Ngoại hạng Anh: Qua rồi thời của các tiền đạo

Có tiền đạo giỏi là có thành công! Trước đây, số đông suy nghĩ như vậy. Chưa có, thì cố mua lấy một tiền đạo giỏi. Đã có, lại phải mua thêm người đá cặp tương xứng - nhất là trong cái thời kỳ mà sơ đồ quen thuộc 4-4-2 còn phổ biến.

Đội bóng nhỏ Blackburn bất ngờ vô địch Premier League 1995 nhờ có Vua phá lưới Alan Shearer trong đội hình. Leicester vô địch Premier League 2016 với Jamie Vardy thường xuyên dẫn đầu giải Vua phá lưới (rút cuộc Vardy chỉ thua 1 bàn so với Vua phá lưới mùa ấy). Còn khi Kevin Phillips là Vua phá lưới thì đội của anh - một Sunderland muôn đời chỉ lo trụ hạng - đứng tận vị trí số 7 mùa bóng 1999/2000 (cao nhất trong lịch sử tham dự Premier League của đội này).

Lần gần đây nhất M.U vô địch Premier League là năm 2013. Mùa ấy, M.U chiêu dụ được Robin van Persie. Kết quả: đội bóng lên ngôi, còn Van Persie là Vua phá lưới. Liverpool thì chưa bao giờ vô địch Premier League. Suốt 3 mùa gần đây, họ không có đại diện nào lọt được vào Top 10 chân sút hàng đầu của giải. Ngay trước đó, tức ở mùa bóng 2013/14, Liverpool có Luis Suarez là Vua phá lưới Premier League. Khác biệt? Đấy chính là mùa bóng mà Liverpool tiến được gần nhất đến ngôi vô địch: dẫn đầu khi giải chỉ còn 2 vòng!

Xin được lưu ý: chúng ta đang nói về bóng đá Anh. Ở Anh, khi bọn trẻ chơi bóng lần đầu tiên, đứa nào cũng muốn sắm vai tiền đạo. Chi tiết này thuộc về văn hóa bóng đá, về quan điểm thưởng thức bóng đá của dân Anh. Không nhiều thì ít, tầm quan trọng của tiền đạo trong cách xem bóng đá của dân Anh đã gây ảnh hưởng đến cách huấn luyện của giới cầm quân.

Trong nhiều trường hợp, người ta xây dựng lối chơi, chọn chiến thuật xoay quanh chân sút chủ lực. Tất nhiên, ai cũng biết rằng Premier League thật ra chẳng còn bao nhiêu HLV người Anh. Nhưng áp lực nặng nề luôn đến từ phía khán giả và giới cầm bút. Họ phán rằng hay, thì đấy là hay!

Câu chuyện bây giờ đã khác, mặc dù bề mặt có vẻ không khác. Còn lâu một HLV hãnh tiến như Pep Guardiola mới chịu cúi mình trước thứ bóng đá mà giới bình luận hoặc khán giả Anh muốn xem. Antonio Conte cũng vậy, nhất là khi ông đã kịp bỏ túi danh hiệu vô địch Premier League ngay trong mùa bóng ra mắt.

Conte thậm chí còn dám “bật” lại những cánh tay phải hoặc cánh tay trái đắc lực của ông chủ Roman Abramovich . Juergen Klopp được trải thảm đỏ mời đến Liverpool, hơn là đến để xin việc. Trớ trêu nhất có lẽ là trường hợp của Arsene Wenger. Thất bại đã quá rõ ràng. Giới hâm mộ phản đối khắp nơi, thậm chí ở những sự kiện chẳng liên quan gì đến bóng đá hoặc Arsenal. Thây kệ họ, Wenger vẫn luôn bình tĩnh!

Các nhà cầm quân nổi tiếng thế giới, với triết lý riêng không lẫn vào đâu được, mới là những ngôi sao quan trọng nhất ở Premier League bây giờ. Họ làm việc theo triết lý của mình. Tiền đạo chủ lực ư? Pep bảo Sergio Aguero phải lùi về phía sau, tham gia nhiều hơn vào các pha phối hợp - mặc kệ các nhà chuyên môn lừng danh phân tích trên báo rằng Aguero phải săn cơ hội ngay trong vùng cấm mới đúng sở trường. Tiền đạo chủ lực ư? Conte nhắn tin nói thẳng với Diego Costa rằng sẽ không dùng anh nữa - mặc kệ thiên hạ bình phẩm rằng Conte đã “vượt quyền”.

Chưa bao giờ bóng đá Anh bị giới cầm quân bên ngoài chi phối nặng nề như thời điểm này. Hệ quả là chưa bao giờ vị trí tiền đạo, một thời là “bất khả xâm phạm” ở các đội bóng lớn, lung lay như lúc này. Các đội tấp nập tìm mua hoặc muốn bán tiền đạo, sao cho đúng với triết lý của HLV. Bây giờ, tiền đạo ở Premier League phải chơi theo yêu cầu của HLV, chứ không phải đội bóng xây dựng lối chơi quanh tiền đạo nữa.

Kinh Thi

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/tin-tuc/anh/ngoai-hang-anh/ngoai-hang-anh-qua-roi-thoi-cua-cac-tien-dao-1904001706.html