Nghĩa tình tháng Bảy

Đại tá Nguyễn Thanh Hoàng-Chính ủy BCH Quân sự TP Đà Nẵng thực hiện nghĩa tình với gia đình LS Nguyễn Đờn.

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm nay, các cấp Hội Phụ nữ (PN) vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) có một thông lệ: cứ đến dịp 27-7 lại chọn một gia đình liệt sĩ (LS) neo đơn trong thôn để tổ chức ngày giỗ. Mỗi người một việc, xem như là việc chung vừa lo công tác hậu cần, nấu nướng, vừa chạy tới lui tiếp khách, lễ tân như ở gia đình mình. Cái không khí ấm cúng ấy đã làm ấm lòng những người mẹ, người vợ LS... Chị Lê Thị Phượng-Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Lễ giỗ LS đã trở thành ngày hội văn hóa của người dân địa phương. Qua đó, ngoài thể hiện nghĩa tình với các gia đình có người thân hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc còn giúp cho tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, khăng khít”.

Từ sáng sớm 25-7, nhìn các thế hệ PN trong thôn tất bật lo giỗ cho chồng mình là LS Nguyễn Đờn (1940, quê xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam) hy sinh năm 1969 tại Đá Bàn (H. Đông Giang, Quảng Nam) nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, bà Lê Thị Mực (1943, trú thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) xúc động tâm sự: “Chưa năm nào, nhà tôi lại có ngày giỗ ông nhà mà lại đông đủ như thế này. Ngoài cán bộ huyện, xã, bà con trong thôn, còn có các anh chị bộ đội ở BCH Quân sự TP cùng về tham dự. Những tấm lòng bảo bọc, sẻ chia này, tôi thật sự không biết nói sao cho hết nghĩa tình”. Theo chị Hồ Thị Lai-Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến, Nam Sơn là vùng thuần nông, đất đai bạc màu, phần lớn chị em PN không khá giả gì, nhưng với tấm lòng của những người con, người em, họ đã tự nguyện đóng góp tiền, rồi cùng nhau đi chợ, nấu mâm cơm cúng giỗ LS. Vì số gia đình chính sách trên địa bàn đông nên hằng năm mỗi chi hội PN thôn chỉ chọn từ một đến hai gia đình khó khăn nhất, hoặc những LS không có thân nhân chủ yếu thờ cúng... Ai đã nói rằng “giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến”. Vâng, chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước.

Đại tá Nguyễn Thanh Hoàng-Chính ủy BCH Quân sự TP Đà Nẵng chia sẻ, phát huy truyền thống cách mạng quê hương, từ sau ngày giải phóng đến nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng nông thôn này không ngừng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị từ huyện đến thôn luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đó cũng là điều kiện để Hòa Vang tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, đền ơn đáp nghĩa. “Thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mắc một món nợ nghĩa tình với lớp người đi trước và nay xin được dần trả bằng sự nỗ lực xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, bảo vệ bình yên Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Thanh Hoàng cho biết thêm.

Hãy đến Hòa Vang những ngày này, chúng ta sẽ được nghe hàng chục, hàng trăm câu chuyện kể tương tự. Mỗi câu chuyện, mỗi con người, trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son thành những ngày tháng Bảy thiêng liêng như máu mủ, như ruột thịt. Mạch nguồn yêu thương cứ chảy chung dòng, một mâm cơm cúng ở Nghĩa trang LS xã có hàng trăm đôi đũa cho những LS chưa biết tên. Mỗi nén tâm nhang thắp lên đều tỏa khói hương vô tận, cùng tưởng nhớ 6.637 LS quê hương Hòa Vang đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ... Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Tháng Bảy-tháng của nghĩa tình đã có nhiều ngôi nhà, công trình tình nghĩa được dựng xây, những ngọn nến tri ân được thắp sáng trong các Nghĩa trang LS. Hàng triệu ngọn nến lung linh trên khắp các phần mộ như hướng về cõi tâm linh, vọng tưởng; tri ân sưởi ấm cho hương hồn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do dân tộc.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_152217_nghi-a-ti-nh-tha-ng-ba-y.aspx