Ngộ độc rượu tăng đột biến dịp cận Tết Đinh Dậu 2017

Ngộ độc rượu được coi là bệnh của cuối mùa đông, nhất là dịp trước và sau Tết khi nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các cuộc vui nhậu, tiệc tùng cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Từ Tết dương lịch đến nay, số ngộ độc rượu tăng đột biến so với các thời điểm trước. Ngày nào cũng có 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện”

Tử vong do ngộ độc rượu cồn công nghiệp

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai), mỗi mùa có một loại ngộ độc đặc thù. Năm nào cũng thế, ngộ độc rượu cấp tính sẽ tăng nhiều vào dịp trước và sau Tết. Thời gian này cũng có ngộ độc thực phẩm cấp tính nhưng không nhiều như ngộ độc rượu.

Càng gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc rượu, có cả rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê sâu, người tím tái.

Tính nhanh trong 5 ngày, ở Trung tâm Chống độc đã có 4 trường hợp tử vong vì ngộ độc quá trầm trọng, trong đó có 3 người ngộ độc vì lượng cồn công nghiệp methanol trong máu cao hơn 120 mg/dL, trong khi đó, ở ngưỡng 20mg/dL trong máu, methanol đã có khả năng gây độc, đe dọa tổn thương thần kinh ở người.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, cả 4 người bị ngộ độc đều là nam giới trong độ tuổi 40 – 50 và uống rượu tại cùng một khu vực. Họ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương não, tổn thương thận...

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu cồn methanol

Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao. Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoải ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như: tổn thương não, gây sốc tụt huyết áp, suy thận, mất trí nhớ...

Bác sĩ Nguyên cho biết, suy luận từ thực tế, nguồn methanol chủ yếu hiện nay là từ sản xuất công nghiệp. “Một số ít quá trình nấu, chưng cất rượu thủ công như rượu hoa quả, ngũ cốc có sản sinh ra một lượng methanol nhưng không đáng kể, không bao giờ gây ngộ độc. Sử dụng methanol từ công nghiệp là nguy hiểm nhất” – bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyên: “Trong vài năm trở lại đây, ngộ độc methanol có xu hướng tăng. Số lượng thực tế không nắm rõ được vì nhiều trường hợp nó “ẩn” dưới những bệnh khác, gây nhầm lẫn trong chẩn bệnh và khi phát hiện thì đã để lại hậu quả nặng nề”.

Rượu thực phẩm cũng gây chết người

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai)

Có 2 kiểu ngộ độc rượu là ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol và rượu thực phẩm ethanol (rượu chưng cất thủ công). Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, kích thích la hét, vật vã hoặc hạ đường huyết dẫn đến tổn thương não vì uống rượu ethanol.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, cồn ethanol trong rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất gây độc cho cơ thể là acetaldehyde. Nếu uống lượng nhỏ là 1 đơn vị cồn (tương đương 1 ly rượu nhỏ hoặc 1 cốc bia hơi mỗi giờ) thì cơ thể có thể dung nạp hết. Vượt ngưỡng này, chất độc sẽ tích tụ trong gan và gây độc cho cơ thể.

Uống rượu không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gia tăng số vụ tai nạn giao thông, bạo lực, tự tử... Theo giải thích của bác sĩ Nguyên: “Về mặt dược lý, rượu là loại thuốc ngủ đúng nghĩa. Uống thuốc ngủ mà ra đường là không hợp lý rồi. Về tác dụng cụ thể trên người, khi nồng độ rượu trong máu cao hơn 50mmg/dL sẽ làm con người giảm khả năng phán xét, nhận định tình hình, điều khiển hành vi”.

Lạm dụng dẫn tới nghiện rượu sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người. Theo bác sĩ Nguyên ngộ độc rượu thực phẩm ở thể nhẹ khiến con người không tỉnh táo, kích thích vật vã nhiều hoặc nôn, mửa (người ta thường gọi là say rượu). Nặng hơn, ngộ độc rượu gây hạ đường huyết, tổn thương não, hôn mê kéo dài, di chứng, biến chứng khác như hạ thân nhiệt, mất các chất điện giải trong máu, mất nước, rối loạn trong máu, tổn thương cơ, suy thận, xơ gan rượu, các biến chứng của xơ gan, suy hô hấp, viêm phổi... thậm chí tử vong.

Trong những năm gần đây đối tượng uống rượu mở rộng về lứa tuổi, không chỉ trung niên mà còn có sinh viên, học sinh, người già cũng có nhưng ít hơn. Những người trẻ tuổi (đặc biệt là vị thành niên), người gầy yếu, uống nhiều gặp nguy cơ hạ đường huyết và những biến chứng khác cao hơn do rượu vì sức khỏe yếu.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo: “Mọi người nên hạn chế uống rượu, tốt nhất là đừng uống vì rượu gây nhiều tác hại, không có lợi cho sức khỏe. Số ít nghiên cứu chỉ ra, ngày uống 2 ly rượu vang giúp giảm tỷ lệ bệnh mạch vành, nhưng rượu phần lớn là có hại. Trong chuyên ngành ngộ độc, rượu ethanol là một trong những chất có danh sách số lượng các bệnh gây trên người nhiều nhất, từ người trẻ đến già, bà mẹ, trẻ em đến thai nhi”. Rượu, bia, chất kích thích chứa cồn là nguyên nhân gây ra ít nhất 30 bệnh ung thư và gia tăng nguy cơ ung thư.

