nhất hiện nay vẫn là tìm nguồn vốn. Xã cũng đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện Vĩnh Lộc, đề nghị được hỗ trợ kinh phí để sữa chữa ngôi đình. “Còn các bước tiếp theo làm như thế nào thì phải chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Luật Di sản văn hóa” - ông Anh cho biết.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngoi-dinh-400-nam-tuoi-cho-sap-5714715.html