Nghiên cứu khoa học là nền tảng cơ bản để bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại hạng

Những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác quốc tế, là nền tảng cơ bản để bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại hạng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây cũng là căn cứ để BQL Vườn phấn đấu đưa VQG Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản đầu tiên đạt 4/4 tiêu chí về Di sản thiên nhiên thế giới, hoàn thiện các nội dung hồ sơ danh lục xanh (GREEN LIST) của Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN).

Với nhận thức nghiên cứu khoa học là nền tảng cơ bản để bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại hạng, BQL Vườn đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo các lĩnh vực như đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, địa chất - hang động, các tác động lên tài nguyên.

Nghiên cứu khoa học là nền tảng cơ bản để bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại hạng.

Kết quả 20 năm qua, BQL Vườn đã chủ trì và tham gia, phối hợp thực hiện 12 đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp bộ; phối hợp thực hiện 02 đề tài cấp nhà nước; thực hiện 10 nghiên cứu cấp cơ sở; chủ trì và phối hợp xuất bản 05 ấn phẩm sách; khoảng 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; gần 20 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc và quốc tế.

Ngoài ra, BQL Vườn đã xây dựng và hoàn thiện các lớp chuyên đề bản đồ số như thảm thực vật, động vật, thủy văn, văn hóa - xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt, mưa, địa chất, địa hình; xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên; theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp; tích cực hợp tác với các đơn vị nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch; nghiên cứu, điều tra về hang động, đa dạng sinh học, điều tra xã hội học, thu thập số liệu ô định vị sinh thái rừng quốc gia và hợp tác điều tra, khám phá hang động. Đối với các di tích lịch sử, văn hóa, BQL Vườn đã tổ chức quản lý, bảo tồn tốt các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, đồng thời không ngừng nghiên cứu, sưu tập tài liệu các di tích lịch sử trên địa bàn VQG.

Việc khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực.

Kết quả 20 năm, đã khảo sát, phát hiện mới 425 hang động thuộc 7 khu vực/hệ thống (Phong Nha, Nước Moọc, Vòm, Cha Lo, Tú Làn, Quảng Ninh, Lâm Hóa). Trong đó có 389 hang động đã được đo vẽ với tổng chiều dài 243km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng trên khắp thế giới. Về đa dạng sinh học, BQL Vườn đã tổ chức điều tra và công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành (Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 01 loài có tên trong các phụ lục CITES, 03 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP), phát hiện thêm 5 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra và công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn và là cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ và phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Voọc gáy trắng – loài linh trưởng đặc hữu ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Về công tác cứu hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, ngay từ những năm đầu được thành lập, BQL Vườn đã rất chú trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đã xây dựng các Khu cứu hộ, Khu tái thả động vật hoang dã, Vườn thực vật và Vườn ươm cây giống bản địa để cứu hộ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm của VQG. BQL Vườn đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học để triển khai thực hiện như Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; Phương án Bảo tồn một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2016 – 2020; Phương án quản lý, bảo vệ quần thể Bách xanh đá tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng… Các chương trình, kế hoạch này là định hướng, đồng thời cũng là nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo lộ trình để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; bên cạnh đó, BQL Vườn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là cẩm nang cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình.

Sau 20 năm, qua công tác khảo sát, đã phát hiện mới 425 hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Kết quả, trong 20 năm qua, BQL Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã, 1.575 kg phong lan, đã thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể; hiện đang nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã các loài, trong đó có 7 cá thể Hổ Đông Dương, tỷ lệ cứu hộ thành công bình quân đạt 85%. Về bảo tồn sinh vật: đã tiến hành sản xuất được trên 91.000 cây giống lâm nghiệp thuộc 124 loài; trồng bổ sung trên 11.175 cây rừng để bảo tồn nguồn gen và tạo cảnh quan tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Nổi bật trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài Bách xanh đá (Calocedrus rupestris Aver.) 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000 ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 600m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn.

Thu Hà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-nen-tang-co-ban-de-bao-ton-cac-gia-tri-ngoai-hang-a614529.html