Nghịch lý đào tạo lao động có tay nghề

Mặc dù có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ thuật nhưng khi ra trường và làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không 'theo kịp' độ lành nghề so với sinh viên trường nghề. Thực tế này đang phản ánh sự bất cập trong công tác đào tạo nghề hiện nay ở nhiều nơi trên cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và một số tỉnh thành phía Nam, nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề rất lớn.

Học nhiều lý thuyết nhưng thiếu thực hành

Sau khi lấy được bằng kỹ thuật cơ khí điện tử của một trường đại học, anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhận ra không thể sử dụng bằng cấp của mình trong các nhà máy. Vì vậy, anh lựa chọn làm công nhân bốc vác trong một công ty sản xuất gỗ ép ở Đồng Nai với mức lương 9 triệu đồng/tháng.

“Chuyên ngành của tôi là kỹ thuật cơ khí điện tử, sau này ra trường sẽ dùng được các thiết bị điện công nghiệp 3 pha. Tuy nhiên, những gì mà tôi được học lại không được sử dụng trong các nhà máy. Thậm chí, tôi còn không được thường xuyên thực hành trên các hệ thống cơ khí điện tử thực sự mà chỉ làm qua máy tính”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cho biết, hầu hết sinh viên trong khóa học đại học của anh đều không thành thạo phần thực hành, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ hội tự vận hành máy móc. Điều này khiến họ thiếu các kỹ năng cơ bản để sử dụng thiết bị máy móc trong năm cuối thực tập tại các nhà máy.

“Ví dụ, tôi có thể đạt điểm điểm A trong môn Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, nhưng khi vào nhà máy, tôi thậm chí còn không biết cách vận hành bảng điều khiển”, anh Tuấn nói và cho biết thêm các giáo viên hầu hết là những người có bằng đại học chứ không phải là công nhân lành nghề, dẫn đến việc sinh viên không học được các kỹ năng cần thiết trong các khóa học thực hành.

Anh Phan Xuân Lộc đang là thợ cơ khí lành nghề sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo máy tại một trường Cao đẳng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Tuấn có lẽ không quá hiếm hoi trong bức tranh đào tạo và sử dụng lao động hiện nay trên cả nước, khi mà nhiều cơ sở đào tạo vẫn quá nặng lý thuyết hơn thực hành. Trái với câu chuyện trên đây, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cách đây 5 năm với tấm bằng chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy, anh Phan Xuân Lộc (28 tuổi, quê Quảng Bình) đã trở thành một thợ cơ khí lành nghề, thậm chí anh cũng có riêng cho mình một xưởng hàn nhỏ.

Theo anh Lộc, các khóa học mà anh học tại trường phù hợp hơn với nhu cầu của nhà máy, phần lớn là do hầu hết các giáo viên đều là những người có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị trong nhà máy, đồng thời, thời gian thực hành tại nhà máy cũng nhiều hơn.

“Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian vào việc học các phần lý thuyết, mà chủ yếu được dạy cách vận hành máy móc tại nhà máy và tự tay thực hiện các bước trong công việc sản xuất. Chính vì vậy, trong những năm cuối tại trường, tôi đã được một số doanh nghiệp mời về làm việc mới mức lương khá tốt”, anh Lộc chia sẻ.

Theo anh Lộc, thời gian đầu học tại trường cao đẳng, anh cảm nhận được sự phân biệt đối xử giữa sinh viên cao đẳng và sinh viên đại học. Vì nhiều người cho rằng, trình độ đại học ra trường sẽ dễ xin việc hơn là cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy khi các doanh nghiệp hiện nay đang cần người có kỹ năng chuyên môn hơn là người có trình độ học vấn cao.

Tăng cường tay nghề cho lao động

Hiện nay có một thực tế, nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật năm 2020 chiếm đến 75,9%. Do vậy, việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để có lực lượng lao động chất lượng cao cạnh trong trong tương lai là rất quan trọng.

