Ngoại giao kinh tế: Trái ngọt của nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Italy

Ngày 28/3, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng và Phó Chủ tịch Liên đoàn giới chủ - dịch vụ (Confidustria) Antonio Braia đã đồng chủ trì cuộc gặp đại diện doanh nghiệp và nhà đầu tư hai vùng Puglia và Basilicata, nhằm xây dựng lộ trình thiết lập các mối quan hệ bền chặt với mục tiêu cùng hợp tác, cùng phát triển giữa các địa phương Việt Nam - Italy.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp và nhà đầu tư hai vùng Puglia và Basilicata. Ảnh: Dương Hoa/TTXVN

Tham dự cuộc gặp có Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Dương Phương Thảo, Chủ tịch Quỹ Italy - Việt Nam Maily Anna Nguyen, cùng hơn 20 doanh nghiệp đại diện của hai vùng Puglia và Basilicata mong muốn phát triển hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Dương Hải Hưng đã hoan nghênh sự có mặt của các doanh nghiệp quan tâm đến Việt Nam, đồng thời cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Đại sứ Dương Hải Hưng giới thiệu chiến lược của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…); tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.

Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, cùng góp phần vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Italy, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.

Về phần mình, ông Antonio Braia chia sẻ ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và những nét tương đồng về văn hóa, xã hội, những giá trị về truyền thống, gia đình, nhân văn giữa hai bên; khẳng định đó cũng là mục đích, tôn chỉ hoạt động của Câu lạc bộ Rotary. Ông nhấn mạnh rằng sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại cuộc gặp là minh chứng cho sự quan tâm của các doanh nghiệp Italy đối với việc hợp tác kinh doanh với Việt Nam, cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Italy về vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hai nước và đề nghị hỗ trợ kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp của hai vùng thăm Việt Nam trong tháng 11 tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Braia cho biết: “Cuộc gặp này là cơ hội tiếp tục hành trình gặp gỡ, tìm hiểu giữa hai vùng Puglia và Basilicata của Italy và Việt Nam. Từ vài tháng trước, chúng ta bắt đầu tìm hiểu về nhau để giới thiệu những điểm đặc sắc trong sản xuất của các vùng Puglia và Basilicata. Các đại biểu doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có đại diện của nhiều doanh nghiệp sản xuất, thuộc lĩnh vực thực phẩm, ô tô, xây dựng, dịch vụ, giáo dục, đại học, đã bày tỏ những niềm mong đợi của các doanh nghiệp miền Nam theo cách có thể bắt đầu một lộ trình đúng đắn và cụ thể để trao đổi, tìm hiểu, trải nghiệm, đồng thời mang những bí quyết, công nghệ của Italy đến Việt Nam, cũng như tiếp thu những thực tiễn quan trọng của Việt Nam để đem về hai vùng. Trong tương lai, sẽ có sự tiếp nối, kể cả với các chủ tịch vùng kế nhiệm sau các cuộc bầu cử địa phương, về khả năng duy trì mối quan hệ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và các vùng Basilicata và Puglia. Một động lực mới còn được củng cố nhân dịp các đoàn đại biểu doanh nghiệp của hai vùng đến Việt Nam tham dự hội chợ quan trọng về hàng nông sản vào tháng 11 tới, với các gian trưng bày về thế giới ảo, mỹ phẩm, dịch vụ giáo dục đào tạo để giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam".

Trong phần trao đổi hỏi đáp, các doanh nghiệp tham dự đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực: nông nghiệp, phân phối thực phẩm (đặc biệt là rượu vang, dầu oliu, mỳ pasta, ngũ cốc, hoa quả sấy), chế tạo máy, ô tô, cũng như hợp tác về giáo dục, trao đổi văn hóa.

Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có chung mối quan tâm và tìm hiểu về quy trình chính sách nhập khẩu cũng như các kênh phân phối sản phẩm tại Việt Nam, đồng thời tìm kiếm các sản phẩm và công nghệ mà Việt Nam có thể xuất khẩu sang Italy, mở ra khả năng hợp tác hai chiều, chứ không chỉ quan tâm đến việc bán hàng hóa, dịch vụ cho các đối tác Việt Nam.

Bà Elisabetta Papagni - Chủ tịch Quỹ Aldo Ciccolini ETS, thành phố Bari, vùng Puglia - bày tỏ ấn tượng về chuyến thăm Việt Nam năm 2020, những nét tương đồng về cấu trúc ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng; nhấn mạnh tính truyền thống trong khai thác và chế biến các sản phẩm nông nghiệp và ẩm thực của Việt Nam; cho rằng Italy với công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định khắt khe về xuất khẩu sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà nói: “Đối với các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản Puglia và Basilicata, cuộc gặp gỡ này là sự kiện rất quan trọng. Tôi đại diện cho một doanh nghiệp về dầu oliu tinh khiết, một lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế của vùng Puglia, cũng là nhà sản xuất hàng đầu ở Italy và châu Âu về dầu oliu, từ lâu nổi tiếng trên thế giới với sản phẩm dầu Extra Vergine, rất chất lượng. Có mặt tại đây còn có các doanh nghiệp rượu vang với những vùng đất là nơi xuất xứ của những loại nho và nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng. Chúng tôi rất quan tâm đến khả năng tăng cường giá trị trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp hai vùng chúng tôi với Việt Nam”.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, các chuyến thăm địa phương của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng thúc đẩy những hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tại cuộc gặp, ông Francesco Mariano Mariano - Chủ tịch Rotary thành phố Lecce, vùng Puglia - cho biết Đại học Salento mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hợp tác với Việt Nam trong đó có việc trao đổi đoàn và các chương trình trao đổi, hợp tác về giáo dục, trong đó có việc chuẩn bị đón các sinh viên Việt Nam sang học tập ngay trong những tháng tới.

Đây là kết quả cụ thể của những hoạt động ngoại giao kinh tế tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy trong thời gian qua, tập trung khai phá những tiềm năng hợp tác với miền Nam Italy, phù hợp chính sách hướng Nam của Chính phủ Italy. Đại sứ quán Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp tương tự với các doanh nghiệp tại nhiều vùng ở Italy.

Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngoai-giao-kinh-te-trai-ngot-cua-no-luc-thuc-day-hop-tac-giua-cac-dia-phuong-viet-nam-italy-20240329203917237.htm