Nghịch lý giá nông sản

Khi nguồn cung nhiều, nông sản rớt giá, đến thời điểm giá bán tăng cao thì người nông dân lại không có hàng để bán. Đó là nghịch lý trong sản xuất nông sản chưa thể tháo gỡ, vẫn biết giá cả là do thị trường quyết định nhưng nếu sản xuất gắn với chất lượng, đầu ra thì chắc chắn những câu chuyện như nông dân phải 'nuốt đau' để chặt bỏ cây trồng mà mình chăm bón bấy lâu sẽ ít xảy ra hơn.

Đầu năm nay, có thời điểm giá thanh long rớt xuống 2.000 - 3.000 đồng/kg, dẫn tới người trồng thua lỗ phải chặt bỏ cây thanh long, đến nay giá thanh long liên tục tăng cao. Thanh long loại 1 tại vườn có thể bán tới 27.000 đồng/kg, loại 2: 22.000 đồng/kg, loại 3: 17.000 đồng/kg. Tuy vậy, nguồn hàng thanh long chất lượng lại không có nhiều để bán.

Giá bán cao, nông dân không có hàng để bán

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, cho biết với mức giá như hiện nay, người trồng có lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, sản lượng này rất ít, chủ yếu là loại 4, nên đang được các thương lái thu mua rất thấp, khoảng 7.000 đồng/kg.

Thanh long loại 1 bán được 27.000 đồng/kg nhưng rất ít hàng để bán.

Thanh long loại 1 bán được 27.000 đồng/kg nhưng rất ít hàng để bán.

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết, sản lượng vụ này so với vụ trước giảm nhiều. Trước dịch COVID-19, sản lượng thanh long loại 1 và loại 2 chiếm 50%, thanh long loại 3 và loại 4 chiếm 30-40%, còn lại là loại 5 - hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, vụ này, thanh long loại 1, loại 2 chỉ chiếm 5%.

Nguyên nhân một phần do những vụ thanh long trước, do dịch COVID-19 nên các nhà vườn không bán được hoặc bán với giá quá thấp nên vụ này họ không dám đầu tư và cũng không còn vốn để đầu tư khiến sản lượng thanh long giảm gần 50% so với vụ trước.

Ông Trịnh chia sẻ thêm: "Sản lượng thanh long loại đẹp giảm đi rất nhiều, còn loại xấu tăng lên do những vụ trước nhà vườn chịu tác động của dịch COVID-19 nên không bán được, trong khi giá vật tư liên tục tăng cao nên vụ này nhiều nhà vườn bỏ bê không chăm sóc".

Đáng chú ý, hiện nhu cầu nhập khẩu thanh long của các thị trường vẫn rất lớn, song do xuất khẩu đối mặt với các vấn đề khó khăn như kiểm soát dịch COVID-19 trên bao bì, phí logistics tăng cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm siết chặt... Điều này khiến đơn vị xuất khẩu buộc phải thu mua rẻ hơn để phòng rủi ro, chứ không phải trái thanh long rẻ. Trên thực tế, ở các thị trường như Trung Quốc, EU... trái thanh long vẫn được bán với giá rất cao, trong khi bà con nông dân ở trong nước lại khốn khổ vì cây ăn quả này.

Không chỉ trái thanh long, giá cả trồi sụt diễn ra ở nhiều mặt hàng nông thủy sản khác của Việt Nam. Trong đó, phải kể tới mặt hàng cá tra. Còn nhớ giữa năm 2019, giá cá tra xuống mức thấp nhất 10 năm, dao động trong khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đã lập đỉnh trên 30.000 đồng/kg.

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty Vĩnh Hoàn, cho biết đơn hàng của doanh nghiệp đã ký tới quý III/2022. Hiện, giá bán của Vĩnh Hoàn cũng đã tăng rất đều. Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt giảm giá trước đó khiến người nuôi phải giảm diện tích, dẫn tới khi được giá ngành cá tra lại đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350 nghìn tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II/2022.

