Ngoài TikTok, 'hệ sinh thái toàn năng' của ByteDance có gì

Ngoài TikTok, ByteDance còn nắm trong tay nhiều ứng dụng khác, trong đó có các tên tuổi khá phổ biến như CapCut hay Ulike.

Mới đây, Tiktok đã phải đối mặt với nguy cơ bị cấm toàn diện trên toàn lãnh thổ Mỹ do những lo ngại của chính phủ nước này về rủi ro bảo mật dữ liệu và an ninh quốc gia.

Dù đã trải qua một số phiên điều trần, những lời khai của CEO TikTok Shou Zi Chew vẫn chưa thể xoa dịu nỗi lo của các nhà lập pháp về ứng dụng xem video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance.

Vướng vào ảnh hưởng này, ông Zhang Yiming - nhà sáng lập của công ty mẹ TikTok - đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm tới 13 tỷ USD so với tháng 9/2022, thời điểm ByteDance còn trị giá 300 tỷ USD. Cùng lúc đó, yêu cầu thoái vốn khỏi Tiktok từ phía chính phủ Mỹ cũng làm nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng hoạt động của tập đoàn này.

Nhà sáng lập ByteDance chịu nhiều ảnh hưởng từ dự luật cấm TikTok tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, ByteDance thực tế có một hệ sinh thái ứng dụng "toàn năng" hơn nhiều người nghĩ khi TikTok không phải ứng dụng nổi tiếng duy nhất của kỳ lân này.

Công ty Trung Quốc này còn nắm trong tay nhiều phần mềm khác cũng khá phổ biến dù không vượt qua được cái bóng của TikTok, từ video game, chỉnh sửa ảnh, video, tổng hợp tin tức cho tới thực tế ảo.

Những bước đệm đầu tiên

Được biết, nền tảng đầu tiên của ByteDance được ra mắt vào năm 2012 và có tên Jinri Toutiao - một ứng dụng tổng hợp tin tức hàng ngày cho người dùng Trung Quốc bằng thuật toán AI.

Tuy nhiên, nền tảng này ngay lập tức gặp khó khăn vì các cáo buộc đạo văn, sao chép thông tin mà không trả phí cho nhà sản xuất. Dù sau đó Toutiao đã tuyên bố rằng họ chỉ hoạt động như một công cụ tìm kiếm mà không vi phạm bản quyền, lời giải thích này vẫn không thể thuyết phục được bất kỳ ai.

Hệ quả là nền tảng này buộc phải ký hợp đồng với các cơ quan truyền thông truyền thống và mời các nhà sản xuất nội dung mở tài khoản trên nền tảng để phát triển nội dung của họ.

Dù vậy, Toutiao vẫn là bước đệm chính để Bytedance phát triển thuật toán phân phối và sắp xếp nội dung phù hợp với người dùng - thuật toán cốt lõi mà sau này được áp dụng cho Tiktok.

Hiện tại, tổng số người dùng Toutiao đã chạm mốc 2,3 triệu với trung bình 600.000 nội dung được xuất bản mỗi ngày. Nền tảng liên kết Wei Toutiao - một công cụ phục vụ xây dựng cộng đồng - cũng có tới hơn 20 triệu tương tác mỗi ngày và gần 10.000 người nổi tiếng đang hoạt động.

Jinri Toutiao là bước đệm nghiên cứu để ByteDance cho ra đời TikTok. Ảnh: Getty Images.

Hướng tới định vị toàn cầu

Trong giai đoạn 2015-2018, ByteDance bắt đầu thực hiện kế hoạch bành trướng toàn cầu khi cho ra mắt TopBuzz - một nền tảng tương tự Toutiao - tại thị trường Mỹ vào năm 2015.

Đến tháng 9/2016, kỳ lân này chính thức ra mắt Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) để cạnh tranh trực tiếp với Kuaishou và giành thắng lợi khi đối thủ phải hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến nội dung.

Đầu năm 2017, công ty có trụ sở ở Bắc Kinh thâu tóm nền tảng tạo video Flipagram của Mỹ và cùng lúc cho ra mắt TikTok bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Trong năm này, Bytedance thậm chí đã chi gần 1 tỷ USD để mua lại startup chuyên tạo video hát nhép Musical.ly - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Tiktok tại Mỹ.

Hiện tại, dù ByteDance không công bố dữ liệu hoạt động hàng tháng của TikTok toàn cầu, các tổ chức chuyên nghiệp dự đoán rằng tổng số người dùng ứng dụng này đã vượt 1,5 tỷ vào cuối 2022.

Tuy nhiên, ứng dụng này hiện vướng phải nhiều khó khăn khi muốn áp dụng TikTok Shop để thương mại hóa, mà chủ yếu là bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng như chuỗi cung ứng và hậu cần ở nước ngoài. Ngoài ra, mặc dù không gặp phải những xáo trộn quy định mới trong năm qua, công ty này vẫn phải đối mặt với các vấn đề về bảo mật dữ liệu và định hướng nội dung ở Mỹ và có nguy cơ bị "xóa sổ".

Bên cạnh Tiktok và Toutiao, ByteDance còn sở hữu một ứng dụng chỉnh sửa video rất nổi tiếng là CapCut với khoảng 200 triệu người dùng. Ứng dụng này được phát triển tại Trung Quốc vào năm 2018 và phát hành ra quốc tế vào năm 2020, với mục tiêu chính là cung cấp các công cụ chỉnh sửa video hiện đại nhưng dễ sử dụng như bộ lọc thị giác, âm thanh, trộn ảnh và có liên kết với TikTok hay YouTube.

Mặc dù sự nổi tiếng của CapCut một phần nhờ vào TikTok nhưng điều giúp nó chiếm được cảm tình của nhiều người lại là nhờ những chức năng không phải trả phí. Kể cả khi đã phát hành phiên bản Pro với những tính năng độc quyền thì đa số người dùng vẫn hài lòng với CapCut phiên bản bình thường.

Ngoài ra, còn một số ứng dụng khác như Ulike (ứng dụng chỉnh sửa ảnh), Lark (nền tảng tích hợp các công cụ làm việc), Pico (công nghệ thực tế ảo tăng cường), mạng xã hội Helo, game Mobile Legends: Bang Bang... Dù chưa quá phổ biến nhưng với cơ hội được quảng cáo trên Tiktok, những ứng dụng này hoàn toàn có khả năng nổi tiếng hơn trong tương lai.

Hệ sinh thái đa dạng của ByteDance. Ảnh: Jeffrey Towson.

Theo thống kê từ trang 86insider của Trung Quốc, hệ thống ứng dụng của ByteDance hiện đã đạt tới con số 27 ở cả nội địa lẫn nước ngoài, và phục vụ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm mạng xã hội, tin tức, giáo dục, giải trí ảnh và video.

Đi cùng với đó, ByteDance hiện có hơn 150.000 nhân viên làm việc tại gần 120 thành phố trên toàn cầu, bao gồm Austin, Barcelona, Bắc Kinh, Berlin, Dubai, Dublin, Hong Kong, Jakarta, London, Los Angeles, New York, Paris, Seattle, Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến, Singapore và Tokyo.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoai-tiktok-he-sinh-thai-toan-nang-cua-bytedance-co-gi-post1417227.html