Nghị viện Fiji và những điều thú vị

Là quốc gia nhỏ bé nằm ở trung tâm Nam Thái Bình Dương, cộng hòa Fiji theo chế độ Cộng hòa dân chủ nghị viện. Nghị viện Fiji trước đây gồm Hạ viện và Thượng viện. Tuy nhiên, theo Hiến pháp mới 2013, Nghị viện là cơ quan lập pháp đơn nhất, gồm 50 thành viên, nhiệm kỳ 4 năm.

NGƯỜI DÂN VÀ NGHỊ VIỆN

Nghị viện là cơ quan quyền lực tối cao của Fiji nhưng cũng là một diễn đàn cởi mở nơi người dân có thể bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình.

Gặp gỡ nghị sỹ

Nghị sĩ là những người đại diện cho nhân dân và được cử tri bầu trực tiếp vào nghị viện.

Nghị sỹ HON ASHNEEL SUDHAKAR: “Tôi có nhiệm vụ gặp gỡ người dân và phổ biến các chính sách tới họ. Ngoài ra, tôi cũng có thể tiếp xúc với dân chúng qua những cách thức gián tiếp khác, chẳng hạn như thông qua email, facebook, messenger, viber, điện thoại di động, và nhắn tin. Chúng tôi đều là những nghị sỹ rất cởi mở. Người dân có thể gọi điện, nhắn tin cho chúng tôi và nói cho tôi biết họ đang nghĩ gì hay các thắc mắc của họ là gì. Chúng tôi luôn sẵn sàng gặp và trò chuyện với người dân”.

Người dân Fiji có thể gặp gỡ, viết thư và gửi thư điện tử cho các thành viên của Nghị viện vào bất cứ lúc nào. Người dân có thể liên lạc và trao đổi với các nghị sỹ về những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Kiến nghị

Tại Fiji, bất kỳ cá nhân hay tập thể nào đều có quyền gửi các kiến nghị dưới dạng văn bản cho Nghị viện, để điều tra hoặc xem xét về một vấn đề cụ thể nào đó. Người dân có thể tác động đến các quyết định của Nghị viện thông qua việc trực tiếp gửi hoặc ký tên của mình vào 1 văn bản kiến nghị. Bản kiến nghị này sẽ bao gồm một danh sách chữ ký của những người ủng hộ một đề xuất nào đó. Sau đó, bản kiến nghị sẽ được chuyển đến một nghị sỹ, và nghị sỹ này có nhiệm vụ đệ trình nó lên nghị viện xem xét.

Đệ trình kiến nghị lên Ủy ban thường trực của Nghị viện

Các ủy ban của Nghị viện là một kênh quan trọng khác để người dân có thể bày tỏ trực tiếp quan điểm của mình với Nghị viện. Các ủy ban có thể điều tra thái độ của các cộng đồng dân cư, bằng cách mời người dân, các tổ chức và chuyên gia đưa ra ý kiến riêng của họ về một dự luật hay vấn đề nào đó.

Trong khoảng thời gian này, các thành viên của ủy ban sẽ thường xuyên thực hiện các cuộc tiếp xúc với các công động dân cư, để thu thập và lắng nghe ý kiến, kiến nghị từ người dân. Thời gian và địa điểm tiếp nhận kiến nghị sẽ được ủy ban thông báo cụ thể tới người dân.

Theo quy định, tất cả các phiên điều trần của ủy ban đều phải diễn ra công khai. Tất cả các kiến nghị mà người dân đệ trình đều được đăng tải trên báo in, đài phát thanh và truyền hình.

Theo dõi tin tức về nghị viện

Bất kỳ quyết sách nào được Nghị viện thông qua đều có tác động đến người dân và cộng đồng mà họ đang sinh sống. Do vậy, người dân có quyền được thông tin đầy đủ về các hoạt động của Nghị viện và cách thức họ tham gia vào những hoạt động đó.

Theo quy định, mọi người dân đều có thể đến trụ sở của Nghị viện và quan sát các phiên họp của nghị viện, các ủy ban. Nghị viện là cơ quan cởi mở và luôn chào đón dân chúng đến theo dõi các hoạt động.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông như báo giấy và các kênh truyền hình có nhiệm vụ đưa tin về hoạt động của Nghị viện. Các nghị sỹ cũng có thể sử dụng mạng xã hội để trao đổi trực tiếp với cử tri.

Có thể khẳng định, thông qua nhiều kênh khác nhau, người dân có thể nói lên quan điểm, bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với Nghị viện – cơ quan lập pháp tối cao tại Fiji.

VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH NGHỊ VIỆN

“Phản ánh niềm vinh hạnh của các thành viên…

Những người chơi phải tuân thủ luật lệ…

Nếu các bạn tự tin vào chính mình, thì tôi tin tưởng bạn có thể lựa chọn được những nghị sỹ đáng tin cậy.

Giờ tôi kêu gọi lãnh đạo chính phủ tại Nghị viện…..”

Là người đưa ra những chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp, Chủ tịch Nghị viện nắm giữ vai trò trọng yếu trong mọi hoạt động của cơ quan lập pháp Fiji. Các phiên tranh luận của nghị viện không thể thiếu sự điều hành của chủ tịch Nghị viện.

Bạn có thể tưởng tượng rằng: hai đội bóng bầu dục thi đấu trong trận chung kết, họ ra sân và không có trọng tài. Điều này cũng giống như việc Nghị viện hoạt động mà không có chủ tịch nghị viện.

Chủ tịch Nghị viện có nhiệm vụ đảm bảo các nghị sỹ phải tuân thủ mọi quy tắc khi tham gia tranh luận tại phiên họp toàn thể.

Chủ tịch nghị viện sẽ ngồi ở chiếc ghế chủ tọa và đảm bảo rằng các phiên họp của nghị viện được tiến hành theo đúng trình tự, phù hợp với các quy định trong Hiến pháp và quy định của Nghị viện, đồng thời đảm bảo rằng các nghị sỹ phải tuân thủ những quy định này, và chủ tịch nghị viện cũng phải đảm bảo các quy tắc được miễn trừ một cách công khai và minh bạch.

Fiji có chủ tịch Nghị viện đầu tiên vào năm 1956 và nữ Chủ tịch nghị viện đầu tiên vào năm 2014 – bà Jiko Luveni.

Chủ tịch Nghị viện được bầu như thế nào?

Sau khi tổng tuyển cử kết thúc, vào ngày họp đầu tiên của Nghị viện, các thành viên của nghị viện sẽ tiến hành bầu chủ tịch Nghị viện.

Chủ tịch Nghị viện có quyền yêu cầu nghị sỹ rời khỏi phiên họp của nghị viện nếu họ gây mất trật tự hoặc liên tục vi phạm các quy tắc. Ngoài ra, các thành viên nghị viện cũng có thể bị đình chỉ hoạt động nếu có những hành vi sai trái. Theo quy định của nghị viện, chủ tịch Nghị viện có quyền áp đặt các hình phạt lên các thành viên nghị viện trong những trường hợp nhất định. Bất kỳ nghị sỹ nào cho rằng có các hành vi phá vỡ đặc quyền đang diễn ra tại Nghị viện thì hoàn toàn có thể đưa vấn đề này ra trước nghị viện.

Ủy ban Kiểm soát đặc quyền của Nghị viện có nhiệm vụ điều tra các hành vi phá vỡ đặc quyền và đề xuất hình phạt. Nghị viện sẽ quyết định xem có chấp thuận với các hình phạt mà Ủy ban Kiểm soát đặc quyền đề xuất hay không. Đây là những quy tắc chung của mô hình nghị viện Westminster và cũng là đặc trưng quan trọng của Nghị viện Fiji.

Người được chọn đảm nhiệm vai trò chủ tịch Nghị viện phải là người chính trực và công tâm. Chủ tịch Nghị viện phải tuân thủ theo Hiến pháp và các đạo luật khác, đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích và phẩm giá của Nghị viện, đảm bảo các quyền và đặc quyền của tất cả thành viên nghị viện, đảm bảo dân chúng có thể tiếp cận các phiên họp của Nghị viện và ủy ban. Chủ tịch Nghị viện cũng được ủy quyền duy trì trật tự và các nghi lễ tại Nghị viện, đồng thời phải hành xử một cách công tâm.

Giúp việc cho chủ tịch nghị viện là Phó Chủ tịch Nghị viện – được bầu chọn từ các thành viên của nghị viện (ngoại trừ những người đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng) theo nguyên tắc đa số giản đơn.

Chủ tịch nghị viện là người phát ngôn của Nghị viện, đại diện cho Nghị viện trước các bộ ban ngành khác của chính phủ, cơ quan hành pháp và tòa án. Về mặt đối ngoại, Chủ tịch Nghị viện có trách nhiệm thay mặt nghị viện tiếp đón các đoàn nghị sỹ nước ngoài đến thăm nghị viện Fiji, các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật của tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chủ tịch Nghị viện cũng có thể đại diện cho Nghị viện tiến hành các cuộc tiếp xúc với các cộng đồng dân cư khi người dân có nhu cầu gặp gỡ chủ tịch Nghị viện. Chủ tịch Nghị viện cũng có trách nhiệm giám sát mọi hoạt động hành chính của nghị viện.