Ở những hoàn cảnh bắt buộc phải uống thì cũng nên biết điểm dừng, uống có chừng mực. Theo bác sĩ Nguyên, căn cứ vào thể trọng trung bình của người Việt Nam, lượng rượu khuyến cáo tối đa trong ngày với nam giới không quá 50cc rượu 39 – 40 độ, bia 5% thì không quá 400ml (tương đương 1 chai bia Hà Nội). Còn nữ giới chỉ được uống một nửa so với nam giới. Đây là giới hạn để rượu bia không gây hại cho cơ thể.

Say rượu là ngộ độc rượu

Bác sĩ Nguyên khẳng định, say rượu là ngộ độc rượu vì nó gây tác dụng có hại với cơ thể. Ban đầu, rượu kích thích lên vỏ não khiến người uống hưng phấn hơn bình thường, nói nhiều, cảm giác dễ bày tỏ, thân thiện hơn. “Nếu dừng ở mức độ đó thì chấp nhận được. Nhưng trong các cuộc nhậu, người ta dễ uống quá liều, có thể không được tỉnh táo, mất thăng bằng... khi đó rượu là chất độc. Thực tế người sử dụng rượu bia có xu hướng lạm dụng dẫn tới khó kiểm soát” – bác sĩ Nguyên nói.

Bác sĩ cũng nói thêm, xã hội đang chấp nhận một chất không có lợi cho sức khỏe mà hầu hết là có hại. Trong dân gian thường nói rượu thuốc, nhưng phải hiểu rượu không được sử dụng như thuốc chữa bệnh. Bác sĩ Nguyên cho rằng, rượu chỉ là dung môi để pha chế, giúp thảo dược tiết ra các chất có tác dụng điều trị một số bệnh, khi đó nồng độ rượu cũng bị pha loãng chứ “về mặt sức khỏe, rượu không bao giờ có lợi”.

Không có thuốc chống ngộ độc rượu

Rượu bia đều có khả năng gây ngộ độc

Để đối phó và giảm thiểu những tác hại của rượu lên cơ thể, nhiều người tìm đến thuốc chống say rượu hay thuốc giải rượu. Nhưng theo ThS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, không có thuốc nào thay đổi hẳn tác dụng đang có của ethanol trên cơ thể.

Bác sĩ nói: “Thực ra, trong ngành y chống độc, không có thuốc giải độc rượu ethanol nào được chứng minh có tác dụng, hiệu quả rõ ràng. Những loại thuốc được quảng cáo là giải rượu chỉ hỗ trợ một phần, bù lại vitamin và các chất muối, điện giải chứ không thực sự thay đổi trạng thái của người bị ngộ độc rượu từ hôn mê sang tỉnh trở lại. Không nên mất công cố đi tìm thuốc giải rượu vì nó không có tác dụng thực sự”.

Người ta thường bảo nhau một số cách chống say rượu là uống sữa, ăn bánh mỳ hoặc ăn đồ có dầu mỡ, uống thuốc bọc niêm mạc dạ dày. Theo giải thích của bác sĩ, những cách này chỉ làm chậm hấp thu của rượu vào cơ thể, làm chậm thời gian tác động của rượu, có nghĩa những ai thể trạng yếu vẫn có thể say và ngộ độc nếu uống quá liều.

Làm gì khi người nhà bị ngộ độc rượu?

Nếu sau khi sử dụng rượu bia, người nhà vẫn tỉnh táo, nói năng lưu loát, rõ ràng, hoạt động được thì càng tốt. Lúc này nếu người vừa uống rượu còn có thể ăn uống thì nên dùng các đồ ăn có dinh dưỡng, chất đường và tinh bột như mật ong, sữa ngọt, bún, phở, cháo, nước canh... hoặc oresol để bù nước, chất điện giải.

Trường hợp uống rượu xong thì nói ú ớ, không rõ, hoặc gọi không biết, thở yếu, chậm, khò khè, người tím tái, da chân tay lạnh... thì nguy hiểm, cần sơ cứu tại chỗ theo điều kiện mình có và gọi cấp cứu 115. “Với những bệnh nhân không tỉnh táo, có xu hướng nói không rõ ràng, không thành câu thì phải cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất là nghiêng sang bên phải theo chiều dạ dày để hạn chế những chất có trong dạ dày chảy ra ngoài. Đó là tư thế nằm nghiêng an toàn. Đồng thời, để cổ bệnh nhân ngửa lên, không được gập cổ để việc hít thở dễ dàng hơn” – bác sĩ Nguyên cho biết.

Trong cả 2 trường hợp trên thì bệnh nhân cần được ủ ấm, tránh gió đặc biệt khi trời rét vì dễ hạ thân nhiệt.

Một số sai lầm trong giải rượu là uống nước chanh, nước quả chua, cố gây nôn cho người vừa dùng bia rượu. Bác sĩ Nguyên lý giải, nước chanh hay đồ uống chua dễ kích ứng gây nôn và ảnh hưởng không tốt tới dạ dày vì chứa axit. Bản thân rượu đã có thể gây các bệnh về dạ dày. “Tuyệt đối không cố gây nôn cho bệnh nhân. Không phải loại ngộ độc nào hoặc ai bị ngộ độc cũng nôn. Nếu có ép gây nôn cho bệnh nhân, đặc biệt khi người bệnh không tỉnh táo sẽ rất nguy hiểm vì chất nôn có thể chui vào phổi, gây sặc phổi” – bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/ngo-doc-ruou-tang-dot-bien-dip-can-tet-dinh-dau-2017