Ngô Tất Tố, nhà văn đứng về phía ánh sáng của lương tri

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Ngô Tất Tố để lại giá trị sâu sắc trong lòng bạn đọc, ông đã đứng về phía ánh sáng của lương tri và chống lại bóng tối.

Ngày 20/4, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (20/4/1893 - 20/4/2023).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời, ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến. Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, lễ kỷ niệm là dịp để tất cả những người yêu mến nhà văn Ngô Tất Tố cùng ôn lại sự nghiệp văn chương nhiều dấu ấn của ông.

“Chúng ta luôn nhớ về một nhà văn lớn, những tác phẩm của Ngô Tất Tố để lại giá trị sâu sắc trong lòng bạn đọc. Ở đó, ông đã đứng về phía ánh sáng của lương tri để chống lại bóng tối như trong tác phẩm Tắt đèn, Lều chõng. Ông chính là một ví dụ xuất sắc trong sự sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực phê phán xã hội. Điều này cho đến bây giờ vẫn cần thiết trong những trang viết của các nhà văn khác”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Con gái nhà văn Ngô Tất Tố - bà Ngô Thị Thanh Lịch tại lễ kỷ niệm.

GS Hà Minh Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhìn nhận: “Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại, ông quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội'.

Nghề báo cũng là lĩnh vực thể hiện tài năng của Ngô Tất Tố. Theo nhận xét của nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Ngô Tất Tố là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho. Trong tác phẩm báo chí của mình, Ngô Tất Tố giúp người đọc hình dung rõ đời sống xã hội phong kiến, thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát".

Cuốn sách Cẩm Hương đình do nhà văn Ngô Tất Tố dịch.

Trong khi đó, GS Phong Lê nhìn nhận, gần như số đông các nhà viết văn tại Việt Nam - ai cũng có vốn hiểu biết, vốn sống, vốn chia sẻ, cảm thông với người nông dân nhưng có lẽ chưa ai đạt đến độ của Ngô Tất Tố.

"Hiểu và thương yêu đến trân trọng. Hiểu và lo lắng đến đau đớn, hiểu với bao khổ sở và thất vọng như trong Việc làng”, Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh.

Cũng trong dịp này, con gái nhà văn Ngô Tất Tố - bà Ngô Thị Thanh Lịch chia sẻ những kỷ niệm về người cha đã khuất.

“Một trong những việc làm của bố khiến tôi rất nhớ, đó là ông đã tha thứ cho một người ở làng ăn trộm ngô của nhà. Hôm đó, dân làng muốn phạt kẻ trộm bằng đòn roi nhưng ông thông cảm, cho rằng vì hoàn cảnh đói kém, đến đường cùng họ mới phải làm vậy mà tha lỗi”.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngo-tat-to-nha-van-dung-ve-phia-anh-sang-cua-luong-tri-2134835.html