Nghịch lý: Doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng vẫn 'sinh lời cao từ cho vay'

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó nhưng ngân hàng vẫn 'khỏe mạnh'.

Sức khỏe doanh nghiệp báo động đỏ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Từ số liệu trên, tại tọa đàm đối thoại chính sách diễn ra vào sáng 17-5, TS Nguyễn Quốc Việt - nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, sức khỏe của doanh nghiệp đang rất đáng báo động, vì vậy số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đang có xu hướng gia tăng.

 Các chuyên gia cho rằng, trong khi doanh nghiệp khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý. Ảnh: Minh Trúc

Các chuyên gia cho rằng, trong khi doanh nghiệp khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý. Ảnh: Minh Trúc

Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều lần so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Điều này cho thấy các khó khăn đè nặng doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến bức tranh phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm.

Trong khi đó, tín dụng có dấu hiệu "đông cứng" khi tăng trưởng tín dụng quý 1 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp.

“Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay”, nhóm nghiên cứu của VEPR nêu.

Không chỉ những khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ cũng doanh nghiệp cũng giảm dần.

“Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước yếu kém, họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn. Hơn thế, nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nếu kéo dài sẽ có nguy cơ suy thoái”, ông Việt lưu ý.

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, tình trạng “sức khỏe” doanh nghiệp bất ổn và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

“Việt Nam cần có những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai”, nhóm nghiên cứu của VEPR nhấn mạnh.

Chỉ số sức khỏe ngân hàng vẫn ổn

Theo báo cáo của VEPR, có một nghịch lý là trong khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, cần san sẻ, thì bức tranh ngân hàng lại rất khác biệt khi vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu 2020, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng.

Thậm chí 2 năm sau Covid-19, NIM của các ngân hàng vẫn còn cao hơn so với khoảng thời gian trước dịch. Một lý do mà các ngân hàng giải thích cho việc này là các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay.

“Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động”, TS Nguyễn Quốc Việt hoài nghi và nhấn mạnh rất cần có sự mổ xẻ sâu hơn.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-gap-kho-khan-ngan-hang-van-sinh-loi-cao-tu-cho-vay-post791053.html