Có thể khẳng định, chủ tịch Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì các giá trị dân chủ của Fiji, duy trì và đảm bảo các quy tắc của nghị viện và là hiện thân của cơ quan quyền lực tối cao này.

QUYỀN TRƯỢNG CỦA NGHỊ VIỆN

Cây quyền trượng đại diện cho quyền lực của Chủ tịch Nghị viện Fiji và xuất hiện tại tất cả các cuộc họp của Nghị viện. Nó được người phụ trách nghi lễ mang trên vai khi tháp tùng Chủ tịch Nghị viện bước vào và rời khỏi phòng họp. Cuộc họp của Nghị viện sẽ không thể bắt đầu nếu cây quyền trượng chưa được mang vào phòng họp. Còn khi cây quyền trượng chưa được đặt trên bàn thì không thành viên nào của Nghị viện, trừ Chủ tịch Nghị viện, được quyền phát biểu.

Ít ai biết được rằng, cây quyền trượng của Nghị viện Fiji ban đầu được gọi là war club (tức một cây gậy dùng để chiến đấu). Năm 1874, lãnh tụ Ratu Seru Cakobau đã tặng cây gậy chiến này cho Nữ hoàng Anh Victoria như là một món quà khi Fiji trở thành một phần của Vương quốc Anh. Và phải đến năm 1932, Vua George Đệ ngũ mới mang cây quyền trượng này trở lại Fiji.

Cây quyền trượng của Nghị viện Fiji được làm từ một loại gỗ cứng có tên là gadi, đính trên đó là các chi tiết trang trí bằng bạc có hình dạng những chiếc lá cọ và chim bồ cầu tượng trưng cho hòa bình và sự tĩnh lặng.

Nghị viện Fiji hoạt động theo mô hình nghị viện Westminster, trong đó cơ quan hành pháp (bao gồm Thủ tướng và nội các) phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Chính phủ cũng có một nhà lãnh đạo riêng tại Nghị viện, được gọi là lãnh đạo phe chính phủ tại Nghị viện và đảm nhiệm những trọng trách đặc biệt.

VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ TẠI NGHỊ VIỆN

Cơ quan hành pháp là cách gọi khi người dân nói về chính phủ, bởi cơ quan này có trách nhiệm đưa ra các quyết sách quan trọng và thực thi những đạo luật được Nghị viện thông qua. Cơ quan hành pháp định hình và xây dựng những chính sách thông qua một hệ thống nội các – bao gồm tất cả các bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu lãnh đạo.

Nhiệm vụ của chính phủ bao gồm xây dựng chính sách quốc gia, bảo vệ và giải trình những chính sách này trước Nghị viện. Chẳng hạn như: các chính sách liên quan đến quản lý thương mại, đối ngoại, nhập cư và môi trường.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết, chính phủ có nhiệm vụ giới thiệu các sáng kiến luật mới, sửa đổi những đạo luật hiện hành, đưa luật vào cuộc sống thông qua các bộ ngành của chính phủ, thay mặt người dân Fiji đưa ra các quyết định quan trọng, chẳng hạn như vấn đề có nên đưa quân đội Fiji đến các vùng chiến sự hay không, và chính phủ cũng có trách nhiệm đại diện cho người dân Fiji ở nước ngoài.

Bởi vì chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, nên các Bộ trưởng có nhiệm vụ bảo vệ và giải trình các quyết sách của chính phủ.

Tại nghị viện Fiji diễn ra rất nhiều hoạt động, trong đó bao gồm Giờ chất vấn Question time, Báo cáo của các bộ trưởng và Xem xét các dự thảo luật. Những phiên làm việc này là cơ hội để các bộ trưởng giải thích cặn kẽ về hoạt động của chính phủ.

Ngoại trừ bộ trưởng, tất cả những thành viên chính phủ khác tại Nghị viện được coi là những thành viên độc lập. Họ có thể tham gia vào tất cả các hoạt động của Nghị viện bao gồm biểu quyết, giới thiệu các dự án luật với tư cách cá nhân, chất vấn, nêu ra những vấn đề đang được dân chúng quan tâm và nộp đơn kiến nghị.

