Nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới về thi đua, khen thưởng

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới về thi đua, khen thưởng trong khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội".

(ĐCSVN) - Ngày 14/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu, đề xuất những nội dung đổi mới về thi đua, khen thưởng trong khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội".

Các đồng chí: Nguyễn Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương chủ trì hội nghị.

Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: TH

Hội thảo tập trung làm rõ vị trí, vai trò, thực trạng của công tác thi đua khen thưởng để kiến nghị, đề xuất những nội dung đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần xây dựng Đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng trình Bộ Chính trị, tiến tới đề xuất sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về công tác thi đua, công tác khen thưởng, về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng… Hầu hết các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng trong khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là việc hết sức cần thiết để góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước để trở thành động lực cách mạng to lớn, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước… Cùng với đó là những yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng bằng cách kịp thời khen thưởng tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng sát với thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật Nhà nước về thi đua, khen thưởng; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới CNH-HĐH…

Theo các đại biểu, hiện giờ phong trào thi đua còn mang nặng tính hình thức có phát mà không có động, hoặc "đầu voi đuôi chuột", hoặc tiêu chí, tiêu chuẩn quá cao dẫn đến hiệu quả không đạt, đồng thời khiến quần chúng, nhân dân không coi trọng. Nhiều phong trào thi đua còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, còn hiện tượng chồng chéo lên nhau, nhất là trong triển khai cuộc vận động đóng góp nhân dân cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Một số hình thức tổ chức phong trào có biểu hiện đi theo lối mòn, rập khuôn, thiếu tính sáng tạo. Một số phong trào thi đua tốt nhưng lại chưa thật sự quan tâm đến công tác, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển phong trào mạnh hơn….

Về công tác khen thưởng, các đại biểu cho rằng, khen thưởng còn mang tính cào bằng, tuần tự, từ thấp đến cao, chưa có sự đột phá trong khâu tổ chức khen thưởng để đảm bảo "thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó". Còn hành chính hóa, bệnh thành tích trong khen thưởng, căn cứ chủ yếu vào thành tích đưa lên mà không tổ chức kiểm tra, giám sát, xác minh để đảm bảo khen "đúng người, đúng việc". Công tác động viên khen thưởng chưa được đổi mới, hình thức khen thưởng và chính sách khen thưởng chưa có sự thống nhất, có nơi Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được tặng Cờ và Bằng khen có nơi thì chỉ được tặng Giấy khen và mức tiền thưởng kèm theo, có nơi thực hiện theo Nghị định Chính phủ, có nơi thực hiện ít hơn và không có tiền thưởng kèm theo…

Các đại biểu kiến nghị phải đa dạng công tác thi đua khen thưởng, trong đó công tác khen thưởng phải chặt chẽ và có quy định cụ thể trong luật. Cần suy tôn từ cộng đồng và phải có thẩm định, chú trọng khen thưởng những người trực tiếp sản xuất là công nhân, nông dân. Đồng thời cần thấy đặc thù của công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác thi đua, khen thưởng…/.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490245&co_id=30081