Ngoại trưởng Mỹ: Kế hoạch hậu chiến phải bao gồm con đường đưa tới Nhà nước Palestine

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi Israel hợp tác với những nhà lãnh đạo Palestine ôn hòa và các nước láng giềng Ảrập về kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến; khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp tái thiết và quản lý lãnh thổ này nhưng chỉ khi có một 'con đường dẫn tới thành lập một nhà nước Palestine'.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trong cuộc gặp ngày 9.1. Ảnh: Reuters

Mâu thuẫn về kịch bản thời hậu chiến

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Israel hôm 9.1, Ngoại trưởng Blinken nói rằng Israel “phải chấm dứt những hành động thể làm suy giảm khả năng tự quản lý hiệu quả của người Palestine”.

Ông nói thêm Israel “phải hợp tác với các nhà lãnh đạo Palestine, những người sẵn sàng lãnh đạo người dân của họ” và “chung sống hòa bình với Israel”. Ông lưu ý, tình hình bạo lực ở các cộng đồng định cư người Israel trong lãnh thổ Palestine, các chính sách nhằm mở rộng các khu định cư, phá hủy nhà cửa và trục xuất người Palestine… “tất cả chỉ khiến Israel khó đạt được hòa bình và an ninh lâu dài”.

Cho đến nay, Mỹ và Israel luôn đồng quan điểm về việc cần thiết phải tiến hành cuộc chiến chống Hamas nhưng lại mâu thuẫn sâu sắc về tương lai của Gaza, trong đó Washington và các đồng minh Ảrập hy vọng khôi phục tiến trình hòa bình đã bị đình trệ từ lâu giữa Israel và Palestine, một ý tưởng mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các đối tác trong liên minh cánh hữu của ông phản đối kịch liệt.

Các quan chức Mỹ cho rằng, cần phải để Chính quyền Palestine, hiện đang quản lý một phần Bờ Tây (nơi Israel chiếm đóng và thiết lập các khu định cư), nắm quyền kiểm soát Gaza. Các nhà lãnh đạo Israel đã bác bỏ ý tưởng đó nhưng chưa lại không đưa được ra một kế hoạch cụ thể nào thay thế ngoài việc tuyên bố rằng họ sẽ duy trì quyền kiểm soát quân sự không giới hạn đối với vùng lãnh thổ này.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Ảrập Xêút, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí bắt tay vào lập kế hoạch tái thiết và quản lý Gaza sau khi chiến tranh kết thúc. Quan chức của các nước này và Chính quyền Palestine sẽ gặp nhau trong tuần này tại thành phố Aqaba bên bờ Biển Đỏ phía nam Jordan.

Cuộc chiến sẽ kéo dài hết năm 2024

Hoa Kỳ, quốc gia đã hỗ trợ quân sự và ngoại giao quan trọng cho cuộc tấn công của Israel, đã thúc ép nước này chuyển sang các hoạt động chính xác hơn, tránh xa các mục tiêu dân sự. Nhưng tỷ lệ chết chóc và tàn phá hầu như vẫn không giảm bớt, với hàng trăm người thiệt mạng trong những ngày gần đây.

Quân đội Israel cho biết họ đã phá bỏ cơ sở hạ tầng của Hamas ở phía bắc Gaza - nơi toàn bộ khu vực lân cận đã bị phá hủy - nhưng vẫn đang chiến đấu với các nhóm nổi dậy nhỏ. Trọng tâm của cuộc tấn công đã chuyển sang thành phố Khan Younis phía nam và các trại tị nạn được xây dựng ở trung tâm Gaza.

Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội, cho biết: “Cuộc giao tranh sẽ tiếp tục kéo dài suốt năm 2024”.

Theo Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành, kể từ khi được phát động ở Gaza, cuộc tấn công của Israel khiến hơn 23.200 người Palestine thiệt mạng và hơn 58.000 người bị thương, bao gồm cả chiến binh và dân thường. Khoảng 2/3 số người chết là phụ nữ và trẻ em.

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng

Cuộc chiến ở Gaza vẫn đang diễn ra ác liệt, chưa có hồi kết và gây ra thảm họa nhân đạo ở vùng đất nhỏ bé ven biển này.

Gần 85% dân số 2,3 triệu người của Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh và 1/4 cư dân ở đây phải đối mặt với nạn đói, những người phải sống với lượng thực phẩm, nước uống, thuốc men ít ỏi.

Văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), cảnh báo rằng giao tranh đang cản trở nghiêm trọng hoạt động vận chuyển cứu trợ. Một số nhà kho, trung tâm phân phối, cơ sở y tế và nơi trú ẩn đã bị ảnh hưởng bởi lệnh sơ tán của quân đội Israel

Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở phía bắc Gaza, nơi gần như đã bị lực lượng Israel bao vây và cắt đứt mọi liên lạc với phần còn lại của lãnh thổ vào cuối tháng 10. Hàng chục ngàn người ở đó phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước uống.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thể cung cấp vật tư cho miền bắc trong hai tuần qua. OCHA cho biết quân đội Israel đã từ chối 5 đoàn xe viện trợ theo kế hoạch tới miền Bắc trong thời gian đó, bao gồm việc vận chuyển vật tư y tế và nhiên liệu cho các cơ sở cấp nước và vệ sinh.

Cuộc giao tranh cũng làm gia tăng bạo lực giữa Israel và các chiến binh Hezbollah ở Lebanon, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn, nhất là sau vụ ám sát một chỉ huy Hamas ở Beirut.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ngoai-truong-my-ke-hoach-hau-chien-phai-bao-gom-con-duong-dua-toi-nha-nuoc-palestine-i357191/