Nghiên cứu: Chi tiêu vũ khí hạt nhân phình to khi căng thẳng toàn cầu gia tăng

Các cường quốc hạt nhân trên thế giới đã tăng cường đầu tư vào kho vũ khí của họ trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, theo hai báo cáo được công bố vào hôm thứ Hai (12/6).

Chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi 82,9 tỷ USD cho kho vũ khí của họ vào năm ngoái, trong đó Mỹ chiếm hơn một nửa số đó, theo một báo cáo mới từ cơ quan Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN).

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094A của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ảnh: Reuters

82,9 tỷ USD chi cho vũ khí hạt nhân

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố một báo cáo cho thấy tổng số đầu đạn hạt nhân mà Vương quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Nga và Mỹ sở hữu đã giảm xuống còn 12.512 ngay vào đầu năm nay, từ mức 12.710 vào đầu năm 2022.

Tuy nhiên, SIPRI lại cho biết 9.576 quả đang nằm trong "kho dự trữ quân sự để sẵn sàng sử dụng" - nhiều hơn 86 quả so với một năm trước đó. Giám đốc SIPRI Dan Smith nói: “Chúng ta đang tiến gần đến, hoặc có thể đã đạt đến điểm kết thúc của một thời kỳ dài số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới suy giảm".

Phần lớn sự gia tăng là ở Trung Quốc, nước đã tăng kho dự trữ từ 350 lên 410 đầu đạn. Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên cũng tăng kho dự trữ và Nga tăng ở mức độ nhỏ hơn, từ 4.477 lên 4.489, trong khi các cường quốc hạt nhân còn lại duy trì quy mô kho vũ khí của họ.

Nga và Mỹ cùng nhau sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân. Ông Smith nói: “Bức tranh toàn cảnh là chúng ta đã có hơn 30 năm số lượng đầu đạn hạt nhân giảm xuống và chúng ta thấy quá trình đó sắp kết thúc".

Chi tiêu cao hơn được báo cáo bởi ICAN dường như đã chứng minh điều đó. Tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017 này nhận thấy rằng chi tiêu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 3% kể từ năm 2021, đánh dấu mức tăng hàng năm thứ ba liên tiếp.

82,9 tỷ USD đã chi ra cho vũ khí hạt nhân tương đương khoảng 157.664 USD Mỹ cho mỗi phút trong năm 2022, ICAN cho biết trong báo cáo có tên "Lãng phí: Chi tiêu vũ khí hạt nhân toàn cầu năm 2022".

Báo cáo cho thấy Mỹ đã chi 43,7 tỷ USD, ít hơn một năm trước đó nhưng vẫn vượt xa tất cả các quốc gia khác. Tiếp theo là Trung Quốc với 11,7 tỷ USD chi tiêu, xếp sau là Nga với 9,6 tỷ USD - cả hai đều đánh dấu mức tăng khoảng 6% từ năm 2021.

Trong khi đó, Ấn Độ cho thấy mức tăng chi tiêu mạnh mẽ nhất, đạt 2,7 tỷ USD - cao hơn 21,8% so với một năm trước đó - trong khi Vương quốc Anh tăng mức chi tiêu thêm 11% lên 6,8 tỷ USD.

Báo cáo cũng nhấn mạnh cách các công ty vũ khí liên quan đến sản xuất vũ khí hạt nhân đã nhận được các hợp đồng mới trị giá gần 16 tỷ USD Mỹ vào năm ngoái, và lần lượt chi 113 triệu USD Mỹ cho các chính phủ để vận động hành lang chỉ riêng ở Mỹ và Pháp.

Trên toàn cầu, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có hợp đồng với các công ty sản xuất vũ khí hạt nhân trị giá ít nhất 278,6 tỷ USD, một số trường hợp kéo dài đến năm 2040, theo báo cáo cho biết.

Thất bại ngoại giao

Các nhà nghiên cứu tại SIPRI cũng lưu ý rằng các nỗ lực ngoại giao về kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân đã bị thất bại sau cuộc chiến giữa Nga và Mỹ vào tháng 2 năm ngoái.

Chẳng hạn, Nga đã đình chỉ tham gia New START, một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh giới hạn các đầu đạn và cho phép cả hai bên xác minh.

Đồng thời, Smith cho biết sự gia tăng kho dự trữ không thể được giải thích bởi cuộc chiến ở Ukraine, vì phải mất nhiều thời gian hơn để phát triển các đầu đạn mới và phần lớn sự gia tăng này là ở các quốc gia không bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh vào tất cả các bộ phận của quân đội khi nền kinh tế và tầm ảnh hưởng của nước này tăng lên. Smith nói: “Những gì chúng ta đang thấy là Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc thế giới".

Mai Anh (theo LHQ, Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-chi-tieu-vu-khi-hat-nhan-phinh-to-khi-cang-thang-toan-cau-gia-tang-post251400.html