Ngọc Tưởng: 'Sợ mất vợ nên tôi phải cưới năm 22 tuổi'

Nam diễn viên chuyên vai ngố, khờ cho biết anh lấy vợ sớm, ngoài dự định. Bởi nếu không kết hôn ngay, vợ anh sẽ về Bình Định lấy chồng.

Ngay sau khi làm lễ tốt nghiệp khoa đạo diễn điện ảnh, Ngọc Tưởng tiếp tục đến trường quay phim truyền hình trong vai trò diễn viên. Anh hào hứng cho biết: "Tôi muốn đồng hành 2 con đường diễn viên và đạo diễn".

Không sợ bị đóng khung với vai khờ

- Thời gian học diễn viên và đạo diễn của anh kéo dài 10 năm. Vì sao anh lại dành thời gian học lâu như vậy thay vì chăm chỉ chạy show?

- Tôi đã dành 10 năm học đại học sân khấu, trong đó đại học đạo diễn điện ảnh 4 năm. Tôi nghĩ, nghề nghiệp của mình muốn phát triển thì phải đầu tư kiến thức rất nhiều.

Làm diễn viên thì bản thân chỉ làm tốt vai trò của mình. Đôi khi vai mình tốt nhưng có khi tổng thể phim không tốt, sẽ khiến mình tiếc nuối. Vì vậy, tôi muốn học để tạo nên một tác phẩm theo đúng ý của mình.

Ngọc Tưởng và Hoài Linh trong một chương trình. Ảnh: NVCC

- Nhưng dành thời gian học nhiều đồng nghĩa với việc bỏ lỡ nhiều cơ hội đóng phim, thu nhập giảm. Vợ anh có phàn nàn về điều này?

- Phải nói chọn con đường học tiếp thì tôi phải trả giá nhiều lắm. Trước đó, tôi tập trung đi show, thu nhập 8, xài 3 nhưng khi đi học thì thu nhập có 4 xài tới 10. Có thể nói có bao nhiêu tiền tiết kiệm trong quá trình đóng phim, tôi xài hết trong 4 năm học đại học.

Mỗi lần làm bài tập, thi, tôi phải làm chỉn chu nghiêm túc bởi mình là người làm lâu năm trong nghề, không thể làm xuề xòa, dễ dãi được. Riêng bài thi tốt nghiệp với độ dài 29 phút nhưng tôi đầu tư tới gần 200 triệu đồng.

Cũng may bà xã thấy định hướng của tôi tốt nên hoàn toàn ủng hộ, không cằn nhằn việc lấy tiền nhà đi hoài.

- Khán giả nhớ tới anh là nghĩ ngay đến những vai khờ, ngố. Bị đóng khung như thế, anh có cảm giác chán mỗi khi đọc kịch bản?

- Tôi không sợ chuyện mình bị đóng khung vào một dạng vai vì đóng nhiều vai khờ nhưng mỗi vai diễn tôi lại tạo cho nhân vật của mình màu sắc khác nhau. Hơn nữa, mỗi nhân vật có hoàn cảnh, gia đình, đời sống khác nhau nên mình không sợ trùng lắp. Có người làm kỹ sư, thầy giáo, mỗi người tôi lại có đặc thù riêng và tôi thường tạo cho họ những đặc điểm dễ nhận ra như người cầm khăn quấn cổ, cầm đập ruồi, cầm dầu hít mũi…

Làm diễn viên ai cũng muốn thử sức với nhiều dạng vai khác nhau nhưng nhà sản xuất lại muốn phim an toàn. Khi tôi đóng vai khờ đạt, họ chỉ muốn tôi đảm nhận dạng vai này, không cho tôi cơ hội thử thách.

Đây cũng là một trong những lý do tôi phải học đạo diễn. Khi học đạo diễn tôi thấy có những vai nhỏ, nếu mình thích thì vẫn đóng được. Tôi rất hâm mộ và muốn giống những người thầy của mình như đạo diễn Đào Bá Sơn, Công Ninh vì họ làm tác phẩm tốt và diễn cũng rất tốt.

