Nghịch lý của ngành điều

Việt Nam giữ vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều trên toàn thế giới. Tuy nhiên tình trạng tranh mua, tranh bán của doanh nghiệp điều vẫn tiếp diễn khiến giá điều thô và điều nhân bị ảnh hưởng lớn, đang gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp ngành điều.

Công nhân lựa hạt điều chất lượng phục vụ cho xuất khẩu tại Bình Phước. Ảnh: Hồng Nhung.

Hệ lụy của sự tăng trưởng nóng

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới khi xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại. Thế nhưng, đằng sau con số kỷ lục này, nhiều mối nguy lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng là nguy cơ đối với ngành điều toàn cầu hình thành.

Sự tăng trưởng nóng của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân. Từ đó, giá nhân điều giảm sâu.

Năm 2023, các doanh nghiệp (DN) ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân. Tuy nhiên, giá điều thô có thời điểm tăng cao trong khi giá điều nhân không tăng tương ứng, khiến nhiều DN càng làm càng lỗ.

Bước qua đầu mùa vụ điều năm 2024, nỗi lo này lại chực chờ khi vẫn tiếp diễn tình trạng DN, nhà máy chế biến điều trong nước có dấu hiệu mạnh ai nấy chạy đua nguyên liệu, tranh nhau làm giá khiến cho giá điều thô khả năng tiếp tục lên cao.

Chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công thẳng thắng nhìn nhận, DN Việt đang “tự gõ vào chân mình" khi tự đẩy giá thành điều nguyên liệu cao hơn giá bán. Tình trạng này khiến hầu hết các DN chế biến, xuất khẩu điều nhân trong nước bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận, nhiều nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng.

“Việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của DN nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững” – ông Công nhận định đồng thời đặt vấn đề: Tại sao nguyên liệu tăng nhưng giá điều nhân bán ra lại thấp, đây là câu hỏi rất nhức nhối. Việt Nam đang chi phối thị trường điều quốc tế, nhưng lại không làm chủ được thị trường nên phải phân tích chuỗi sản phẩm này xem khúc mắc ở đâu. Vinacas cho rằng, đó là lỗi của DN ngành điều của chúng ta khi mà chúng ta tự đội giá nguyên liệu, tranh mua, tranh bán, nguyên nhân nằm ở đó.

Tìm cách vận hành suôn sẻ chuỗi cung ứng

Theo Vinacas, trong chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu hiện nay, sự tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi công nghiệp chế biến điều ở các nước này còn khiêm tốn.

Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như: Quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chiên rang, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và tiêu dùng giảm không tăng được giá bán và do vậy, không tăng giá mua nhân điều.

Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng khi là nước nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô của thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu.

Vinacas lo ngại, nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy. Điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Điều sẽ gây ra thiệt hại chung cho toàn chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và dẫn tới nhiều hệ lụy.

Trong đó, nguy cơ lớn nhất là nông dân ở nhiều quốc gia sẽ bỏ bê cây điều do không tiêu thụ được điều thô. "Nếu nông dân thờ ơ với cây điều thì chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về lâu dài" - ông Công nói.

Vì thế, để ổn định lại ngành điều Việt Nam và thế giới, Vinacas mong muốn làm sao để chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu được vận hành suôn sẻ, hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ nông dân trồng điều, nhà thương mại điều thô, các nhà chế biến, xuất khẩu điều nhân tới các nhà rang chiên, bán lẻ điều nhân.

T.Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghich-ly-cua-nganh-dieu-10274169.html