Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển còn nhiều dư địa

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/3, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, kết quả mở rộng cấp visa - miễn thị thực, giải pháp nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 18/3 - Ảnh: Quochoi.vn

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm

Quan tâm tới giải pháp nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) cho rằng, hiện nay ngoại giao về kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để hỗ trợ cho các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung trong phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của đất nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp trong thời gian tới để nâng cao chất lượng của ngoại giao kinh tế?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo 3 hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) chất vấn trực tuyến

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ. Đồng thời là tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các Đại sứ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư khu vực Trung Đông tiềm năng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) chất vấn

Mở rộng cấp visa để thúc đẩy phát triển du lịch

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan tâm tới vấn đề mở rộng cấp visa, miễn thị thực, giải pháp ngoại giao để miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng mở rộng, bên cạnh việc đã mở rộng cấp visa điện tử chúng ta cũng đã miễn thị thực cho 28 nước. Như vậy, có 15 nước được miễn song phương và 13 nước được miễn đơn phương.

Trong khi đó, so với các nước trong khu vực có chiến lược thu hút khách du lịch tương đương với Việt Nam thì họ lại mở rộng các diện được miễn cấp visa sẽ là sự cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, phát triển du lịch là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, trong đó thị thực là một trong những khâu quan trọng để đẩy nhanh hợp tác Việt Nam với các quốc gia. Việt Nam cũng đã gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam; tiến hành cấp visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh.

Bộ Ngoại giao đang tổng kết thí điểm 13 nước thực hiện miễn thị thực, từ đó tham mưu Chính phủ có nên tiếp tục mở rộng thực hiện miễn thị thực hay không, và miễn thị thực đối với thị trường nào.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn, chiều 18/3

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao câu hỏi về tầm quan trọng của quy hoạch các cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa. Trong gian đoạn mới, nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu... là nhiệm vụ rất quan trọng không phải chỉ của các cơ quan Trung ương và của các địa phương.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh...

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-con-nhieu-du-dia.html