Tôi hiền chứ không khờ

- Chuyên trị những vai khờ và ngố, ngoài đời anh là người thế nào?

- Ngoài đời, tôi hiền chứ không khờ. Nói đóng vai ngố nhưng phải tư duy nhiều đấy. Ngố làm sao để người ta thương, nhớ là điều không dễ dàng. Trước khi nhận vai diễn nào, tôi đều phải trăn trở, suy tính, tạo cho nhân vật những đặc điểm thú vị. Ví dụ, trong phim Kiều nữ và đại gia, tôi vào vai anh chàng si tình nên tôi gây ấn tượng với khán giả bằng cách cho nhân vật mê màu đỏ. Mỗi lần xuất hiện đều gắn với một vật màu đỏ.

Con gái đôi khi thắc mắc với mẹ: “Sao người ta nói ba đóng vai khùng khùng thôi hả mẹ?” Tuy nhiên, khi xem phim của tôi thì bé thích và khen ba đóng hay.

- Làm nghề diễn, lại là con trong gia đình khá giả, vì sao anh lại lấy vợ khi mới 22 tuổi?

- Ngay khi tốt nghiệp trường sân khấu tôi buộc phải cưới vợ ngay nếu không sẽ mất cô ấy. Cô ấy quê ở Bình Định, gia đình không muốn cô ấy ở lại Sài Gòn.

Chúng tôi yêu nhau từ năm 1, đến năm 2 bố phát hiện, cấm không cho cô ấy đi học nữa. Lúc đó, tôi đã đánh liều về quê vợ để xin phép bố mẹ. Mới 20 tuổi, chưa đi tàu lần nào, không biết ga Diêu Trì, không biết Bình Định thế nào nhưng tôi vẫn quyết tâm tới.

Bước xuống ga, bơ vơ không biết nhà vợ ở đâu, tôi bèn gọi cho một người bạn. Bạn ấy đưa tôi về nhà, sau đó lại liên lạc với vợ. Lúc này cô ấy phải nói thật với bố. Có lẽ hành động can đảm về Bình Định đã gây ấn tượng với bố vợ nên ông không căng thẳng tới tôi.

Ngọc Tưởng và vợ. Ảnh: NVCC

Sau đó, vào những ngày lễ tết, dù xa nhau, tôi vẫn tranh thủ đi tàu về Bình Định. Ngày Valentine, tôi ngồi 11 tiếng trên tàu từ Sài Gòn về Bình Định tặng 1 bông hoa cho cô ấy rồi đi về ngay.

Đến khi tốt nghiệp trường sân khấu, tôi đến xin bố vợ cho cưới. Khi bố sợ hai đứa lấy nhau khi chưa có việc làm, con gái sẽ khổ, tôi đành lấy điều kiện gia đình để thuyết phục bố mẹ vợ. Nhà tôi vốn có cơ sở kinh doanh ổn định nên nếu không làm nghề được thì về nhà làm với gia đình cũng không sợ bị đói. Nhờ vậy đã được bố mẹ vợ đồng ý.

- Môi trường diễn viên phức tạp, phải thường xuyên xa nhà, bên cạnh lại có nhiều đồng nghiệp nữ. Anh giữ hạnh phúc gia đình thế nào?

- Ban đầu, tôi đi đóng phim, vợ cũng ghen lắm chứ. Tôi phải thuyết phục dần. Hơn nữa, cô ấy cũng hiểu tính tôi nên an tâm phần nào. Để bù đắp những ngày tháng đi quay, tôi dành những ngày rảnh rỗi cho vợ con. Tôi đưa cả nhà đi chơi, đi ăn vào mỗi ngày cuối tuần. Mỗi năm đi chơi xa 2 ngày.

Bích Hằng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngoc-tuong-so-mat-vo-nen-toi-phai-cuoi-nam-22-tuoi-post674318.html