Nghịch lý thiếu - thừa lao động đầu năm: Tái diễn bài toán nan giải

Bên cạnh những doanh nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp 'chạy đua' tuyển dụng đầu năm.

Tại Nghệ An, các doanh nghiệp thời điểm này vẫn có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động với nhiều chế độ hấp dẫn. Đơn cử đến cuối năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã tư vấn việc làm, học nghề cho hơn 33.000 người; giới thiệu và cung ứng lao động cho hơn 4000 người, đạt 120 % so với kế hoạch giao và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có xu hướng tăng vào năm 2023.

Đa dạng ngành nghề, băn khoăn lương thấp

Vợ chồng chị Trương Thị Hiên (30 tuổi), trú tại xã Võ Liệt, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) làm chung chung công ty may ở Bình Dương, lương tháng chưa được 15 triệu đồng, giảm gần 20% so với trước. Thu nhập giảm mạnh khiến vợ chồng trẻ cùng con nhỏ 5 tuổi, đang thuê nhà ở phải chi tiêu gói ghém.

Từ khoảng tháng 3/2022, đại dịch Covid-19 tác động sâu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Từ tháng 4/2022, công nhân làm việc ngày 2-3 tiếng, ngày nhiều nhất cũng chỉ được 5 tiếng, kéo theo thu nhập giảm sâu, chỉ còn 5-6 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ chi trả tiền trọ, tiền sinh hoạt phí đắt đỏ sinh hoạt ở Bình Dương, không dư được đồng nào để tích lũy.

Lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đầu năm 2023.

"Từ tết Dương lịch, công ty cho nghỉ 22 ngày, hết ngày nghỉ thì thông báo nghỉ Tết âm luôn, ra Tết tính tiếp. Hơn nửa năm sống lay lắt, ít việc, thu nhập thấp, không nhìn thấy nhiều hi vọng nên tôi xin nghỉ việc luôn", chị Hiên cho hay.

Về quê, chị Hiên đã dò hỏi một số nơi để tìm việc làm mới nhưng đến nay chưa tìm được công việc phù hợp. Cũng có một số công ty may đang tuyển dụng nhưng chị Hương không có kinh nghiệm trong ngành này, hơn nữa, mức lương khởi điểm quá thấp so với công việc trước đây (khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng). Chị Hiên và chồng đang chuẩn bị nộp hồ sơ xin việc vào một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Vsip ở huyện Hưng Nguyên.

"Qua tìm hiểu thì thấy hầu hết doanh nghiệp ở Nghệ An thấp quá so với các tỉnh phía Nam. Biết là thế nhưng bù lại được gần nhà, đi đi về về hơi vất vả nhưng tiết kiệm được khoản tiền trọ, với lại điều chỉnh các khoản chi tiêu, tôi nghĩ dần cũng sẽ ổn...", chị Hiên nói.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi) trú tại xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên chưa tìm được công việc mới sau gần 6 tháng mất việc. Chị Thủy trước đây làm việc tại một công ty chuyên sản xuất gấu bông, thuộc khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An. Khoản thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng giúp chị và chồng nuôi 5 con ăn học. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, chị Thủy bị cho nghỉ việc do công ty không có đơn hàng. Đó là đợt chấm dứt hợp đồng lao động thứ 2 của doanh nghiệp này với hàng chục lao động. Sau đó, tới 90% lao động tại công ty nơi chị Thủy làm cũng mất việc.

Sau khi bị nghỉ việc, chị Thủy đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An để đăng ký tìm công việc mới. Do có con nhỏ nên chị Thủy mong muốn tìm được công việc gần nhà, mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

"Tôi năm nay đã hơn 40 tuổi, sợ nhiều doanh nghiệp sẽ không tuyển dụng lao động ở độ tuổi này nữa", chị Thủy nói.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, nhu cầu việc làm vẫn rất khả quan bởi nhu cầu tuyển dụng trong quý I năm 2023 của gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với hơn 60.000 vị trí việc làm trống, tập trung vào các lĩnh vực lắp ráp điện tử, gia công, chế tạo máy móc, may mặc.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm cho biết, theo dự báo của nhiều đơn vị, chuyên gia, sau Tết Nguyên đán 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn biến động, tác động đến các doanh nghiệp trong nước cũng như thị trường lao động tỉnh Nghệ An. Từ đánh giá thực tế, ông Tuấn dự báo số lượng lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm có thể tăng trong đầu năm 2023.