Lãnh đạo phe chính phủ tại Nghị viện là một mắt xích quan trọng, có nhiệm vụ quản lý công việc của chính phủ tại Nghị viện. Cụ thể, nhiệm vụ này bao gồm: duy trì đối thoại với các nhóm nghị sỹ thông qua các cuộc họp kín nhằm đảm bảo những bất đồng được giải quyết nhanh chóng và các vấn đề quan trọng được xem xét theo đúng trình tự.

Ông INIA SERUIRATU - Lãnh đạo phe chính phủ tại Nghị viện, Bộ trưởng Nông nghiệp, nông thôn, biển và quản lý thảm họa quốc gia: “Là người lãnh đạo phe chính phủ tại nghị viện – đó là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo rằng mọi hoạt động của chính phủ đều được ưu tiên. Trong thời gian diễn ra các phiên họp hay tranh luận, chúng tôi phải sắp xếp người phát biểu phù hợp… ngoài ra công tác chuẩn bị cũng rất quan trọng, chúng tôi phải đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ, yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng nhằm đảm bảo chính phủ luôn trong tâm thế sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Nghị viện”.

Song hành với nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, chính phủ còn giữ một vai trò quan trọng tại Nghị viện. Trong đó, lãnh đạo phe chính phủ tại Nghị viện có trách nhiệm đảm bảo mọi công việc của chính phủ phải được phối hợp nhịp nhàng và thực hiện hiệu quả.

VAI TRÒ CỦA PHE ĐỐI LẬP TẠI NGHỊ VIỆN

Phe đối lập đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các bộ trưởng và chính phủ luôn là một khối thống nhất và phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện về quyết định của mình. Do đó có thể hiểu rằng, Phe đối lập có vai trò giám sát hoạt động của chính phủ và đề xuất những quyết sách thay thế. Điều này cho phép dân chúng đưa ra những đánh giá sáng suốt về hiệu suất làm việc của những người đại diện cho họ. Trong khi vai trò của chính phủ là hằng ngày đưa ra các quyết định và thực thi những đạo luật đã được Nghị viện thông qua, thì phe đối lập cũng có một vai trò khác không kém phần quan trọng. Lãnh đạo phe đối lập thường được gọi là bộ trưởng đối lập (shadow minister).

Bà RO TEIMUMU KEPA - Lãnh đạo Phe đối lập: “Vai trò quan trọng đầu tiên của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi có thể thành lập một chính phủ mới thay thế. Trên thực tế, chúng tôi đang theo dõi và giám sát những điều chính phủ đang làm và đang nói trước nghị viện, cũng như những gì đang xảy ra trên chính trường”.

Nghị sỹ BIMAN PRASAD:Công việc của chính phủ là điều hành, công việc của phe đối lập là đảm bảo chính phủ phải có trách nhiệm với hành động của mình.”

Trong khi người đứng đầu chính phủ có quyền chỉ định các thành viên của mình làm bộ trưởng – tức người đứng đầu các bộ trong chính phủ, thì Phe đối lập cũng có thể chỉ định thành viên của mình trở thành Bộ trưởng đối lập – có nhiệm vụ theo dõi và phản biện các chính sách của Bộ trưởng chính phủ.

Về mặt cá nhân, các bộ trưởng đối lập có nhiệm vụ đảm bảo các bộ trưởng chính phủ phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Do đó, người dân – bạn biết đấy nền dân chủ này thuộc về người dân, có thể thấu hiểu và có cơ hội chất vấn cả bộ trưởng chính phủ và bộ trưởng đối lập.

Ông MIKA LEAWERE - Bộ trưởng đối lập giám sát vấn đề giáo dục: “Nhưng về phía bộ trưởng đối lập, họ phải đảm bảo chính phủ thực thi đúng những chính sách mà họ đã giới thiệu về mảng giáo dục, đồng thời cũng phải xây dựng những chính sách thay thế nhằm phản biện hoạt động của các bộ, các bộ trưởng và chính phủ. Đó là nhiệm vụ của một bộ trưởng đối lập”.

Vai trò của phe đối lập tại Nghị viện bao gồm: giám sát chặt chẽ hoạt động của chính phủ, yêu cầu chính phủ giải thích về những quyết sách của họ, tranh luận về các dự án luật được trình lên tại Nghị viện, phối hợp với các ủy ban xem xét các dự án luật và những vấn đề quan trọng của đất nước, đưa ra những chính sách thay thế cho các chính sách của chính phủ. Lãnh đạo Phe đối lập có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ những vai trò trên và phải phối hợp nhịp nhàng với các thành viên đối lập khác nhằm góp phần bảo vệ nền dân chủ của Fiji.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghi-vien-fiji-va-nhung-dieu-thu-vi