Là doanh nghiệp sản xuất và phân phối mỹ phẩm, Công ty TNHH Noah Legend (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) thường xuyên tuyển dụng lao động sản xuất, kinh doanh, marketing… với chính sách lương cao, đãi ngộ tốt nhưng vẫn khó tuyển đủ nhân sự theo yêu cầu.

Tại khu công nghiệp VSIP 1 ở Bình Dương, nhiều doanh nghiệp yêu cầu công nhân tối thiểu phải có bằng THPT.

Theo ông Nguyễn Anh Vinh, phụ trách nhân sự công ty, điều kiện để được ứng tuyển vào công ty phải đảm bảo về trình độ cao đẳng trở lên, kỹ năng làm việc tốt, kinh nghiệm làm việc… nhưng rất ít hồ sơ đạt yêu cầu tuyển dụng. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách tuyển người chưa có kinh nghiệm, kỹ năng để đào tạo từ đầu.

"Tùy vị trí làm việc mà thời gian đào tạo sẽ kéo dài khác nhau, khoảng 3 - 6 tháng. Đối với các vị trí như marketing, kinh doanh thì thời gian đào tạo có thể ít nhất 1 năm, cùng với việc cho đi học thêm các chứng chỉ khác mới đáp ứng được nhu cầu của công việc”, ông Vinh cho biết.

Dưới góc độ đào tạo chuyên môn nghề, ông Bùi Quang Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương cho rằng, trung cấp nghề là môi trường đào tạo đúng nghề nghiệp với tính chất định hướng và dạy nghề. Các học thuật không được thực hiện giảng dạy trong chương trình học. Điều nay đồng nghĩa với việc học nghề đảm bảo đúng với tính chất truyền dạy kinh nghiệm thực tế.

“Điều đó giúp cho người học được tiếp xúc, va chạm nhiều hơn với công việc sau này. Các kinh nghiệm và kiến thức cần thiết cũng được tích lũy nhiều hơn, nhơ đó được các nhà tuyển dụng ưu tiên hơn. Kinh nghiệm thực tế là đòi hỏi của rất nhiều nhà tuyển dụng trong thời gian gần đây. Đơn cử tại Trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương đang hợp tác và kết nối với hơn 200 công ty và xí nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được nhà trường giới thiệu đến các công ty, xí nghiệp đúng với chuyên ngành mình học", ông Bùi Quang Quý chia sẻ thêm.

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng: Nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm trung bình 30,93% trong khi nguồn cung nhân lực chỉ đạt khoảng 7%. Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng trung bình 18,36% trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 10%. Điều này thể hiện sự mất cân đối trong ncung cầu nhân lực trung cấp - cao đẳng ở Việt Nam.

Theo ông Tuấn, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bậc sơ cấp nghề trung cấp, cao đẳng là giải pháp giúp giải quyết khó khăn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, cân đối cung cầu thị trường lao động, giảm tải được tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế…

Vì việc đào tạo trung cấp, cao đẳng chú trọng tính thực tiễn, gắn liền với doanh nghiệp, phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chính vì thế trong quá trình học, sinh viên sẽ được đào tạo một cách chủ động để học và nắm vững kỹ năng nghề, dễ dàng hòa nhập với công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2045 cả nước phấn đấu có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 400 trường cao đẳng, 400 trường trung cấp, 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Đối với trường cao đẳng chất lượng cao, đến năm 2025 cả nước phấn đấu có 70 trường, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Về quy mô tuyển sinh, đào tạo, đến năm 2025 đạt từ 2,5 triệu - 2,7 triệu lượt người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25%. Theo ngành nghề, đến năm 2025 khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1,03 triệu lượt người, chiếm 38%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 670.000 lượt người, chiếm 25%; dịch vụ đạt 1 triệu lượt người, chiếm 37%.

Về với phân bố mạng lưới theo vùng đến năm 2030, riêng Vùng Tây Nguyên phấn đấu chiếm khoảng 6% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước; Vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 17%, Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 11%.

Ngoài ra đến năm 2025, cả nước phấn đấu có khoảng 85% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn sản xuất.

X.T

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghich-ly-dao-tao-lao-dong-co-tay-nghe-152520.html