Với góc nhìn của doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng giá nông sản sẽ phụ thuộc vào cung cầu, chất lượng sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng. Theo đó có những sản phẩm trái cây đặc sản như xoài Cát Hòa Lộc được thu mua 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng người dân lại không có nhiều để bán, hay với sản phẩm chanh leo, vú sữa cũng vậy... Những loại trái cây trên giá bao tiêu cho nông dân khá tốt.

Song với những sản phẩm như mít, thanh long, dứa - đặc thù bán tươi, khó chế biến, cung lại vượt cầu nên thỉnh thoảng xảy ra tình trạng rớt giá. "Khi thị trường Trung Quốc cần, giá mít tăng gấp 3 lần, người ta giành giật nhau mua. Một xe mít đi qua cửa khẩu có thể bán lời gấp 3 lần. Tuy nhiên, khi xuất Trung Quốc gặp khó khăn, giá mít lại rớt thảm", bà Vy chia sẻ, đến khi giảm diện tích, Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nhu cầu cao hơn, chúng ta lại không có hàng để bán.

Do đó, trong bối cảnh này, đại diện Chánh Thu mong rằng các bên tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản cần phải thực sự bình tĩnh và xác định khó khăn chung, cùng hỗ trợ nhau để giải quyết từng bước một. "Chúng ta cùng ngồi lại để vẽ lại chiến lược phát triển nông nghiệp một cách thực tế về vùng nguyên liệu, liên kết và phân chia lợi nhuận rõ ràng. Doanh nghiệp tham gia cũng cần chấp nhận rủi ro, có năm lãi nhiều, có năm lỗ. Chúng ta chấp nhận với cuộc chơi này, người nông dân liên kết với doanh nghiệp sẽ có thu nhập ổn định.

Đơn cử, giá vốn 18.000 - 20.000 đồng/kg sầu riêng, khi liên kết nông dân sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá 40.000 đồng/kg, như vậy mức lời là khá cao. Tuy nhiên, nếu phá vỡ mối liên kết này, chạy theo mức giá 50.000 đồng/kg chẳng hạn khi thị trường biến động, người nông dân sẽ chịu thiệt.

Vì thực tế đó, trong bài tham luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hội nghị Lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ quan điểm: "Làm giàu cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. Làm giàu cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và tư duy kinh tế... Và làm giàu đời sống tinh thần cho nông dân là giúp người nông dân hiểu rõ sức mạnh của tinh thần "hợp tác - liên kết" để chủ động tham gia vào các mô hình, tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã.

Ông Lê Thanh Tùng

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Sản lượng trái cây năm nay dự kiến không có nhiều đột biến về sản lượng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn tiếp tục gặp khó khăn, trong khi năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất tươi. Do vậy, để nâng cao chất lượng, giá bán cao hơn thì cần tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để tăng cường quản lý, nắm bắt sản lượng, chất lượng từng loại quả. Đồng thời, chỉ đạo rải vụ trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ.

Ông Đặng Phúc Nguyên

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit)

Việc cung vượt cầu là do một số loại trái cây có sản lượng lớn, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc như thanh long, chuối nên bị rớt giá, đặc biệt vào thời điểm chính vụ. Trong khi đó, một số loại trái cây có sản lượng nhỏ, xuất khẩu đi Mỹ, EU như sầu riêng sẽ giữ được mức giá bình ổn vì các doanh nghiệp đã bao tiêu, thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Trương Quang An

Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Vấn đề doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến trong khi người dân nhiều nơi phải giải cứu: Đây cũng là nguyên nhân từ phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến hỏi mua nhưng với giá rất rẻ chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, không thể bảo đảm lãi cho thành viên. Ít nhất phải từ 8.000 đồng/kg với thanh long loại 3 thì mới bảo đảm có lãi cho người dân. Hiện, rất nhiều mô hình thanh long và trái cây theo quy mô lớn nên doanh nghiệp thực sự có nhu cầu thì kết ký hợp đồng với HTX. HTX có thể liên kết với các HTX khác, đáp ứng từ tiêu chuẩn VietGAP đến GlobalGAP và từ vài trăm tấn đến hàng trăm nghìn tấn.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nghich-ly-gia-nong-san-1085349.html