Nhu cầu tuyển dụng lao động: Cầu lớn hơn cung

Theo ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, năm 2023, ngành lao động Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm cho 43.000 lao động và trung bình số đơn vị tuyển dụng trên địa bàn đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm hàng năm khoảng cần 50.000 lao động. Qua con số đó có thể thấy lao động thực hiện bảo hiếm thất nghiệp và thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động trên Nghệ An sau tết và cả năm thì cầu vẫn lớn hơn cung. Vấn đề ở chỗ người lao động có quyết tâm ở địa phương làm việc hay không?

Ông Trần Quốc Tuấn (áo đen, bên trái) - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An kiểm tra công tác tiếp nhận thông tin nhu cầu việc làm của người lao động đầu năm mới.

Cùng với đó, việc người lao động từ các địa phương trở về đông là nguồn bổ sung cho thị trường tuyển dụng đang rộng mở ở địa phương. Tuy nhiên, để cung - cầu có thể gặp nhau đang là bài toán khó. Bên cạnh yêu cầu về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ... "rào cản" lớn nhất là thu nhập của người lao động.

Mặc dù Chính phủ đã có sự điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng nhưng thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn mới chỉ đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức tiền lương chung của người lao động cả nước 8,2 triệu đồng/người/tháng, hay tiền lương của người lao động tại Bình Dương (8,3 triệu đồng), Bắc Ninh (8,57 triệu đồng), trong khi đó chi phí sinh hoạt, ăn ở tại Nghệ An không hề thua kém các đô thị lớn.

Trước tình trạng một số lao động bị mất việc, nghỉ việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Khu kinh tế Đông Nam giới thiệu tham gia ngày hội tuyển dụng tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An. Mới đây, một phiên giao dịch việc làm và tư vấn đào tạo nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 612 lao động Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC (đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương) bị mất việc làm đã được tổ chức.

Có 12 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đề xuất 3.000 vị trí việc làm, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, công nhân may mặc. Tuy nhiên, chỉ có 340 người thất nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm này và không phải lao động nào cũng thực sự muốn tìm kiếm cơ hội việc làm.

Trong đầu tháng 2 này, hội chợ việc làm quy mô lớn tại huyện biên giới Kỳ Sơn sẽ được tổ chức, dự kiến có 15 doanh nghiệp với hàng nghìn vị trí tuyển dụng tham gia.

Ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định thứ 2 hàng tuần, Trung tâm sẽ thực hiện các phiên giao dịch, ngày hội, hội chợ việc làm lưu động tại các huyện cũng như duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm online để nhằm kết nối hiệu quả hơn cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc, nghỉ việc thời gian qua.

Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau Tết và cả năm 2023, cầu lớn hơn cung, có sự phân khúc, vị trí việc làm trong khu công nghiệp - đô thị ngày càng lớn, lao động kinh tế - kỹ thuật được tuyển dụng nhiều hơn... Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ người lao động có quyết tâm ở lại địa phương làm việc và có năng lực thích ứng công việc hay không.

"Người lao động cần cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tay nghề và khả năng thích ứng công việc. Về phía các nhà tuyển dụng, cần quan tâm hơn về tiền lương, thu nhập và quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là tập trung đào tạo nghề cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường; tổ chức các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu nền kinh tế, khi đó khả năng khớp nối cung - cầu lao động mới tốt hơn, việc làm lúc đó mới thực sự bền vững...", ông Tuấn cho hay.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghich-ly-thieu-thua-lao-dong-dau-nam-tai-dien-bai-toan-nan-giai-240961.html